Theo Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, ngay sau khi báo chí đăng tải về việc nhân viên Trung tâm dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt mắng chửi, dọa có dao trong cặp và đánh học sinh, lãnh đạo đã giao phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) phối hợp với Công an thị xã Từ Sơn xác minh và đã đến địa chỉ của Trung tâm dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt tại tầng 3 khu KTX trường Đại học TDTT Bắc Ninh.
"Bước đầu chúng tôi xác định trung tâm Tâm Việt đã không còn ở địa chỉ nói trên mà đã chuyển trụ sở về Đông Anh, Hà Nội từ ngày 30/9. Tuy nhiên, kể cả khi trung tâm đã chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh thì chúng tôi vẫn tiếp tục làm rõ những phản ánh về việc mắng chửi, đe dọa trẻ cũng như việc cơ sở vật chất không đủ điều kiện chăm sóc các cháu. Khi có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý", Đại tá Lương nói.
Trẻ em tại trung tâm.
Liên quan đến vụ việc trên, tối 29/10, trao đổi với PV, ông Phan Quốc Việt - CEO Tâm Việt Group cho biết, sự việc báo chí phản ánh là xảy ra từ tháng 6/2019 và trung tâm đã tiến hành kiểm điểm và kỷ luật nghiêm các trường hợp trên.
Đại diện trung tâm này khẳng định, các em học sinh đã được chuyển đến nơi đào tạo mới khang trang và sạch sẽ hơn.
Chia sẻ thêm về đặc thù công việc, ông Việt cũng cho rằng, do các em học sinh tại đây không được bình thường nên việc giáo viên đôi khi bực tức chửi mắng quá lời là "chuyện bình thường". Tuy nhiên, những trường hợp giáo viên không đúng mực sẽ bị phê bình và kỷ luật.
Trước đó, ngày 29/10, báo chí đã phản ánh việc Trung tâm dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt để xảy ra sự việc giáo viên có những hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức với học viên là các em nhỏ bị tự kỷ tại đây.
Ngoài ra, khi có khi một học sinh nữ là trẻ tự kỷ không chịu tập, giáo viên tại trung tâm này đã ném bóng liên tiếp, chỉ tay vào mặt em và hét lên: "Đùa với bố mày đấy à? Trong túi xách bao giờ cũng có dao đấy nhé".
Cũng theo phản ánh, phòng tập của các em học sinh tràn ngập mùi khai, hôi thối do các học sinh đi vệ sinh không được lau dọn kỹ càng. Có em đang tuổi phát triển dậy thì, có hành vi thường xuyên nghịch "vùng nhạy cảm" trong lớp học.