Vừa qua, trên kênh YouTube của mình, nghệ sĩ ưu tú Xuân Hinh đã dẫn một đoàn khách đi tham quan cơ ngơi rộng 5000m2 tại Sóc Sơn do anh tâm huyết xây dựng hàng chục năm qua.
- Đời tư kín tiếng của em trai ruột "Vua hài đất Bắc" Xuân Hinh
Tại buổi giới thiệu, Xuân Hinh chia sẻ về sự công phu trong quá trình xây dựng: "Ngày xưa ở đây nhiều đội xây lắm, có mấy đội cứ tới là kêu 'chưa thấy công trình nào như của ông này, phải cầm từng viên gói mỏng dính lắp vào'. Xây công trình kiểu này khá vất vả, tuyển công nhân đã khó, tuyển thợ có bàn tay vàng để lắp từng viên gạch, viên ngói vào càng mệt hơn.
Nhiều thợ vào đây làm được hai tiếng đã thấy dọn đồ bỏ đi. Tôi đã bảo 'cháu cứ làm đi, mai bác lên, bao tiền bác gửi. Có vấn đề gì mày cứ nói chuyện với bác, mày muốn gì bác chiều mày'. Nó vâng dạ xong, làm được thêm vài tiếng nữa rồi vẫn tiếp tục dọn đồ.
Tôi nghe người trông coi ở đây báo, lại phải gọi điện vuốt ve rằng có gì bác chiều hết. Nó tiếp tục làm thêm tiếng nữa rồi lại dọn đồ. Tôi hỏi muốn gì nó cũng không nói, vẫn kiên quyết dọn đồ. Tôi không chịu nổi nữa, cho dọn luôn.
Suốt 4 năm trời tôi ở đây chỉ để đi theo thợ xem họ làm thế nào. Tôi là người yêu cái đẹp nên bất kể ai làm cái gì đẹp tôi đều mê, hát hay cũng mê".
Nam nghệ sĩ dẫn mọi người đi từ cổng rộng lớn vào khuôn viên thênh thang, nơi bờ tường lắp tới 5 triệu viên ngói bằng tay, tới những bình vôi cổ nằm dưới chân cây trầu.
Tiếp đó, Xuân Hinh dẫn mọi người qua gian anh thờ Mẫu được xây dựng hoành tráng, rồi tới thư viện riêng để lưu giữ văn hóa truyền thống. Trong thư viện, nam nghệ sĩ trưng bày nhiều tượng, tranh, sách, nhạc cụ cổ. Anh nói:
"Thư viện này lưu giữ toàn bộ tài liệu, sách về hát văn, hầu đồng, ca dao, tục ngữ, quan họ, ca trù… Nói chung là tinh hoa của văn hóa Việt. Trong các bức tranh dân gian này là những vai hề chèo, Thị Mầu lên chùa…
Nếu tôi còn khỏe, tôi sẽ cố làm một nơi tuyển các cháu có năng khiếu với nghề, có tâm có đức nhưng hoàn cảnh khó khăn như tôi về đây để đào tạo nghề.
Tôi sẽ mời các thầy cô có chuyên môn, giỏi về để dạy cho các cháu, giúp đỡ các cháu, cho các cháu cái nghề. Ngày xưa tôi rất khổ, khó khăn nên muốn được giúp đỡ các cháu như vậy. Giờ cứ nhớ lại quá khứ đó là tôi muốn khóc.
Nhưng cái này phải là năng khiếu thật sự chứ tuyển cũng không được. Không có năng khiếu thì dạy xong cũng chẳng thành giống gì cả".