Anh đóng vai chính trong phim 'Cha cõng con' vì rất tâm đắc với kịch bản phim.

Ngô Thế Quân xuất thân là một họa sĩ thiết kế cho tạp chí, sách báo. Anh bén duyên phim ảnh sau cuộc gặp gỡ tình cờ với đạo diễn Hồ Quang Minh và được khán giả nhớ đến với vai nam chính Giang Minh Sài trong Thời xa vắng cùng Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền vào năm 2003. Anh cũng góp mặt trong phim Chuyện của Pao cùng Đỗ Hải Yến theo lời mời của đạo diễn Ngô Quang Hải vào năm 2006. Tuy nhiên sau này, anh không nhận lời tham gia bất cứ bộ phim nào vì muốn tập trung vào công việc của một bác sĩ châm cứu. 

Trong buổi gặp gỡ đoàn phim Cha cõng con (Father and son) vào sáng 18/1 tại Hà Nội, nhiều người đã bất ngờ khi Ngô Thế Quân tái xuất với vai nam chính của tác phẩm. Anh giải thích, kịch bản phim hay, làm anh xúc động nên anh đã nhận lời đạo diễn Lương Đình Dũng. Phim dựa trên truyện cùng tên của chính đạo diễn Lương Đình Dũng, tập trung khắc họa tình cha con giản dị của Mộc và Cá. Cậu bé Cá mồ côi mẹ từ nhỏ và có ước mơ được chạm vào những đám mây bay trên bầu trời. Còn Mộc (Ngô Thế Quân đóng) - cha cậu bé, cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông nhưng vẫn lặng lẽ nuôi dưỡng cho con trai những câu chuyện tưởng tượng về vùng đất ngập tràn sánh sáng mà chính anh chưa bao giờ đặt chân đến.

ngo-the-quan1-9019-1484737917.jpg

Ngô Thế Quân (thứ hai từ trái sang) cùng ê kíp phim 'Cha cõng con' trong buổi gặp gỡ báo chí. 

Nói về quá trình nhập vai người cha, Ngô Thế Quân cho biết: “Tôi không phải là người chuyên nghiệp, chỉ diễn xuất theo bản năng. Khi đóng phim, tôi cũng không tập dượt gì nhiều, chỉ đứng trước máy quay và diễn theo kịch bản. Ý thức rằng mình không phải là dân chuyên nghiệp, nên tôi không tham gia quá nhiều dự án, hoặc phải thấy dự án nào thực sự tâm đắc mới nhận lời”.

Bộ phim nghệ thuật Cha cõng con được đạo diễn kiêm biên kịch Lương Đình Dũng lên kế hoạch thực hiện trong hơn 6 năm qua và chính thức hoàn thành vào tháng 11/2016. Ê kíp sản xuất đang đưa tác phẩm tới tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế, trước khi trình chiếu cho khán giả Việt Nam vào tháng 4 tới.

Đạo diễn Lương Đình Dũng tâm sự, đã nhiều lần anh muốn bỏ dự án này vì khi định ghi hình vào năm 2013 thì bối cảnh quay tại Hà Giang gặp lũ quét. Sau những trăn trở, anh chính thức khởi quay phim vào năm 2015. Chia sẻ về cảm hứng làm phim, anh kể: “Năm mới 6 tuổi, có một hôm tôi đi cùng bố. Khi ấy, tôi gặp cảnh một cậu con trai 18 tuổi dùng đòn gánh phang cha đẻ. Cuối cùng, do bố tôi là một võ sĩ quyền Anh, ông đã ra can ngăn. Người cha bị đòn khi ấy bảo rằng con ông say rượu nên đánh mình và hy vọng đứa con máu mủ sau này sẽ thay đổi. Tôi rất sợ hãi và cảm thấy ám ảnh bởi câu chuyện đó suốt một thời gian dài. Khi lớn lên, tôi tiếp tục chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau thương khác trong xã hội. Cha cõng con ra đời với mong muốn bộ phim được đến với mọi gia đình. Tôi muốn khơi gợi tình người trong ai đó đang để quên vì cuộc sống xô bồ. Tình phụ tử hay tình mẫu tử là điều vĩ đại và rất thiêng liêng”. 

16128754-10212290378525182-210-4691-1149

Tác phẩm được quay chủ yếu tại Hà Giang. 

Bộ phim Cha cõng con được quay bởi nhà quay phim nổi tiếng Lý Thái Dũng, phần âm nhạc được thực hiện bởi Lee Dong Jun - nhà soạn nhạc của nhiều bom tấn Hàn Quốc ăn khách như Cờ bay phấp phới, Điều kỳ diệu trong phòng giam số 7... Các diễn viên tham gia trong phim chủ yếu là nghiệp dư, ngoại trừ NSƯT Trần Hạnh trong vai ông mù và Ngô Thế Quân trong vai người cha. Riêng nhân vật Cá do cậu bé mồ côi Đỗ Trọng Tấn đến từ làng trẻ em SOS Việt Trì, Phú Thọ đảm nhận.

Vào tháng 11/2016, Cha cõng con từng giành giải Phim dài xuất sắc tại Liên hoan Canadian Diversity Film Festival. Còn tại giải thưởng của Liên hoan phim Barcelona Planet, tác phẩm ẵm giải Quay phim xuất sắc. Mới đây, phim được ban tổ chức Euro Kino Czech International Independent Film cùng Canada International Film Festival chính thức lựa chọn vào vòng đề cử. Tác phẩm cũng được gửi đi tham gia các liên hoan phim Worldfest-Houston Film Festival, ECU - European Independent Film Festival và Austin Film Festival.

Quỳnh Như  |  

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022