Mới đây, hội bỉm sữa xót xa khi đọc thông tin về vụ việc một bé nhỏ 4 tháng tuổi tại Khánh Hoà bị chảy máu não do hội chứng rung lắc. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê, thở nấc, tím môi.
Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, các bác sĩ chẩn đoán bé bị xuất huyết não (xuất huyết dưới nhện, tụ máu dưới màng cứng) nghi do hội chứng rung lắc. Khai thác thông tin từ phía người nhà bệnh nhân thì có thể thấy, em bé sinh đủ tháng, không sặc sữa, ngủ bằng nôi không rung lắc mạnh, không có tiền sử té ngã. Tuy nhiên trước đó 2 ngày, bệnh nhi được mẹ đưa đi chơi, sau đó được chuyền tay qua nhiều người bằng bế xốc nách và rung lắc.
Hiện tại sau nhiều ngày điều trị tích cực em bé đã tỉnh, có dấu hiệu bú tốt, ổn định sức khoẻ và dự kiến xuất viện trong nhiều ngày tới. Tuy nhiên đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho nhiều bậc phụ huynh vẫn giữ thói quen xấu khi chăm sóc trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Em bé đã ổn định sau nhiều ngày điều trị tích cực.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thị Kim Huyên, người lớn thường vô tình gây nguy hiểm sức khoẻ cho trẻ nhỏ bằng những thói quen xấu. Ví dụ như bế xốc, tung hứng, cù lét, rung lắc đung đưa trẻ: "Các bạn sơ sinh rất là nhỏ bé, chúng ta sợ làm rơi con, chúng ta sợ làm trẻ tổn thương. Điều này rất đúng, nên các bố mẹ đều ôm chặt con vào lòng. Nhưng có đôi khi chúng ta yêu bé quá, cảm xúc lên cao, cha mẹ hoặc người thân mới ôm bé đung đưa hoặc với những bạn lớn hơn thì chúng ta tung hứng nữa...
Con người của chúng ta không giống con mèo. Con mèo quăng nó lên cao nó rớt xuống có thể không sao. Nhưng con người của chúng ta, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi chúng ta rung lắc mạnh thì não của bé ở phía trong hộp sọ bị chấn động. Và như vậy vô tình chúng ta gây ra hội chứng rung lắc não của trẻ, gây ra sự chấn động vô cùng lớn đối với não của con. Đó là chưa kể não bộ của con có thể bị chấn thương. Vì vậy, người lớn tuyệt đối không rung lắc trẻ mạnh hoặc tung hứng đứa nhỏ".
Tìm hiểu về hội chứng rung lắc ở trẻ
1. Hội chứng rung lắc ở trẻ là gì?
Hội chứng rung lắc là một dạng chấn thương đầu và não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh. Hội chứng này hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh đến 8 tháng tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng rung lắc
Nguyên nhân gây ra hội chứng rung lắc thường do việc rung lắc mạnh nhằm dỗ trẻ bớt khóc, thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ, hoặc những động tác đơn giản khi chơi đùa nhưng làm thay đổi tư thế trẻ nhanh đột ngột, như: Trẻ đang nằm được bế thốc dậy, tung cao trẻ, bồng trẻ đưa lên đưa xuống nhanh, nhấc bổng trẻ lên cao… đều có thể gây nguy hại đến trẻ dù chỉ với thời gian ngắn.
3. Các dấu hiệu trẻ mắc hội chứng rung lắc
Theo các bác sĩ, dấu hiệu của hội chứng rung lắc ở trẻ rất khó chẩn đoán nếu như không có chuyên môn. Tuy nhiên, cha mẹ có thể để ý một vài biểu hiện này của trẻ sau khoảng 4-6 giờ con bị tung hứng, hoặc rung lắc mạnh:
+ Trẻ bị rối loạn tri giác ở nhiều mức độ
+ Trẻ bị kích thích, lừ đừ kèm theo vật vã
+ Trẻ chán ăn, buồn nôn, nôn
+ Hôn mê, co giật
+ Trẻ bị giãn đồng tử và không đáp ứng với ánh sáng
+ Trẻ khó chịu, hay cáu gắt
+ Lưng trẻ cong thành hình vòng cung và nằm ở tư thế ngửa đầu ra sau
+ Nhịp thở của trẻ chậm và bất thường
+ Chỉ số huyết áp ở trẻ thấp bất thường
+ Thóp phồng, bầm tím tay, da đầu, mặt
+ Ngưng tim, tử vong...
Khi xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc hội chứng rung lắc, phụ huynh cần: gọi xe cấp cứu, không nên vận chuyển bằng các phương tiện thông thường; không bế xốc trẻ lên hay cố gắng lắc thêm làm cho trẻ tỉnh lại, không cho trẻ ăn, bú. Nếu trẻ ngừng thở trước khi có cấp cứu hỗ trợ, cần phải tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu chấn thương cổ, nên cố định cổ và tránh xoay trở trẻ. Nếu trẻ nôn và không có chấn thương cổ, cần xoay nhẹ đầu trẻ về một bên để tránh sặc và ngừng thở.
4. Hậu quả của hội chứng rung lắc ở trẻ
Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khối lượng đầu trẻ chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 1⁄4 trọng lượng, trong khi cơ cổ rất yếu, chưa chịu được sức nặng của đầu, não bộ chưa phát triển nhiều. Khi bị rung lắc mạnh, nhất là động tác tung hứng, quay vòng tròn mạnh, khối não sẽ di chuyển theo quán tính và va đập vào xương sọ gây tổn thương não nặng nề. Lực va chạm này sẽ đột ngột tăng lên nếu đầu trẻ bị va chạm vào bề mặt cứng.
Khi đó có thể xảy ra những hậu quả nặng nề cho sức khoẻ của em bé như:
+ Tụ máu dưới màng cứng: là sự tích tụ máu giữa màng cứng ( lớp màng xơ bao quanh bề mặt não) và bề mặt não.
+ Bề mặt não bị chấn thương trực tiếp: não bị va đập vào bản trong của bản sọ.
+ Tụ máu dưới nhện: giữa màng nhện ( lớp màng giống như màng lưới bao quanh bề mặt não chứa đầy dịch não tủy) và não xảy ra sự tích tụ máu.
+ Các nhánh tế bào thần kinh ở vỏ và các cấu trúc sâu của não bị xé rách hoặc đứt gãy do sự va đập thô bạo đối với não.
+ Sự thiếu hụt oxy gây ra những tổn thương không hồi phục khác ở não nếu trẻ ngừng thở trong khi bị lắc.
+ Những sợi thần kinh bị tổn thương giải phóng chất hóa học gắn kết với oxy lấy đi từ não khi dẫn đến những tổn thương tế bào não.
+ Xuất huyết dưới võng mạc: xuất huyết diễn ra ở nhiều mức độ từ rải rác cho đến xuất huyết lan tỏa nhiều lớp của võng mạc.
+ Vỡ xương sọ: do sự va chạm đầu trẻ với những bề mặt cứng hoặc mềm.
+ Gãy xương: xương đòn, xương sườn và tứ chi có thể bị gãy.
5. Phòng ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ
Để đề phòng hội chứng rung lắc ở trẻ, người lớn cần loại bỏ những thói quen xấu khi chăm sóc bé như rung lắc, tung cao hay nhồi xóc hoặc ném trẻ.... Ngoài ra phụ huynh cũng cần giữ cổ trẻ ở tư thế cố định khi bế trẻ. Cần xác định nguyên nhân khi trẻ khóc, xem trẻ có bị sốt, đói, hay do một nguyên nhân nào khác không, không nên nóng giận, mất bình tĩnh khi trẻ khóc; không được đánh trẻ, không được ru bé ngủ bằng cách rung lắc mạnh nếu trẻ không nín khóc.