Làng nhan sắc trong nước khép lại năm 2022 ồn ào với gần 30 cuộc thi lớn nhỏ. Trong đó, hoa hậu Đỗ Thị Hà gây chú ý khi khóc trên sân khấu chung kết Hoa hậu Việt Nam nói về áp lực. Trước cô, Trần Tiểu Vy, Đỗ Mỹ Linh... từng bộc lộ cảm xúc tương tự.

do-thi-ha-final-walk-1671809236.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IDsK8swASCgVONVMF4ID1w
Đỗ Thị Hà final walk

Đỗ Hà khóc nói về chặng đường hai năm đương nhiệm tại chung kết Hoa hậu Việt Nam 2022, tối 23/12 ở TP HCM. Video: VTV

Theo các người đẹp, ngay sau đêm chung kết, ngoài hạnh phúc chiến thắng, một trong những áp lực họ đối diện là đánh giá của công chúng. Khi Đỗ Thị Hà đăng quang 2020, cô bị chê bai, thậm chí miệt thị ngoại hình, giọng nói "nhà quê". Lúc đầu, cô có chút hối hận về quyết định đi thi, để phải chịu lời lẽ xúc phạm, ảnh hưởng đến cả gia đình. Trần Tiểu Vy từng nhận chỉ trích như "chân dài não ngắn", "bình hoa di động". Còn Thanh Thủy ngay sau chiến thắng hôm 23/12/2022, lập tức vướng tin đồn mua giải, khiến gia đình và ban tổ chức phải lên tiếng phủ nhận.

Năm 2014, hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên bị dư luận cho chưa xứng đáng để đăng quang vì nhan sắc, học vấn thiếu nổi bật. Nhất cử nhất động của cô khi đi sự kiện, lên máy bay... đều bị quay, chụp và tung lên mạng, gây bàn tán hay chỉ trích.

Theo những người chuyên tổ chức cuộc thi nhan sắc, các hoa hậu đăng quang ở tuổi 19-20, khó tránh khỏi bị tác động bởi ý kiến khen - chê.Bà Phạm Kim Dung - đứng đầu Sen VàngEntertainment, đơn vị đang quản lý nhiều hoa hậu - cho biết từ vô danh, các cô gái trở thành người của công chúng. Tuổi đời non trẻ, chưa có kinh nghiệm sống, khi đứng trước "làn sóng" bình phẩm, các cô bị ngợp, cần thời gian để thích nghi, định hình mình là ai.

do-thi-ha-toi-manh-me-sau-nhieu-loi-phi-bang-1671680843.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rRZ4bHQrsoFsK4iafZttiw
Đỗ Thị Hà: 'Tôi mạnh mẽ sau nhiều lời phỉ báng'

Đỗ Thị Hà nói về sự mạnh mẽ hiện tại sau hai năm đương nhiệm. Video: Tân Cao - Việt Huyền

Hai năm giữ danh hiệu cũng là khoảng thời gian thử thách với không ít người. Nhiều hoa hậu phải ký hợp đồng với đơn vị chủ quản, trong đó có điều khoản như cam kết giữ gìn hình ảnh, đạo đức, tham gia các hoạt động từ thiện; không được phát ngôn phản cảm, hành động trái thuần phong mỹ tục, không được bỏ học... "Các điều khoản không quá gắt gao nhưng ít nhiều có thể khiến các cô gái trẻ áp lực", bà Phạm Kim Dung nói.

Đỗ Hà nói có thời điểm chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi ngày vì học, lịch hoạt động dự sự kiện dày. Nhà thiết kế Đỗ Long cho biết nhiều lần làm việc chung, anh xót khi thấy cô thiếu ngủ.

Chuyện các người đẹp tham gia sân chơi nhan sắc quốc tế được công chúng quan tâm. Ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO Unimedia - quản lý hoa hậu Ngọc Châu, á hậu Kim Duyên... - nói sự kỳ vọng của công chúng về việc phải vào top tại các cuộc thi lớn như Miss Universe, Miss World... hay phải nối tiếp chuỗi thành tích của người đi trước, khiến các hoa hậu thêm gánh nặng. Họ đều phải trải qua những khóa huấn luyện dài ngày về thể lực, kỹ năng để có cơ hội khẳng định bản thân.

hoa-hau-jpeg-9429-1672214798.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6Qsj_4XSO_0OQBmEteaubQ

Dàn hoa, á hậu đọ sắc vóc tại sự kiện đấu giá từ thiện hồi tháng 9, từ phải qua gồm Tường San, Lương Thùy Linh, Bảo Ngọc, Đỗ Hà, Đỗ Mỹ Linh, Mai Phương, Phương Anh, Tiểu Vy, Phương Nhi, "Người đẹp áo dài" Miss World Vietnam 2022 - Đặng Thị Kim Thoa. Ảnh: Sen Vàng

Tuy vậy, nhiều người nhận định danh xưng nhan sắc bị lạm dụng, khoác "chiếc áo quá khổ" về giá trị xã hội, tạo áp lực ảo cho người giữ vương miện.

Trong nước, các cuộc thi nhan sắc nở rộ, trải đều suốt năm. Sức nóng các sân chơi còn đến từ chuyện khai thác các yếu tố thương mại, xây dựng hình ảnh thương hiệu, cá nhân, đơn vị.

Ông Phạm Duy Khánh - chuyên gia đào tạo hoa hậu, Ủy viên Ban chấp hành hiệp hội người mẫu Việt Nam kiêm CEO Five6 Entertainment - nhìn nhận các cuộc thi hoa hậu trên thế giới cũng nhiều, tồn tại lâu đời. Nhưng đa phần đơn vị và khán giả ở nhiều nơi xem đó chỉ là cuộc chơi giữa các người đẹp.

Bối cảnh showbiz Việt có nét khác. Các fan tạo diễn đàn, xuất hiện bài viết so sánh các cuộc thi, tạo không ít tranh cãi thiếu tích cực. Ông Khánh nói: "Nhiều khán giả tung hô cuộc thi. Đến lúc mọi thứ không như kỳ vọng, họ quay lưng. Mặt khác, các nhà tổ chức và đơn vị đào tạo sắc đẹp cũng phần nào tiếp tay cho vấn đề này, vô hình trung khiến sân chơi nhan sắc trong nước bị nhận xét như cái chợ".

khoanh-khac-dang-quang-cua-hoa-hau-thanh-thuy-1671810431.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JEHob9Pin7xZ32yyXC1agQ
Khoảnh khắc đăng quang của Hoa hậu Thanh Thủy

Khoảnh khắc đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2022 của Huỳnh Thị Thanh Thủy. Video: VTV

Về chuyện cô gái đăng quang phải có trách nhiệm cống hiến, nhiều ý kiến cho rằng hoa hậu cũng giống bao danh xưng khác như ca sĩ, diễn viên, người mẫu... Họ sẽ đóng góp cho cộng đồng tùy theo sức lực, khả năng, cộng thêm sự điều phối, chiến lược của đơn vị quản lý.

Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Hà Kiều Anh lần lượt đăng quang Hoa hậu Việt Nam qua các năm 1988, 1990, 1992, cho biết từng chịu áp lực nhưng không như thế hệ trẻ. Các mỹ nhân cho biết trước đây, Internet, truyền thông lẫn các mạng xã hội chưa phát triển, các hoạt động của hoa hậu chủ yếu cập nhật trên báo in ra theo tuần. Bùi Bích Phương nói thời của chị, ban tổ chức không áp đặt lên tân hoa hậu trọng trách, kỳ vọng quá sức. Chị thường chủ động xin tham gia các hoạt động thiện nguyện cùng Đoàn Thanh niên, báo Tiền Phong ở Hà Nội và các tỉnh.

Còn hoa hậu Diệu Hoa nói: "Tôi nghĩ các bạn trẻ bây giờ đều có học vấn, thông minh, thường xuyên sử dụng Internet. Với sự giúp sức của phụ huynh, đơn vị quản lý, tôi tin các em sẽ bình tĩnh đón nhận các bình luận, hoàn thiện bản thân từng ngày".

Tân Cao - Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022