Năm 2004, La Thái Hà tốt nghiệp trường cấp 3 Thiệu Đông số 1, huyện Thiệu Đông, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Chỉ đạt được 514 điểm trong kỳ thi đại học và không đủ điều kiện để xét tuyển nguyện vọng 2, cô gái trẻ quyết định không thi lại vì gia đình quá nghèo. Mục tiêu trước mắt của cô là học xong đại học trong vòng 3 năm rồi nhanh chóng đi làm để có thể phụ giúp gia đình.
Sau nhiều ngày chờ đợi, nhà trường cho biết chưa nhận được giấy gọi nhập học của Hà, và điều đó thường đồng nghĩa với việc cô không thể đi học đại học. Gia đình đã cố gắng tiết kiệm tiền để Hà có thể đi học lại 1 năm. Với sự chăm chỉ của mình, cô gái trẻ đã được nhận vào Đại học Sư phạm Thiên Tân vào năm 2005, hoàn thành một nửa chặng đường trở thành giáo viên.
Thân phận bị đánh cắp
Nhưng đến khi sắp tốt nghiệp đại học, Hà đã gặp phải hai tình huống kỳ lạ.
Năm 2008, Hà và một số người bạn của mình đã cùng nhau vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ giáo viên, nhưng khi nộp đơn vào ngày 7 tháng 9, cô nhận được thông báo rằng thông tin cá nhân của mình đã được dùng để đăng ký ở tỉnh Quý Châu và đang chờ để được xác minh.
Đến tận ngày 1/3/2009, Hà vẫn chưa được cấp chứng chỉ giáo viên. Hôm đó, sau khi tham dự hội chợ việc làm tại trường, cô đã đến Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc để mở một tài khoản nhằm phục vụ cho việc đi làm sau này. Tuy nhiên, những nhân viên ngân hàng đã thông báo rằng thông tin của cô đã được đăng ký tài khoản ở chi nhánh Quảng Châu.
Khi yêu cầu ngân hàng cho phép xem xét tài khoản đó, Hà bất ngờ nhận ra rằng thông tin của mình đang được dùng cho một người khác, và thông qua bức ảnh trên hệ thống, cô nhận ra đó là Vương Giai Quân, bạn học cấp ba của cô.
La Thái Hà đang giữ tấm ảnh của Vương Giai Quân, người đã giả mạo mình
Để tìm hiểu về việc này, La Thái Hà đã liên lạc với bạn học cũ để hỏi thăm tình hình của Giai Quân. Nhờ đó, cô biết được rằng Quân chỉ đạt 335 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2004, nhưng vẫn đỗ vào trường Đại học Sư phạm Quý Châu. Các bạn học trong lớp còn đồn đoán rằng Quân đã nhờ vào mối quan hệ của gia đình để xin vào trường.
Đến ngày 5/3/2009, Hà nhận được tin báo rằng đơn xin cấp chứng chỉ giáo viên của cô đã bị huỷ bỏ. Cơ quan cấp chứng chỉ xác nhận rằng thông tin của La Thái Hà đã được đăng ký tại thành phố Quý Dương và đã được cấp chứng nhận, vì thế họ phải huỷ đơn đăng ký nào gửi đến sau.
Hà không thể chấp nhận nổi sự thật này. Là một sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm, cô không thể đi làm nếu không có chứng chỉ giáo viên. Lúc này, Thái Hà đã nhận ra rằng nếu Giai Quân thật sự đánh cắp “danh tính" của cô, thì đừng nói đến chứng chỉ giáo viên, mà có thể ngay cả bằng tốt nghiệp cô cũng sẽ không được cấp.
Vào tháng 3/2009, Hà đã nộp đơn khiếu nại hành vi trộm cắp danh tính của Quân lên đồn cảnh sát thành phố Thiên Tân, nơi cô đang theo học. Tuy nhiên, cảnh sát ở đây đã khuyên Hà nên báo cáo vụ án này ở quê hương để dễ dàng điều tra hơn.
Ngày 18/3/2009, Hà đã trình báo đến Cảnh sát huyện Thiệu Đông nhưng không thành công, Nguyên nhân là vì khi kiểm tra trên hệ thống, thông tin nhận dạng của Hà và Quân vẫn bình thường, không có dấu hiệu mất mát hay trùng lặp nào, vì thế họ không thể thành lập vụ án.
Khi biết được điều này, Hà vội trở về quê để tìm cách cùng gia đình thu thập chứng cứ. Trong thời gian này, Hà còn thu được bằng chứng là mẹ của Vương Giai Quân là Dương Vinh Hoa từng thừa nhận hành vi mạo danh của con gái.
Trước tình hình đó, bố của Quân là ông Vương Tranh Vanh, công an huyện, đã đến gặp gia đình Hà và yêu cầu cô đổi số chứng minh nhân dân, sau đó sẽ giúp cô giải quyết vấn đề bằng tốt nghiệp và chứng chỉ giáo viên, đồng thời bồi thường thêm cho gia đình 20.000 nhân dân tệ (khoảng 69 triệu đồng). Ông ta tuyên bố rằng đây là giải pháp tốt nhất cho cả hai bên.
Mặc dù vậy, Hà và bố mẹ đã kiên quyết từ chối. Ông Vanh lúc này tức giận nói: “Được biết tôi là vinh dự của các người, để tôi xem các người có thể tài giỏi đến cỡ nào".
Đấu tranh giành sự thật
Trước thái độ vênh váo của ông Vanh, Thái Hà quyết tâm phải đòi được công lý cho mình. Vào tháng 3/2009, Hà đã báo cáo với Phòng quản lý xuất nhập cảnh và dân số của Công an tỉnh Hồ Nam, đồng thời giao nộp tất cả các bằng chứng mà cô đã thu thập được. Khác với lần trước, vụ án lần này đã thu hút sự chú ý lớn của cảnh sát địa phương và nhanh chóng được điều tra.
La Thái Hà được đài truyền hình mời phỏng vấn về vụ án của mình
Sau khi kiểm tra thông tin hộ khẩu của Hà và Quân, cảnh sát đã nhận thấy có sự bất thường trong quá trình thay đổi hộ khẩu. Trước năm 2005, hộ khẩu của Hà ở Thiệu Đông, sau năm 2005, hộ khẩu của cô chuyển đến Thiên Tân để học đại học và không thay đổi từ đó đến nay. Trong khi đó, hộ khẩu của Quân vẫn ở Thiệu Đông, vậy câu hỏi đặt ra là Quân đã lấy hộ khẩu của ai để làm việc tại Quảng Châu?
Theo điều tra, hộ khẩu của La Thái Hà giả mạo được chuyển từ Thiệu Đông đến Quý Dương 4 năm, trùng với thời gian Quân đến học tại Đại học Sư phạm Quý Châu. Sau đó, hộ khẩu này lại được chuyển về Thiệu Đông một lần nữa rồi mới chuyển đến Quảng Châu chứ không chuyển trực tiếp từ Quý Dương đến Quảng Châu. Do đó, Thiệu Đông được xác định là điểm đáng ngờ nhất với tư cách là nơi trung chuyển.
Sau khi xác định đúng là Giai Quân đã lấy cắp thông tin hộ khẩu của Hà, cảnh sát đã gọi điện trực tiếp để thẩm vấn gia đình Quân.
Trước những bằng chứng trên, mẹ Giai Quân thừa nhận tất cả mọi việc đều là do bà làm. Khi con gái trượt đại học, có một số điện thoại nặc danh đã gọi đến và nói rằng có thể giúp Quân đi học đại học nếu bà trả 50.000 nhân dân tệ (khoảng 173 triệu đồng). Theo lời của người đó, bà đã đi đổi tên thành La Vinh Hoa và nói với người ngoài rằng con gái sẽ đổi theo họ của bà, với tên gọi mới là La Thái Hà. Tuy nhiên, số điện thoại nặc danh mà bà Hoa cung cấp lại không liên lạc được.
Để nộp được đơn kiện, La Thái Hà đã nhiều lần đến toà án ở 3 quận khác nhau thuộc thành phố Thiên Tân. Tuy nhiên, việc này gặp không ít khó khăn vì có liên quan đến 4 thành phố và nhiều bị cáo, ngoài Quân và gia đình còn có cả cơ quan, đơn vị giải quyết thông tin hộ khẩu cho hai người.
Chính vì thế, La Thái Hà đã lựa chọn nhờ vào sức mạnh của công chúng. Cô đã đăng câu chuyện của mình lên mạng xã hội và thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận. Nhiều phương tiện truyền thông đã bắt đầu theo dõi quá trình điều tra, động thái này đã gây áp lực không nhỏ cho phía cảnh sát.
Đến ngày 6/5/2009, thành phố Thiệu Dương đã cử đội điều tra đến huyện Thiệu Đông. Một ngày sau đó, đội điều tra của tỉnh Hồ Nam cũng đến nơi. Cảnh sát đã thu thập các giấy chứng nhận đăng ký cư trú gốc ở Quý Dương, hồ sơ cá nhân của La Thái Hà giả mạo ở Đại học Sư phạm Quý Châu, con dấu và hộ khẩu từ đồn cảnh sát quận Thiệu Đông.
Cũng nhờ thế, họ phát hiện ra rằng con dấu trên sổ hộ khẩu giả giống hệt con dấu của Công an huyện Thiệu Đông.
Vào ngày 9/5, cảnh sát đã quyết định xóa hộ khẩu giả của Quân, đồng nghĩa với việc mọi giấy tờ, bằng tốt nghiệp và chứng chỉ giáo viên đều trở nên vô hiệu.
Ngày 10/5, sau khi bắt giữ bố mẹ Quân và tra hỏi, ông Vanh đã khai nhận mọi chuyện. Hoá ra, vào tháng 8/2004, lợi dụng chức vụ công an, ông Vanh đã tìm gặp cô giáo chủ nhiệm lớp con gái mình và mua những thông tin liên quan đến Hà. Sau đó, ông đã làm ra một tờ hộ khẩu giả với thông tin của La Thái Hà, và tiếp tục sửa giấy báo nhập học của con gái tại một cửa hàng in ấn. Nhờ vào mối quan hệ rộng, ông Vanh đã giúp con gái mình được nhận vào Đại học Sư phạm Quý Châu với số điểm thấp hơn 20 so với điểm chuẩn. Điều đó khiến Hà bị mất danh tính vào tay Quân, và cũng mất cơ hội vào đại học.
La Thái Hà nhận giải thưởng Công dân tiêu biểu năm 2011
La Thái Hà đã kiện ông Vanh ra tòa án, yêu cầu bồi thường 100.000 nhân dân tệ (gần 347 triệu đồng) cho tổn thất tinh thần và vi phạm quyền được giáo dục. Nhưng do không có cơ sở pháp lý rõ ràng nên ông Vanh chỉ bị phạt 45.000 nhân dân tệ (khoảng 156 triệu đồng).
Ngày 11/5/2009, ông Vanh bị bắt vì tội nghi ngờ nhận hối lộ, làm giả, sửa đổi tài liệu, chứng từ và con dấu của cơ quan nhà nước. Đến ngày 26/10, ông bị kết án 4 năm tù, những người liên quan cũng bị trừng phạt bởi pháp luật.
Nguồn: NewsBeezer