Làm thế nào để có được dàn diễn viên nhí chuyên nghiệp luôn là bài toán khiến các nhà làm phim đau đầu
Khi sao sáng thành “sao xịt”
Còn nhớ, hồi năm 2015, đạo diễn Victor Vũ từng “kể khổ” khi làm phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” anh phải lựa chọn 50 bức ảnh từ hàng trăm bức ảnh được gửi về cho đến khâu thử vai để cuối cùng mới tìm ra Thanh Mỹ, Thịnh Vinh và Trọng Khang. Hay như đạo diễn Nhuệ Giang không ít lần nản chí khi phải tìm kiếm diễn viên nhí ròng rã suốt 6 tháng cho vai Thu trong phim “Tâm hồn mẹ”. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ khi làm phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” cũng đã phải tổ chức rất nhiều đợt thử vai, gặp hơn 100 em để cuối cùng chọn 2 em vào vai chính.
Là bộ phim hiếm hoi với dàn diễn viên toàn trẻ con, đoàn làm phim “Trạng Tí” đã phải qua 2 đợt tuyển chọn diễn viên trong 2 năm 2018 và 2019 với hơn 2.500 gương mặt tham gia để chọn được những cái tên ưng ý nhất. Để tìm được diễn viên nhí vào vai chính - cậu bé Cá trong bộ phim điện ảnh “Cha cõng con”, đạo diễn Lương Đình Dũng đã “lùng sục” trên mạng xã hội, rồi đi khắp nhiều tỉnh, thành… gặp gỡ hàng nghìn em nhỏ, trong đó có những em bé ở trại trẻ mồ côi. Thậm chí, anh phải đột ngột dừng dự án một thời gian khi cậu bé giữ vai chính bỗng nhiên không muốn nói chuyện với ai.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt diễn viên nhí là nhiều gương mặt nổi bật, được kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện” cho điện ảnh nước nhà nhưng cuối cùng lại bất ngờ vụt tắt.
Có thể kể đến Hùng Thuận, Phùng Ngọc... trong phim “Đất phương Nam”; Ngọc Trai, Vũ Long, Anh Đào... trong phim “Kính vạn hoa”; Phạm Gia Hân trong phim “Cú và chim se sẻ”; Trần Thiên Tú vai bé Ngô trong phim “Áo lụa Hà Đông”; Hạ Hồng Vân của phim “Chit & Pi”; Nguyễn Hồng Quân trong phim “Lửa Phật”; Tuấn Anh trong phim “Chàng trai năm ấy”, Angela Phương Trinh trong phim “Người mẹ nhí”…
Điểm chung của những gương mặt này là đều có vai diễn ấn tượng từ khi còn nhỏ, nhưng lại không thể duy trì sức hút cho đến tuổi trưởng thành và hầu hết đều bị “chết vai”.
Lý giải cho việc các diễn viên nhí vụt sáng và sau đó không có nhiều vai diễn tỏa sáng nữa, thậm chí hoàn toàn biến mất khỏi showbiz Việt, chủ yếu là do khâu đào tạo diễn viên còn bị bỏ ngỏ, thiếu các bộ phim thiếu nhi phù hợp để các em thể hiện tài năng hoặc khi lớn lên thì ít có cơ hội xuất hiện trên màn ảnh. Một nguyên nhân nữa là do nổi tiếng quá sớm nên nhiều diễn viên nhí đã không thoát khỏi hư danh của hào quang, dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc, tưởng mình là “ngôi sao lớn”, dẫn đến kiêu căng, ngạo mạn, rồi tự đào thải mình.
“Làn gió mới” của màn ảnh Việt
Chỉ còn vài tập phim nữa là “Đừng làm mẹ cáu” sẽ kết thúc. Tuy nhiên, khi hỏi “bạn thích diễn viên nào nhất trong phim”, rất nhiều người đã chọn An Nhiên, diễn viên nhí thủ vai bé Happy , con gái của nữ chính.
Tại cuộc họp báo ra mắt bộ phim “Đừng làm mẹ cáu”, cả An Nhiên và Tuấn Phong, hai diễn viên trong phim đều thu hút sự chú ý của mọi người. Hai bạn nhỏ xuất hiện bên cạnh dàn diễn viên tên tuổi và vui vẻ tương tác, hồn nhiên trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo. Đây là việc chưa từng diễn ra tại các sự kiện họp báo trước đó. Có thể nói, hai “ngôi sao nhí” này đã góp phần quan trọng làm nên sự thành công của bộ phim “Đừng làm mẹ cáu”.
Tuấn Phong năm nay 7 tuổi, đã có trong tay 3 dự án phim khá nổi tiếng như “Thương ngày nắng về”, “Thông gia ngõ hẹp”…, còn An Nhiên mới 5 tuổi nhưng cũng có nhiều dự án phim đình đám như “Anh có phải đàn ông không”, “Hương vị tình thân”, “Đấu trí”…
Trước đó, nhiều bộ phim Việt cũng gây sốt một phần bởi diễn xuất ấn tượng của các diễn viên nhí. Đó là bé Tân Anh vai bé Thư trong “Hành trình công lý”, bé Suri Nhã Vy vai Hạt Dẻ trong “Mẹ rơm”, Hà Anh vai Phương Nam trong “Hương vị tình thân”, Chu Diệp Anh vai bé Hoa trong “Thương ngày nắng về”, Hồng Nhung vai Bống trong “Hoa hồng trên ngực trái”,…
Ở mảng phim điện ảnh, Mai Cát Vi được nhiều người công nhận tiềm năng diễn xuất khi là nữ diễn viên nhỏ tuổi nhất giành giải thưởng Bông sen vàng Nữ diễn viên phụ xuất sắc với bộ phim “Hai Phượng” của đạo diễn Lê Văn Kiệt. Tham gia nhiều bộ phim điện ảnh Việt, đặc biệt gần đây là “Bố già”, với khả năng biểu cảm, lối diễn tự nhiên cũng mang về cho diễn viên nhí Ngân Chi giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22.
Bộ phim điện ảnh “Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác” mới đây cũng giúp các diễn viên nhí Chu Diệp Anh, Lại Trường Phú, Tin Tin có thêm cơ hội tỏa sáng. Nếu như Chu Diệp Anh là cái tên không còn xa lạ với màn ảnh Việt thì tại Lễ trao giải Cánh diều 2022, diễn viên nhí 10 tuổi Lại Trường Phú bất ngờ vượt qua những gương mặt ăn khách như Mạnh Trường, Kiều Minh Tuấn để giành giải Nam chính xuất sắc nhất trong phim “Maika - cô bé đến từ hành tinh khác”.
Có thể nói, nếu như cách đây 5- 7 năm trước, việc tìm diễn viên nhỏ tuổi được ví khó như “đãi cát tìm vàng”, thậm chí, nhiều êkip phải điều chỉnh kịch bản vì không tìm được diễn viên ưng ý thì hiện tại, các tài năng nhí cho màn ảnh Việt đã được cải thiện cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ươm mầm tài năng nhí
Với mong muốn có được nguồn diễn viên nhí ổn định và chất lượng cho các dự án phim dài tập của mình, một số hãng phim, nhà hát đã nghĩ đến phương án mở lớp đào tạo như hãng phim Xuân Phước, nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, trung tâm N2H… Mỗi khóa học diễn xuất thường kéo dài 3-6 tháng. Tham gia các khóa học này, các em được đào tạo về diễn xuất, đài từ với những giảng viên chuyên nghiệp là những diễn viên, nghệ sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
Trong 3 sân khấu kịch còn duy trì lịch diễn hằng tuần hiện nay ở TP HCM thì Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B là nơi đang giữ lực lượng diễn viên nhí nhiều nhất, khoảng gần chục em từ 6- 16 tuổi. Các em không chỉ xuất hiện trong các vở kịch thiếu nhi diễn định kỳ hằng tuần mà trong nhiều vở kịch người lớn. Rất nhiều bé ở đây xuất thân từ lò đào tạo diễn viên nhí của NSƯT Mỹ Uyên.
Trong 10 năm qua, trung tâm N2H của anh Nguyễn Tiến Ngọc cũng đào tạo được 9 khóa diễn viên nhí, trong đó, rất nhiều cái tên được khán giả biết đến qua các bộ phim truyền hình trên sóng giờ vàng như bé Tuấn Phong, Bảo Linh, An Nhiên, Tân Anh, Chu Quỳnh Chi...
Từng là một diễn viên kiêm vai trò tổ chức sản xuất của Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình Việt Nam hơn 15 năm, anh Ngọc cũng phụ trách công tác tham mưu cho đạo diễn về việc lựa chọn diễn viên, trong đó có các diễn viên nhí. “Các bạn nhỏ hiện nay có ưu điểm nổi bật về ngoại hình, được tiếp xúc sớm với mạng xã hội nên tri thức phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên đây cũng là nhược điểm, khi không phải bạn nào cũng phân biệt được các thông tin tốt, xấu trên mạng dẫn đến khi nổi tiếng sẽ dễ có những suy nghĩ, hành động không đúng”, anh nhận định. Cũng bởi thế, ở lớp đào tạo diễn viên nhí, đôi khi thầy cô phải kiêm luôn nhiệm vụ chuyên gia tâm lý, giáo dục nhân cách, lối sống cho các em.
Đạo diễn Xuân Phước - người từng gắn bó với nhiều thế hệ diễn viên nhí bày tỏ sự tiếc nuối với những tài năng nhí “sớm nở tối tàn”. Anh cho rằng việc đóng phim khi còn nhỏ, kiếm được đồng tiền quá sớm đã làm thay đổi suy nghĩ của các diễn viên nhí. “Bởi vậy, khi có diễn viên nhí tham gia phim của mình, tôi ký hợp đồng trực tiếp với phụ huynh và hoàn toàn không tiết lộ cho các em biết chúng sẽ kiếm được bao nhiêu tiền. Chúng chỉ biết rằng sau giờ học thì được đi đóng phim như một hoạt động ngoại khóa lành mạnh, thế thôi”, nam đạo diễn chia sẻ nguyên tắc làm việc của mình.
Một điều nữa khiến các nhà làm phim lo ngại là khi được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, dạn dĩ các diễn viên nhí sẽ dễ bị “già hóa”. Về điều này, anh Nguyễn Tiến Ngọc cho rằng để dạy dỗ con trẻ, điều quan trọng nhất là sự kiên trì và liên tục đổi mới phương pháp dạy để phù hợp với từng đối tượng trẻ em. “Tôi chú trọng phát triển tư duy sáng tạo tự nhiên và tạo cảm hứng trong học diễn xuất cho các bạn và phải giữ cho các bé sự vô tư, trong sáng”, anh Ngọc khẳng định.
Là người trực tiếp chỉ dạy diễn xuất cho các bạn nhỏ, NSƯT Mỹ Uyên cũng đồng quan điểm khi cho rằng đào tạo diễn viên nhí là dạy kỹ thuật biểu diễn nhưng chỉ dạy cơ bản không cho lạm dụng nhiều, phải giữ cho các bé sự hồn nhiên của thiếu nhi, đặc biệt phát huy năng khiếu bẩm sinh.