Tha thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi ai đó làm bạn tổn thương, bạn cần phải rất bao dung và trưởng thành, sẵn sàng gạt cái tôi của mình sang một bên để chấp nhận một lời xin lỗi chân thành. Thế nhưng, nếu người bạn cần tha thứ lại là chính mình thì sao?
Trong quá khứ có thể bạn đã từng làm một việc sai trái và bạn luôn cảm thấy day dứt lương tâm. Có thể bạn đã cầu xin sự tha thứ từ người khác nhưng chính bạn lại không thể buông tha cho mình.
Điều bạn cần để sống hạnh phúc hơn, cũng là bước đầu tiên để yêu thương lấy bản thân, chính là học cách tha thứ cho chính mình.
7 bước để tha thứ cho bản thân
Mọi người đều mắc sai lầm, nhưng học cách rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó, từ bỏ, bước tiếp và tha thứ cho bản thân là điều quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của bạn.
Tha thứ có nghĩa là bạn chấp nhận bản thân, chấp nhận những gì đã xảy ra và bạn sẵn sàng bỏ qua nó và tiếp tục cuộc sống của mình mà không cần nghĩ lại về những gì đã qua.
1. Hiểu cảm xúc của chính mình
Nhận thức được những cảm xúc mà bạn đang trải qua là một phần quan trọng trong việc học cách tha thứ cho bản thân. Việc xác định và hiểu cảm xúc của bạn có thể giảm bớt được cảm giác tội lỗi, dằn vặt và xấu hổ.
2. Chịu trách nhiệm cho những hành động của mình
Tha thứ cho bản thân không chỉ đơn thuần là gác lại quá khứ và bước tiếp. Đó là việc chấp nhận những gì đã xảy ra và thể hiện lòng trắc ẩn với bản thân.
Đối mặt với những gì bạn đã làm hoặc những gì đã xảy ra là bước đầu tiên để tự tha thứ cho bản thân. Đây cũng là bước khó nhất. Nếu bạn bao biện, hợp lý hóa hay phủ nhận những hành động của mình để khiến chúng có vẻ có thể chấp nhận được, thì đã đến lúc để bạn đối mặt và chịu trách nhiệm cho những gì mình đã làm.
Bằng cách chấp nhận những hành động sai trái mà mình đã làm, bạn có thể tránh được những cảm xúc tiêu cực như hối hận hay xấu hổ quá mức.
3. Đối xử với bản thân bằng sự tử tế và từ bi
Tha thứ cho bản thân đòi hỏi bạn phải đối mặt với hành động của mình và thể hiện sự hối hận về những gì đã xảy ra, nhưng điều quan trọng là bạn phải biết cách đối xử tử tế với chính mình.
Hãy đối xử tử tế với bản thân như bạn đối xử với người khác. Cố gắng không phán xét bản thân mà thay vào đó hãy từ bi, khoan dung với chính mình trong khi vẫn thừa nhận rằng bạn đã mắc sai lầm và muốn làm tốt hơn trong tương lai.
Hãy nói chuyện với chính mình như thể bạn đang nói chuyện với một người bạn. Chỉ đơn giản vậy thôi cũng có thể giúp tạo ra một chút thay đổi và làm dịu đi những cảm xúc tiêu cực mà bạn đang có với bản thân mình.
Chúng ta là con người và không ai có thể đảm bảo rằng họ chưa bao giờ phạm sai lầm. Chính những sai lầm giúp bạn trưởng thành và tốt lên mỗi ngày.
4. Thể hiện sự hối hận cho những sai lầm của bạn
Khi bạn làm việc gì đó sai trái, bạn cảm thấy tội lỗi là điều hoàn toàn bình thường. Thậm chí đây là một cảm xúc lành mạnh. Những cảm giác tội lỗi và hối hận có thể là bàn đạp để bạn thay đổi hành vi tích cực.
Cảm giác tội lỗi là khi bạn biết mình tốt nhưng đã làm điều gì đó xấu, nhưng sự xấu hổ khiến bạn thấy mình giống như một người xấu. Hãy hiểu rằng việc mắc sai lầm không khiến bạn trở thành người xấu hay làm giảm giá trị nội tại của bạn.
5. Sửa đổi và xin lỗi
Sửa đổi là một phần quan trọng của sự tha thứ. Cũng giống như bạn khó có thể tha thứ cho một người đến khi họ sửa sai hay cải thiện tình hình, việc tha thứ cho bản thân cũng vậy.
Một cách để vượt qua cảm giác tội lỗi và hối hận là hành động để sửa chữa những sai lầm của bạn. Xin lỗi nếu cần thiết và tìm cách để bạn có thể bù đắp cho bất cứ ai mà bạn đã làm tổn thương, bao gồm cả chính bạn.
6. Rút kinh nghiệm
Tất cả chúng ta đều có ít nhất một lần mắc sai lầm, và ít nhiều cũng mang lại cảm giác hối lỗi. Việc rơi vào cái bẫy của sự phán xét, tự hận bản thân hoặc thậm chí là thương hại chính mình có thể gây tổn hại và khiến bạn khó duy trì động lực hay lòng tự trọng.
Tha thứ cho bản thân đồng nghĩa với việc bạn cần tìm cách học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và trưởng thành hơn sau mỗi lần như vậy. Để làm được điều này thì bạn cần hiểu tại sao bạn lại hành xử như vậy và tại sao bạn lại cảm thấy có lỗi.
7. Cố gắng làm tốt hơn
Tha thứ cho bản thân cũng có nghĩa là nỗ lực để trở nên tốt hơn trong tương lai. Khi đối mặt với những tình huống tương tự, hãy suy ngẫm về những cảm giác mà bạn đã trải qua trong quá khứ. Thay vì cảm thấy tội lỗi về những gì đã qua, hãy nhắc nhở bản thân về những gì bạn đã học được và áp dụng chính những kinh nghiệm mà bạn đã rút ra.