Dinh_mu_suong.jpg

Nhân vật chính của Đỉnh Mù Sương là Phi (Peter Phạm) - một võ sĩ tự do. Để có tiền đưa người vợ bị mù (Trúc Mây) về Việt Nam chữa trị, anh quyết định tham gia trận đấu với một tuyển thủ do ông trùm Ba Râu (Thạch Kim Long) dàn xếp. Phi thắng trận và được Ba Râu tìm cách chiêu dụ, nhưng anh từ chối làm việc cho gã.

Tức giận vì bị xem thường, Ba Râu bèn sát hại vợ của Phi. Tay võ sĩ quyết định trở lại Việt Nam, tìm đến sào huyệt của tên trùm tại một nơi heo hút được gọi là “đỉnh Mù Sương” nhằm trả thù.

Cốt truyện khuôn mẫu, kịch bản tồi tàn

Đỉnh Mù Sương có cốt truyện chính đơn giản và khuôn mẫu, có thể bắt gặp ở vô vàn tác phẩm cùng thể loại. Đây không phải điểm cộng, cũng chưa hẳn là điểm trừ, bởi câu chuyện đơn giản, an toàn sẽ giúp khán giả dễ theo dõi, tập trung thưởng thức các yếu tố giải trí một cách thoải mái hơn nếu như được thực hiện tốt.

Tuy nhiên, dù đã cố gắng lựa chọn hướng đi an toàn nhất có thể, dường như việc xây dựng kịch bản cho Đỉnh Mù Sương vẫn là điều quá sức đối với đội ngũ biên kịch. Kịch bản phim không chỉ mắc những lỗi phi lý thông thường, mà dở tệ từ đầu đến cuối.

dms3.jpg

Đỉnh Mù Sương mắc nhiều lỗi về mặt kịch bản.

Ngay từ những sự kiện đầu tiên, khán giả đã có thể phát hiện ra những vấn đề của Đỉnh Mù Sương. Các sự kiện trong phim được viết rất vụng với diễn biến vừa sơ sài, nhạt nhẽo, vừa phi lý đến mức kỳ cục. Có cảm giác biên kịch chỉ biết nhặt nhạnh những chi tiết chính của cốt truyện, thêm thắt một vài tình tiết hời hợt cho có, rồi ném vào kịch bản mà không quan tâm đến diễn biến cụ thể ra sao.

Khán giả hẳn phải bật cười với màn sắp xếp trận đấu giữa ông trùm Ba Râu và tay chủ sàn tham lam đầy lố bịch. Rồi sau đó, người xem lại thấy cảnh Phi đối đầu tay trùm, nghe hắn than vãn bị thua đậm mà chẳng hiểu rốt cuộc là thua thế nào, và kế đến là màn trả đũa ngô nghê chẳng khác gì hai gã “trẻ trâu” cãi nhau tay đôi.

Cứ thế, hàng loạt sự kiện diễn ra với diễn biến không cần đoán cũng biết trước, ngoại trừ việc sự thật còn tệ hơn những gì khán giả có thể mường tượng ra. Kết hợp với phần lời thoại ở tầm thảm họa, kịch bản Đỉnh Mù Sương trở thành một mớ hỗn độn.

dms2.jpeg

Nhân vật trong phim hiện lên nhạt nhòa, thiếu cá tính.

Hậu quả lớn hơn là hệ thống nhân vật hiện lên đầy nhạt nhòa, không có cá tính hay mục đích rõ ràng. Băng đảng của ông trùm Ba Râu ban đầu được miêu tả với âm mưu thôn tính bản Mù Sương có vẻ ghê gớm, cuối cùng ngoài mấy trò bắt cóc trẻ con lặt vặt thì chẳng làm được gì thêm.

Đám tay chân đi theo cũng chẳng có gì đáng nói. Hay kể cả “trùm cuối” Voong Akor (Simon Kook) cả phim chỉ mang dáng điệu lầm lì “tỏ ra nguy hiểm” đến phát nản.

Hệ thống nhân vật chính diện cũng chẳng khá hơn. Hầu như chẳng có nhân vật nào gây được ấn tượng đáng kể cho khán giả. Thậm chí, có những người từ lúc xuất hiện đến khi hết vai cũng chẳng biết là ai, có vai trò gì trong phim, như vai Trinh (Trần Thị Thu Thanh).

Hành động chưa đạt kỳ vọng

Không chỉ yếu về mặt kịch bản, Đỉnh Mù Sương còn mắc nhiều điểm trừ khác về mặt chất lượng sản xuất, chỉ đạo, khiến tổng thể trải nghiệm của khán giả bị ảnh hưởng.

Bộ phim sở hữu tiết tấu nhàm chán, với hàng loạt sự kiện diễn ra liên tục, nhưng không thể đẩy cao trào lên cao một cách cần thiết, mà cứ thế đều đều, máy móc. Các trường đoạn hành động, truy sát có thời lượng dài, nhưng được dàn dựng thiếu hấp dẫn thành ra lê thê, với nhiều chi tiết được dàn dựng hời hợt, như các phân cảnh nhân vật bị bắt, trói, để rồi trốn thoát một cách không thể đơn giản hơn.

dms1.jpg

Chất lượng sản xuất của bộ phim không cao.

Dường như kinh phí sản xuất phim khá eo hẹp, nên bối cảnh trong phim từ cảnh nội đến cảnh ngoại đều được xây dựng sơ sài. Từ sàn đấu ngầm trong quán bar cho đến căn nhà của vợ chồng Phi, hay bản Mù Sương và căn cứ của ông trùm Ba Râu… đều chỉ là bối cảnh giả được dựng lên một cách cẩu thả.

Các bối cảnh ngoại chủ yếu là khung cảnh núi rừng Tây Nguyên, nhưng không đem lại cảnh quay nào hùng vĩ, đẹp mắt. Phần hình ảnh có màu sắc nhợt nhạt, u ám thiếu sinh khí, với hiệu ứng ánh sáng được xử lý bừa bãi khiến hiệu ứng thị giác tổng thể trở nên nghèo nàn.

Đỉnh Mù Sương quy tụ dàn diễn viên có căn cơ võ thuật thực tế như Peter Phạm, Simon Kook hay Trương Đình Hoàng. Tiếc rằng phần hành động - yếu tố được kỳ vọng nhất của bộ phim - cũng không đạt chất lượng như mong đợi.

Thời lượng các cảnh hành động trong phim không nhiều, chủ yếu dành cho các màn đối đầu giữa vai chính Phi của Peter Phạm với phản diện do Simon Kook thủ diễn. Công bằng mà nói, hai diễn viên đều thể hiện phần hành động tương đối tốt với các đòn đánh nhanh, mạnh, dứt khoát. Phần âm thanh được thực hiện ở mức khá, giúp làm nổi bật lực đòn đánh và tạo sự kịch tính.

dms4.jpg

Quay phim và dựng phim vô tình làm giá trị mảng hành động bị giảm sút.

Tuy nhiên, phần quay phim và dựng phim vô tình làm giảm đi công sức của các diễn viên. Quay phim khi thì góc máy không ổn định, khi thì chọn góc máy tệ, không bắt được trọn vẹn diễn biến hành động. Điều đó khiến các chiêu thức, đòn đánh của nhân vật không thể hiện rõ nét trên màn ảnh. Thêm vào đó, các phân cảnh hành động được cắt dựng chưa hợp lý, làm giảm sự liền mạch và gãy mạch cảm xúc của khán giả.

Diễn xuất của các diễn viên trong phim nếu không đơ cứng như Peter Phạm, Simon Kook, thì cũng cường điệu một cách nhàm chán như Thạch Kim Long. Kết hợp với phần lời thoại thảm họa, các nhân vật càng trở nên vô vị. Một số diễn viên có diễn xuất tự nhiên nhất như vai cô giáo Tâm (Lê Thảo) hay Gà Tre (Anh Tú Wilson) thì lại thiếu đất diễn để thể hiện.

Nhìn chung, Đỉnh Mù Sương thất bại về mọi mặt trong việc chinh phục khán giả. Tư duy sản xuất lỗi thời của ê-kíp khiến cho bộ phim vô tình trở thành một thảm họa điện ảnh gây nhiều tiếc nuối.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022