Giữa lúc ồn ào của Lê Giang - Duy Phương trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, nghệ sĩ Duy Phương đã có động thái quyết liệt khi gửi đơn kiện đài truyền hình HTV và công ty Đông Tây promotio - đơn vị sản xuất Sau Ánh hào quang. Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Quốc Cường - luật sư đại diện của nghệ sĩ Duy Phương để rõ hơn về vấn đề Duy Phương kiện Sau Ánh hào quang.
Thưa luật sư Nguyễn Quốc Cường, vì sao anh nhận giúp đỡ nghệ sĩ Duy Phương trong vụ kiện đài truyền hình HTV và đơn vị sản xuất Sau Ánh hào quang?
Sau khi chương trình Sau Ánh hào quang tập Lê Giang phát sóng, sức khỏe và tinh thần của nghệ sĩ Duy Phương suy sụp. Thêm nữa, công việc kinh doanh của ông gặp khó khăn nên tôi đã giúp ông vụ kiện này mà không lấy phí.
Sau khi nghệ sĩ Duy Phương gửi đơn kiện phía đơn vị sản xuất chương trình Sau Ánh hào quang có phản hồi gì không, thưa anh?
Nghệ sĩ Duy Phương đã chờ từ ngày 4/12, khi chương trình phát sóng đến nay nhưng vẫn không có ai liên lạc hay có bất cứ lời xin lỗi nào. Tôi cũng chia sẻ với nghệ sĩ Duy Phương, về vụ này tốt nhất hai bên nên thương lượng, hòa giải, nhưng phía đài truyền hình và đơn vị sản xuất Sau ánh hào quang không có động thái nào thể hiện sự thiện chí nên nghệ sĩ Duy Phương quyết định kiện ra tòa.
Nghệ sĩ Duy Phương kiện Sau Ánh hào quang. Ảnh: Dân Việt
Vậy theo anh, đơn vị sản xuất Sau Ánh hào quang và đài truyền hình HTV phải chịu trách nhiệm như thế nào về việc này?
Vụ việc của nghệ sĩ Duy Phương đưa ra tòa sẽ được giải quyết theo dạng vụ án dân sự.
Nghệ sĩ Duy Phương đưa ra 4 yêu cầu khi kiện gồm: HTV và Đông Tây Promotion phải bác bỏ thông tin liên quan đến chuyện cá nhân, đời sống riêng tư của ông; yêu cầu hai đơn vị này xin lỗi và cải chính thông tin; thu hồi những sản phẩm báo chí liên quan đến Duy Phương từ chương trình Sau ánh hào quang; bồi thường thiệt hại uy tín, danh dự và nhân phẩm của Duy Phương.
Xin nói thêm rằng, mục đích nghệ sĩ Duy Phương kiện không phải là để đòi bồi thường mà là gióng lên hồi chuông cảnh báo nhà đài khi phát sóng trước hàng triệu khán giả phải kiểm chứng thông tin. Việc kiện của Duy Phương là hành động văn minh, tạo tiền lệ cho các nghệ sĩ có tiếng nói bảo vệ mình khi gặp tình huống tương tự. Nếu nghệ sĩ Duy Phương không làm tới cùng chương trình sẽ tiếp tục sai, ảnh hưởng đến xã hội.
Trong việc Duy Phương kiện đài truyền hình và đơn vị sản xuất Sau Ánh hào quang, liệu nghệ sĩ Lê Giang – vợ cũ của nghệ sĩ Duy Phương có bị liên đới?
Khi tòa thụ lý thì Lê Giang được đưa vào diện người liên quan. Nếu Lê Giang nói sai nhưng không có sự tiếp tay của đài truyền hình, thì câu chuyện sẽ không có sự tan tỏa đến hàng triệu khán giả như vậy. Câu chuyện của Lê Giang khi đó chỉ dừng lại ở việc tâm sự và không gây hậu quả lớn.
Lê Giang trong chương trình Sau ánh hào quang. Ảnh: GĐ&XH
Sau Ánh hào quang vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận sau ồn ào Lê Giang và Duy Phương. Cá nhân anh thấy chương trình này có nên dừng phát sóng bởi khai thác quá sâu đời tư nghệ sĩ để câu kéo khán giả?
Thực ra, tôi không theo dõi chương trình này thường xuyên mà biết sự việc thông qua báo chí và qua tiếp xúc với nghệ sĩ Duy Phương. Theo tôi, việc dừng hay không dừng không quan trọng, vấn đề là chương trình truyền tải thông điệp gì đến người xem. Nếu chương trình mang tính giải trí, giáo dục thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, chương trình lại khai thác đời sống riêng tư của cá nhân mang mục đích thương mại. Bởi vậy, cần kiểm soát chặt nội dung, tránh hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều người.
Cảm ơn luật sư Nguyễn Quốc Cường về cuộc trò chuyện!
Điều 21, khoản 1, Hiến pháp 2013 có quy định:
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Bộ luật dân sự 2015, tại điều 34 nêu rõ:
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.