Tái hiện nghệ thuật Mosaic, gần 300 người làm, mỗi thiết kế để hoàn thiện cần gần 15.000 giờ làm việc, kỹ thuật thêu tay chỉ vàng 9999 kết hợp chỉ tơ tằm, kỹ thuật dát vàng, đính kim hoàn, đá quý… tất cả tạo nên bộ sưu tập “Suối nguồn” của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam.
Đây là bộ sưu tập gây ấn tượng mạnh với giới chuyên môn thời trang, bạn bè, chính khách quốc tế khi có mặt tại Lễ hội áo dài TP.HCM. Tiếp theo sự kiện quảng bá BST áo dài “Suối nguồn” tại Mỹ khi Wynter Alana trở thành người mẫu da màu đầu tiên trình diễn vedette, BST kỳ công “Suối nguồn” chính thức được giới thiệu tại Lễ hội áo dài TP.HCM lần thứ 9.
Những tà áo dài kỳ công được ví như những tác phẩm của Ntk Đỗ Trịnh Hoài Nam đã một lần nữa khiến bạn bè quốc tế vô cùng thích thú với áo dài Việt và nhìn nhận đó là một sản phẩm thời trang độc đáo có tính ứng dụng.
Tham gia Lễ hội áo dài TP.HCM năm nay, bên cạnh vai trò nhà thiết kế, Đỗ Trịnh Hoài Nam còn đảm nhận trọng trách làm Đại sứ thúc đẩy quảng bá áo dài và du lịch TPHCM ra thế giới, vai trò này khiến nhà thiết kế cảm nhận một sức nặng vô hình giúp anh tạo nên những giá trị.
“Nếu như đơn thuần tham gia lễ hội với vai trò nhà thiết kế, tôi sẽ chỉ có trọng trách tạo nên một BST có ý nghĩa với lễ hội với vai trò quảng bá du lịch trong nước và quốc tế, ứng dụng cho khách hàng. Nhưng khi đảm nhận thêm trách nhiệm của một đại sứ, tôi có vai trò lan toả tình yêu áo dài trong cộng đồng", Đỗ Trịnh Hoài Nam nói.
Chất liệu mới nhung lụa nhưng lại được mặc vào mùa hè thấm mồ hôi, những chất liệu cao cấp được xử lý bề mặt bằng công nghệ hiện đại, mới lạ đầy sáng tạo theo phong cách nghệ thuật Mosaic kết hợp với tinh hoa văn hóa truyền thống Việt Nam như thêu đính, dát vàng, khảm nạm kim hoàn đá quý… nhằm tạo nên những tác phẩm áo dài đích thực.
Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ: “Cùng với các đại sứ du lịch, tôi mong muốn những nhà thiết kế, những người làm nghề áo dài, có nhiều góc nhìn mới, bên cạnh giữ các nét truyền thống cha ông, áo dài cũng là một sản phẩm thời trang nó cũng cần có đời sống của nó, cũng cần phát triển. Dù được phát triển theo góc nào cũng được nhưng quan trọng phải được công chúng đón nhận. Điều đó giúp áo dài phát triển theo quy luật. Cái gì thuộc về giá trị truyền thống được lưu giữ, cái gì không phát triển không phù hợp đời sống sẽ bị đào thải. Quan trọng nhất, tôi muốn nói những sản phẩm áo dài truyền thống Việt Nam cũng cần được cách điệu để đưa vào đời sống để phù hợp, không gian, thời gian, kiến trúc…”.
Bộ sưu tập “Suối nguồn” của Ntk Đỗ Trịnh Hoài Nam góp phần khẳng định áo dài cần hội nhập quốc tế, sử dụng hoa văn hoạ tiết, chất liệu của nước ngoài, văn hoá, hình ảnh nước ngoài… có như vậy áo dài sẽ là một sản phẩm thời trang hợp xu hướng và nhận được sự đón nhận của bạn bè quốc tế./.