Nỗi khổ của nhà tuyển dụng ngày nay là ứng viên rải đơn hàng loạt vào các công ty và sẵn sàng nhảy việc bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, những người làm nhân sự luôn có một "danh sách đen" ứng viên với suy nghĩ: “Lựa chọn một người thiếu gắn bó với công ty ư? Chắc chắn tôi sẽ không chọn người này.” Tuy nhiên, nhà tuyển dụng có bao giờ tò mò lý do tại sao các ứng viên lại thích “bay nhảy” như vậy không?
Diệu Thúy - trưởng phòng nhân sự công ty A đang phỏng vấn một ứng viên cho vị trí phân tích dữ liệu của công ty cô. Bây giờ cô mới đọc kỹ CV của anh này và để ý rằng anh ta rất hay nhảy việc. Cụ thể trong 3 năm mà anh ta đã thay chỗ làm đến 5 lần. Vốn đã có suy nghĩ không tốt về kiểu người này, nên cô chẳng mảy may hỏi quá nhiều mà thẳng thừng "Chị rất tiếc nhưng chị thấy em nhảy việc quá nhiều, chứng tỏ độ gắn bó của em là không cao. Em sẽ không được nhận vào công ty chị. Em còn điều gì muốn nói không?"
Anh ứng viên kia cũng chẳng vừa mà bốp chát lại luôn:
"Trước hết hết em thấy chị trả lời như vậy là không thỏa đáng. Chả có lý do gì mà đến vòng phỏng vấn cuối rồi, chị chẳng thèm hỏi em 1 câu và chỉ nhìn vào CV rồi từ chối luôn. Em sẽ kể chị nghe về chuyện hay nhảy việc của em.
Thứ nhất, em không nghỉ việc vì lý do em thích thế. Người ta thường chấm dứt hợp đồng lao động vì những lý do: công việc nhàm chán, sếp quá khắt khe, bị vắt kiệt sức lao động, cảm thấy bản thân không thể phát triển ở vị trí hiện tại, không có khả năng thăng tiến sự nghiệp. Các công ty bây giờ hút cạn máu nhân sự mà thù lao thì bèo bọt. Là chị thì chị có nghỉ không?
Thứ hai, cá nhân em cho rằng trên đời chẳng có gì ổn định và phù hợp lâu dài. Các công ty, doanh nghiệp phải chấp nhận một sự thật rằng không có gì là mãi mãi. Khi đạt đến giai đoạn đỉnh cao sẽ đến thời kỳ thoái trào, đó là quy luật. Điều này hoàn toàn đúng khi các nhân sự cảm thấy bản thân mình không còn học hỏi được gì nữa từ công việc hiện tại, họ sẽ bắt đầu suy nghĩ đến việc tìm kiếm một con đường mới.
Trước khi ngồi ở đây, chị có dám nói là chị chưa bao giờ muốn nhảy việc không? Vậy thì hà cớ gì chị giữ quan điểm “Ứng viên này có vẻ sẽ gắn bó với công ty được lâu dài.” Thời gian dài hay ngắn cũng chỉ là con số, không phải là thước đo đánh giá sự hiệu quả hay phù hợp mà hãy nhìn xem trong quãng thời gian làm việc ở công ty, ứng viên đã gặt hái được những thành tựu gì.
Và cuối cùng, nếu chị còn chưa biết, thì em, hay hàng bao người nhảy việc ngoài kia, là những người có tư duy và sẵn sàng học hỏi, đổi mới. Có bao giờ chị cảm thấy nhàm chán khi mỗi lần đến công ty chỉ nhìn thấy những khuôn mặt thân quen mà ngay cả trong mơ cũng xuất hiện không? Thử hình dung xem mỗi đợt “thay máu” cho công ty bằng những tuyến nhân sự mới, chị sẽ gặp, tiếp xúc và làm việc với nhiều người mới. Chính những con người ấy sẽ mang đến nguồn năng lượng tích cực, là ngọn gió mới giúp công ty mang nhiều sắc màu mới lạ.
Những ứng viên trẻ họ không ngần ngại nhảy việc vì họ tự tin vào khả năng của bản thân. Tinh thần ham học hỏi điều mới thôi thúc họ không ngừng kiếm tìm những thứ hay ho để làm giàu kiến thức cho bản thân."
Nói đến đây, Diệu Thúy bỗng giật mình và cô nghĩ mình phải tuyển anh chàng cá tính này vào công ty thôi. Nhưng đã muộn rồi, ứng viên kia không chấp nhận sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu tuyển dụng của Thúy và đã ra về.
Còn các bạn làm HR thì sao? Bạn có đồng ý với luận điểm của anh chàng ứng viên trên không?