Vài ngày trước, một người mẹ ở Lô Châu, Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã tự ý mở túi hồ sơ của con gái. Đứa con nhìn thấy, không kìm được hét lớn: "Mẹ! Mẹ không được mở, nếu mẹ mở thì nhà trường không nhận đâu!". Người mẹ cãi lại: File vẫn còn nguyên, có mất mát gì đâu. Mẹ chỉ xem thử nội dung ra sao mà thôi.
Cô con gái lo lắng đến mức sắp khóc, nhưng mẹ hoàn toàn phớt lờ và đi thẳng vào bếp. Thậm chí, chị còn tự đăng đoạn video lên mạng, phàn nàn rằng con gái quá ương bướng và đã la to quá mức khiến em gái nhỏ sợ hãi.
Nhiều cư dân mạng khi xem video nhận định: Người mẹ này không hề biết rằng chính hành động vô ý của mình lại có thể làm ảnh hưởng lớn đến con gái!
Ở Trung Quốc, tài liệu lưu trữ của học sinh bao gồm các văn bản, bảng biểu và các biểu mẫu để ghi lại thông tin cá nhân, thành tích đạo đức và năng lực, kết quả học tập và làm việc của học sinh. Theo quy định, tài liệu này không được tự ý mở mà được chuyển thẳng lên trường đại học. Nếu mở ra, tính hợp lệ của hồ sơ sẽ bị mất, điều này ảnh hưởng đến việc học hành, thi cử và việc làm sau này của trẻ.
Người mẹ tự đăng đoạn video lên mạng, phàn nàn rằng con gái quá ương bướng và đã la to quá mức khiến em gái nhỏ sợ hãi.
Nếu lỡ tay tháo niêm phong trên túi hồ sơ, cần đến đơn vị liên quan để kiểm tra và dán lại tem. Tuy nhiên, quá trình này khá phức tạp. Vì rất khó xác minh nội dung có bị thay đổi hay tệp bị thiếu hay không và không thể đảm bảo tính xác thực.
Ở clip trên, cô con gái vừa vào đại học, bởi vì mẹ làm sai mà sau này có thể không kiếm được công việc tốt, và thậm chí không được thi công chức. Tâm trạng của em phải suy sụp biết bao!
Cha mẹ thiếu ý thức về ranh giới, con cái ảnh hưởng cả đời
Nhiều người trách bà mẹ thiếu ý thức bởi trên bìa hồ sơ đã ghi sẵn "không được mở niêm phong". Trong trường hợp không có đi nữa, thì cũng ghi tên người nhận là con cái. Cha mẹ không phải nên hỏi và xin phép trước khi xé đồ của người khác hay sao?
Suy cho cùng, vấn đề vẫn là cha mẹ không có ý thức về ranh giới đối với con cái. Trong mắt một số người, con là do mình sinh ra, hà cớ gì mình không được quyền xem xét hay đụng chạm đồ đạc của nó?
Một thống kê cho thấy hơn 70% phụ huynh đã xem trộm điện thoại di động hoặc lịch sử trò chuyện của con cái. Trong mắt cha mẹ, họ làm vậy chỉ vì quan tâm đến thế giới nội tâm của con, sợ con lạc lối. Nhưng điều họ không biết là hành vi này sẽ mang đến cho trẻ bao nhiêu tổn thương tâm lý.
Điều mà các bậc cha mẹ này không biết là dù nhỏ đến đâu, trẻ cũng sẽ có những ranh giới của riêng mình. Trẻ thường trở nên nổi loạn hoặc tự khép kín, thậm chí dùng những cách tự hủy hoại bản thân để trả đũa cha mẹ.
Nghiêm trọng hơn là cha mẹ không có ranh giới, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ và mối quan hệ giữa hai bên.
Lawrence Steinberg, giáo sư tâm lý học tại Đại học Temple, Hoa Kỳ, cho biết: "Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị cha mẹ giám sát quá mức khi còn nhỏ có nhiều khả năng mắc bệnh tâm thần. Điều này có thể làm giảm khả năng và sự tự chủ của trẻ em".
Skyler Hawk, một nhà tâm lý học xã hội tin rằng trẻ em cần có một mức độ tự chủ nhất định, nếu cha mẹ không có ranh giới, chúng có thể không còn tin tưởng cha mẹ mình nữa.
Nhiều đứa trẻ không dám nói với bố mẹ khi gặp rắc rối. Thậm chí có một số trẻ trong mắt cha mẹ bình thường rất ngoan ngoãn, không có gì bất thường cả nhưng vẫn chọn cách ứng xử cực đoan. Một trong những nguyên nhân có thể do cha mẹ tự ý xâm phạm ranh giới của con cái trong cuộc sống hàng ngày, gây tâm lý nổi loạn ở trẻ.
Trong mắt những bậc cha mẹ thiếu ý thức về ranh giới, con cái chỉ là sự tiếp nối cuộc sống của họ chứ không phải là một cá thể bình đẳng với cá tính độc lập.
Cha mẹ khôn ngoan nhận ra rằng con cái là một cá thể độc lập. Họ không chỉ tôn trọng quyền sở hữu, không lục lọi đồ dùng của con khi chưa được sự đồng ý mà còn tôn trọng suy nghĩ độc lập, không can thiệp quá nhiều vào chuyện riêng tư của trẻ, để chúng có quyền lựa chọn cuộc sống của mình.
Bởi họ tin rằng tình yêu có ranh giới không có nghĩa là thờ ơ, cũng không có nghĩa là phớt lờ mà là cùng con lớn lên với một thái độ chín chắn, thấu hiểu.