"Phép màu" của cậu bé đặc biệt dành cho bố mẹ

Cô giáo Nguyễn Thùy Linh, người có hơn 15 năm quản lý tại Trung tâm chuyên biệt Phú An, Quận Long Biên, Hà Nội, kể, tôi gặp một cậu bé trong dịp làm chương trình tình nguyện "Tôi đã hiểu! Còn bạn?" tại Hà Nội.

Mẹ của cậu bé dẫn theo em đến chương trình tìm hiểu về hội chứng tự kỷ. Hôm đó cậu bé ấy không thể đứng im một chỗ dù chỉ trong vài giây. Cậu bé liên tục chạy nhảy khiến người mẹ phải nắm chặt tay, thậm chí có lúc phải bế con lên để con không vuột ra khỏi tầm tay mình.

Người mẹ mệt mỏi kể về hành trình từ khi phát hiện con mắc chứng tự kỷ từ lúc 3 tuổi, với những đêm trắng thức trông con, vì con không chịu ngủ. Rồi cả những lần phải khóc vì suýt lạc mất con trên đường…

Sau lần tình cờ gặp mẹ con cậu bé đó, nhiều tháng sau, cô Thùy Linh bất ngờ nhận được điện thoại của người mẹ ấy khẩn thiết nhờ cô giúp đỡ con, muốn con đến trung tâm của cô Linh học tập. "Tôi khuyên người mẹ hãy tìm trung tâm gần nhà cho bé theo học, vì khoảng cách từ nhà mẹ con chị đến trung tâm của tôi là hàng chục cây số, sẽ vô cùng vất vả cho con" – chị Thùy Linh kể.

linh3-16921715969691384110647-1692237106134-16922371062182032592419.jpg

Trong một giờ làm quen với chữ cái dành cho các bé sắp vào lớp 1

Tuy nhiên, người mẹ vẫn quả quyết muốn gửi con đến trung tâm của cô, vì con không thể đi học lớp mầm non bình thường như kỳ vọng của gia đình. Những buổi học đầu của cậu bé vô cùng "ồn ào", con la khóc nhiều, đưa cho con đồ chơi con đều cầm ném đi. Rồi những buổi trưa, khi cả lớp yên tĩnh ngủ thì con vẫn chơi 1 mình hoặc quấy khóc. Thậm chí cậu bé không biết chủ động đi vệ sinh, cứ tè ra quần như thói quen.

Thương con mỗi ngày phải vượt chặng đường xa đến lớp, các cô giáo ở trung tâm cố gắng cùng cậu bé mỗi ngày chinh phục từng mục tiêu dù nhỏ nhất trong chương trình học tập. Dần dần con có nhận thức, có phản xạ khi mẹ hay các cô giáo gọi tên con. Biết nhớ tên cô giáo, bạn học trong lớp. Biết tạm biệt các cô giáo khi bố mẹ đến đón lúc tan giờ.

Bố mẹ cậu bé khi ấy vui mừng bảo: Nhìn con lúc này đúng như một phép màu. Họ nuôi con 5 năm với bao vất vả, khó khăn, mãi đến bây giờ mới được nghe con gọi 1 tiếng thân thương: "bố ơi, con chào bố", "mẹ ơi, con chào mẹ".

Theo cô Thùy Linh, nếu cha mẹ phân biệt hoặc nhận ra con mình có sự khác biệt sớm hơn, có thể bố mẹ cậu bé đã không phải chờ đợi tiếng gọi thân thương ấy lâu đến vậy. Kèm sau đó là hành trình tiến về phía trước "như chuyện cổ tích" mà bố mẹ cậu bé nói về con mình sau này.

Cha mẹ cần phân biệt được giữa trẻ tăng động và trẻ hiếu động

Hơn 15 năm hỗ trợ can thiệp cho trẻ tự kỷ, cô Thùy Linh mong muốn các cha mẹ nên phân biệt được giữa trẻ tăng động và trẻ hiếu động.

Ví như: Trẻ tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp nhất ở trẻ em, số trẻ nam thường nhiều hơn số trẻ nữ. Đó là những hành vi hiếu động thái quá như bồn chồn, vặn vẹo, hay chạy nhảy leo trèo, không thể ngồi yên, nói quá nhiều, không kiên nhẫn chờ đến lượt mình, ngắt lời, quấy nhiễu người khác.

linh5-16921723164081160565311-1692237107227-1692237107307432265750.jpg

Chị Thùy Linh (bên trái) trong một chiến dịch truyền thông hỗ trợ trẻ tự kỷ tại Hà Nội

Với trẻ có hành vi hiếu động, có thể đơn thuần hoặc đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý. Ví như lỗi bất cẩn, không lắng nghe, duy trì chú ý kém, hay xao lãng, làm mất đồ vật, hay quên.

Khi bắt gặp những biểu hiện bất thường của con, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là: Hãy bình tĩnh khi phát hiện những biểu hiện lạ của con, phụ huynh nên tìm hiểu những địa chỉ khám và điều trị trẻ tự kỷ uy tín để xác định chính xác con đang ở mức độ nào và đưa ra phương pháp can thiệp cho phù hợp.

Đặc biệt, khi con sinh hoạt ở nhà, cha mẹ cần có thái độ luôn kiên trì, dứt khoát khi đưa ra mệnh lệnh cho trẻ bằng câu những câu nói ngắn ngọn, rõ ràng. Đồng thời, cần tập cho con thói quen học tập, sinh hoạt theo thời gian biểu, kế hoạch cụ thể mỗi ngày, từ khi trẻ bắt đầu thức dậy cho đến khi đi ngủ. Cha mẹ cũng nên đồng hành cùng con thực hiện những hoạt động này và giúp đỡ con hoàn thành công việc.

Khi chơi với con tại gia đình, cha mẹ cần tập cho trẻ chú ý nghe và nhìn (giao tiếp mắt) khi cha mẹ nói chuyện và chơi với con, hay khi con có mong muốn cần cha mẹ giúp.

Cha mẹ nên tạo sự quan tâm đúng mực nơi trẻ, tìm điểm mạnh để động viên khích lệ và điểm yếu để giúp đỡ trẻ hoàn thiện bản thân. Nên cho trẻ chơi trò chơi tĩnh, đòi hỏi tư duy, tránh chơi game và các trò chơi bạo lực. Ngoài ra, cha mẹ nên chú ý cho con tham gia thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe theo lứa tuổi.

Khi con có những hành vi không tốt, cha mẹ không nên dùng đòn roi, mà hãy bình tĩnh dạy bảo con, đồng thời chọn ra những hình phạt phù hợp để trẻ nhận thức được điều mình làm là sai trái. Từ đó, cho trẻ có cơ hội sửa chữa sai lầm.

Nên cho con tham gia nhiều các môn thể thao hoặc hoạt động ngoại khóa mang tính đồng đội cao, nhờ vậy sẽ cải thiện được kỹ năng giao tiếp và tính đoàn kết, kỷ luật. Và quan trọng nhất bố mẹ cần dành nhiều thời gian cho con, luôn thấu hiểu, yêu thương, đồng hành giúp đỡ con từng bước tiến bộ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022