Ngành giải trí đang đau buồn trước sự ra đi ở tuổi 55 của NSƯT Thanh Hoàng. Đạo diễn Lê Hoàng cũng bày tỏ niềm tiếc thương của mình qua những câu chuyện cũ về người nghệ sĩ kịch nói tài năng của sân khấu miền Nam.

"Anh cao 1,8 m, đẹp trai lồng lộng"

Nhắc tới NSƯT Thanh Hoàng, đạo diễn Lê Hoàng bắt đầu với lời khẳng định về vị thế của cố nghệ sĩ: "Nhưng trong sân khấu, bét nhất là Lê Hoàng, cao nhất là Thanh Hoàng rồi mới tới Ngọc Hoàng".

37866504_926525181011783_6154324819589464064_n.jpg
Đạo diễn Lê Hoàng tiết lộ NSƯT Thanh Hoàng được nhiều cô gái yêu mến và theo đuổi. 

"Ngay cả về ngoại hình, Thanh Hoàng cũng lộng lẫy. Anh cao tới 1,8 m, đẹp trai lồng lộng, trán cao vút, mũi thẳng tắp, mắt sâu thẳm", đạo diễn miêu tả.

Không chỉ điển trai, NSƯT Thanh Hoàng còn là người đàn ông hào hoa, thu hút. Theo lời của Lê Hoàng, cố nghệ sĩ được nhiều cô gái yêu mến, theo đuổi. "Nghe đâu ngày trước và cả bây giờ, gái chạy theo anh như ruồi chạy theo mật. Khiến các chàng trai khác ghen tỵ nghẹn ngào", anh viết.

Lê Hoàng nhắc về những kỷ niệm của tuổi trẻ của bằng những lời lẽ dí dỏm: "Sẽ chả ai lạ nếu như nhiều nữ diễn viên xinh đẹp, thành đạt được thì thầm là bồ đầu tiên của Thanh Hoàng".

"Thanh Hoàng hóm hỉnh, tinh ý"

Đối với Lê Hoàng, Thanh Hoàng là tài năng lớn của sân khấu kịch nói Việt Nam. Những điều cố nghệ sĩ suy nghĩ và làm ra khiến nhiều người phải thán phục. 

Đạo diễn tiết lộ NSƯT Thanh Hoàng hóm hỉnh nhưng tinh ý, luôn để mắt tới những tiểu tiết của các vấn đề. Sự tinh ý và ý kiến sắc bén của Thanh Hoàng thể hiện tài năng của người nghệ sĩ đã làm rung chuyển sân khấu kịch Sài Gòn một thời.

Dấu ấn lớn nhất cố nghệ sĩ để lại cho nghệ thuật là vở kịch Dạ cổ hoài lang được viết vào năm 1994. Sau hơn 24 năm, vở diễn đã có hơn 1.000 suất diễn và đạt nhiều thành tựu mà ít vở kịch nói nào có thể đạt vượt qua.

"Điều kỳ diệu là khi viết vở kịch ấy, anh còn rất trẻ, anh chưa hề ra khỏi Việt Nam, nhưng lại viết về những gì bên Mỹ khiến cả Mỹ, cả Việt, cả Pháp, cả Nhật, cả Hàn Quốc và Trung Quốc giật mình", Lê Hoàng viết.

"Dân Sài Gòn xem kịch mà chưa xem Dạ cổ hoài lang do Thành Lộc, Việt Anh, Hữu Châu đóng thì chả khác gì dân đua xe chưa ra xa lộ, dân đá banh chưa chạy trên sân cỏ và dân hoa hậu chưa nhìn thấy vương miện bao giờ. Trong vở kịch ấy, khán giả khóc, khán giả cười, khán giả đánh nhau sau đó tự đánh mình liên hồi kỳ tận", đạo diễn dành nhiều lời tán dương cho vở kịch Dạ cổ hoài lang.

photo153261293828315326129382831330775827.jpg
NSƯT Thanh Hoàng là tên tuổi lớn, có nhiều đóng góp cho sân khấu kịch phía Nam. 

Nhắc lại nhiều kỷ niệm về Thanh Hoàng, đạo diễn Lê Hoàng tiết lộ nhiều câu chuyện về sự phóng khoáng và khác biệt của cố nghệ sĩ. Theo anh, Thanh Hoàng không giống bất kỳ tưởng tượng nào mọi người thường áp đặt cho dân viết kịch. 

"Viết kịch thì phải già cả, tóc phải bạc, trán phải nhăn, phải thức đêm ho sù sụ hoặc phải thiếu nợ triền miên, mở miệng ra còn nói những lời cay đắng. Viết kịch không thể phóng xe vun vút, cười sang sảng và đèo em mặc váy tung bay đằng sau và cả đằng trước như Thanh Hoàng. Đã thế lại còn viết kịch bi mới lạ", Lê Hoàng viết trên trang cá nhân.

"Túm lại, lúc nào Thanh Hoàng cũng ở các địa vị khiến đàn ông ghen ghét còn thiếu nữ ngưỡng mộ", đạo diễn nổi tiếng tiết lộ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022