Nhà hát Kịch Việt Nam từng được coi là "thánh địa" số một về chính kịch của miền Bắc, quy tụ dàn diễn viên hùng hậu, nhiệt huyết với nghề, bên cạnh Nhà hát Tuổi Trẻ với lợi thế là hài kịch. Ở thời hoàng kim của sân khấu, mỗi đêm sáng đèn là Nhà hát Kịch Việt Nam lại chật kín chỗ ngồi, khán giả hào hứng đến độ ăn mặc thật đẹp đứng xếp hàng mua vé.
Tuy nhiên, khoảng chục năm đổ lại đây, việc khán giả chỉ cần ngồi ở nhà đã có đến cả trăm kênh truyền hình để giải trí khiến sân khấu kịch bị rơi vào tình trạng "thất sủng". Phía sau sân khấu, các nghệ sĩ muốn có cuộc sống ổn định thì phải mưu sinh bằng nhiều nghề tay trái, người xem kịch càng ngày càng thờ ơ với những vở diễn cho dù nó có có được đầu tư công phu hay đặc sắc tới đâu. Thế nhưng không vì lẽ đó mà vị trí Giám đốc của Nhà hát Kịch cũng bị thờ ơ theo, mỗi lần thay vị trí lãnh đạo là mỗi lần sóng gió ập đến.
Chân dung NSND Anh Dũng - cựu Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Vụ lùm xùm đầu tiên xảy ra vào năm 2008, vì lý do chưa có bằng đại học mà nguyên giám đốc nhà hát - NSND Anh Dũng buộc phải thôi chức và thuyên chuyển công tác. Lý do này khiến nhiều đồng nghiệp của ông và khán giả không phục, tranh cãi trong thời gian dài. Ai cũng hiểu rằng ở thời điểm đó, mấy ai làm nghệ thuật mà có bằng cấp chính quy? Nhiều nghệ sĩ cho rằng điều đó là sự thiệt thòi khiến NSND Anh Dũng u uất và trầm lặng thời gian sau đó. NSƯT Chiều Xuân từng phân tích: "Đó là sự vô lý bởi thời của Anh Dũng chưa có hệ đại học về sân khấu" hay NSƯT Quế Hằng bộc bạch: "Cả cuộc đời chưa bao giờ làm hại ai nhưng anh Dũng lại gặp nhiều người không tốt xung quanh khi lên làm lãnh đạo".
Ngày 1/7/2009, Giám đốc Nhà hát Kịch Tuổi trẻ là NSND Lê Hùng bất ngờ nhận được quyết định bổ nhiệm, kiêm luôn Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Nhưng việc đặt NSND Lê Hùng cùng lúc đứng đầu hai nhà hát lớn gây nhiều tranh cãi và không đồng tình từ những nghệ sĩ kì cựu. Người ta cho rằng ông không thể hoàn thành song song công việc ở hai Nhà hát quy mô bậc nhất cả nước nhưng tính chất lại trái ngược hẳn nhau, một bên là chính kịch, bên kia lại thiên về hài kịch.
NSND Lê Hùng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam trong 2 năm.
Bản thân nghệ sĩ NSND Lê Hùng lúc đó cũng hoang mang cho rằng quyết định bổ nhiệm ông của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ là tạm thời. Trong lúc đảm nhận công việc, ông vấp phải phản ứng khá dữ dội khi đề xuất sáp nhập Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam làm một.
Tháng10/2012, NSND Lê Hùng nghỉ hưu, ông Nguyễn Thế Vinh được điều chuyển làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau 5 năm làm giám đốc, gánh vác những rắc rối để lại từ nhà hát kịch Việt Nam, ông Nguyễn Thế Vinh nhận quyết định nghỉ hưu ngày 13/9/2017.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh cũng vướng nhiều lùm xùm khi đảm nhận ghế nóng "đầu ngọn" nhà hát Kịch.
Không biết có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên khi cùng thời điểm nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh về hưu, Nhà hát Kịch Việt Nam lại phải đối mặt với vụ lùm xùm mới. Cụ thể bà Nguyễn Hồng Nhung – vợ NSƯT Xuân Bắc "tố" NSND Anh Dũng chèn ép, cho rằng mình không đủ tư cách trong việc tham gia chấm thi tại trường Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Trong khi NSƯT Xuân Bắc quyết định im lặng trước sự vụ thì NSND Anh Dũng đã nhanh chóng lên tiếng đây chỉ là sự hiểu nhầm giữa hai người. Vậy là Nhà hát Kịch Việt Nam ở thời điểm đang cần người "chèo lái" lại gặp phải cuộc mâu thuẫn mới.
Được biết, hiện NSND Anh Tú và Xuân Bắc đều đang là ứng cử viên sáng giá. Không biết câu chuyện chèn ép có liên quan đến việc rồi ai sẽ ngồi "ghế nóng" để đảm nhiệm vai trò lãnh của cả một tập thể, chỉ biết ngay khi ứng cử thì bao nhiêu điều tiếng không hay ập tới khiến chính những người trong cuộc cũng phải bất ngờ. Liên quan đến chức giám đốc mới của nhà hát, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết việc bổ nhiệm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam phải theo đúng quy trình và theo nguyện vọng của nghệ sĩ nhà hát. Bộ sẽ cử người xuống Nhà hát để lấy ý kiến và thể theo sự ủng hộ của cơ sở bầu lên.
NSND Anh Tú...
... và NSƯT Xuân Bắc là hai ứng cử viên nặng kí cho vị trí Giám đốc ở thời điểm hiện tại.