Ngay từ sáng sớm ngày chủ nhật, chiếc xe khách chở hơn chục người từ Bình Phước ghé đến phòng khám Huỳnh Lương. Dòng người lần lượt vào trong bốc số, ghi tên sau đó ngồi đợi đến lượt khám bệnh. Trong đoàn này có người đi lần thứ 4, có người chỉ mới đi lần đầu.
“Tôi mới đi lần đầu, đoàn người đi lần trước họ uống hết bệnh họ chỉ lại tôi nên tôi xin đi theo. Tôi thấy mọi người vui vẻ, ân cần, tiếp đón nồng nhiệt. Họ hỏi 'Cô bác đi tới có ai ăn gì chưa, chưa thì vào ăn', ai cũng nhiệt tình mình thấy an tâm”, cô Trần Thị Tuyến (Bình Phước) nói với chúng tôi.
Người dân từ xa tìm đến Huỳnh Lương để được thăm khám, bốc thuốc miễn phí.
Thang thuốc miễn phí và những bữa cơm đãi khách đường xa
Tốt nghiệp Đại học Ngân hàng TP.HCM, thế nhưng anh Lý Thanh Triều lại chọn trở thành một thầy thuốc Đông Y. Suốt 10 năm khoác áo blouse, anh Triều gắn bó với bệnh nhân nghèo địa phương. Cơ sở khám chữa bệnh, bốc thuốc nam miễn phí cho người nghèo tên Huỳnh Lương của anh cũng ngày một đông đúc người ra vào. Tiếng lành đồn xa, nhiều người khăn gói từ Bình Phước, TP.HCM,… đến đây để được bắt mạch, bốc thuốc miễn phí.
Đến phòng thuốc nam của anh Triều, người dân không những không phải trả tiền khám chữa bệnh, bốc thuốc điều trị mà còn được thiết đãi một bữa cơm chay, trong một không gian ấm cúng chẳng khác nào đang ở nhà.
Anh Triều trong một buổi thăm khám miễn phí cho người dân.
Tìm gặp anh Triều vào ngày cuối tuần, phòng khám của anh đông bệnh nhân nên dù đi từ sáng sớm, tới hơn 12 giờ trưa chúng tôi mới có dịp trò chuyên với anh Lý Thanh Triều. Sau khi bệnh nhân cuối cùng ra về, thầy thuốc trẻ ra sau nhà dùng bữa trưa như thói quen thường ngày, trên bàn là phong phú những món chay.
“Ngày xưa đa số người dân khó khăn, không có điều kiện, không còn đường nào khác họ mới chọn thuốc nam, còn bây giờ người ta chọn thuốc nam vì người ta muốn và họ đã hiểu hơn về giá trị của thuốc nam”, anh Triều nói.
Ngay từ khi còn là sinh viên đại học, cái suy nghĩ "có tiền chưa chắc giúp được người khác nhưng có kiến thức sẽ giúp được" luôn đau đáu trong anh Triều. Cùng với mong muốn sẵn có là phát triển vườn thuốc nam của địa phương, anh Triều không nghĩ nhiều nữa, cứ thế rẽ ngang sang nghề Đông y, viết tiếp ước mơ ấp ủ từ khi còn nhỏ.
“Ở Việt Nam có nguồn thuốc nam dồi dào, đỡ tốn kém nhưng lại mang hiệu quả lâu dài nhưng thực ra không nhiều người nhìn nhận như vậy. Từ năm 2012, chuyển qua làm thuốc, mình thấy thích tuy bận rộn nhưng là việc mình yêu thích nên không có sao. Dần dần nó trở thành đam mê của mình lúc nào không hay", anh Triều nói.
Hàng tuần, bên cạnh công việc lại Huỳnh Lương, anh Triều kiêm thêm mảng vật lý trị liệu kiếm thu nhập làm kinh phí duy trì phòng khám. Xen kẽ đó, anh Triều vào Y viện làm công quả, qua đó tìm tòi những nguồn thuốc nam mới có hiệu quả, công dụng tương tự các loại thuốc đang sử dụng để đưa về kho. Công việc nhiều lại không thu tiền, nhân lực ở Huỳnh Lương chính là những bạn trẻ, các cô chú lớn tuổi - những người chung mong muốn phát tâm, làm việc thiện giúp đời.
Sau khi bốc xong phần thuốc của mình, nhiều người tình nguyện ở lại phụ giúp công việc bốc thuốc cho người khác. Cứ như thế, ai đến đây cũng giữ một tinh thần hoan hỉ, vui vẻ giúp đỡ nhau.
“Bốc thuốc nam nặng nhất là nguồn thuốc. Mình tìm nguồn thuốc đầu tiên là ở vườn do chính mình trồng, thứ 2 là do bà con mang đến, thứ 3 trao đổi ở những nguồn khác hoặc mua thêm. Khó khăn chính ở phòng khám là nguồn thuốc và người luân phiên làm các công việc bốc thuốc miễn phí cho người dân.
Mọi người ở đây đều cùng mục tiêu mang lại giá trị nhân văn cho bà con, nếu thu tiền thì khác với mục tiêu ban đầu của mình, mình muốn làm giống như hiện tại, tuy khó khăn nhưng vẫn vượt qua được. Mình nghĩ ý nghĩa của một việc thiện là nó phải được nhân lên. Mình thấy hạnh phúc khi nhìn thấy những bệnh nhân thay phiên nhau chia sẻ các công việc”, anh Triều nói tiếp.
Sau khi khám bệnh và được anh Triều kê toa, người dân sẽ ra phía sau phòng khám nộp sổ chờ lấy thuốc.
"Thấy bà con khắp nơi tìm tới, tôi biết con mình đi đúng đường"
Nói với chúng tôi, bà Trần Thị Ngọc Phụng (mẹ anh Triều) cho biết, bà và gia đình chưa từng phản đối quyết định của con. Từ thời điểm anh Triều tâm sự với mẹ rằng bản thân muốn trở lành một lương y, bà Phụng đã nghĩ rằng, đó có lẽ là cái duyên, nghề đã chọn con trai bà.
“Nó nói: 'Con không thích làm để kiếm tiền nữa, mẹ cho con đi học Y đi để con khám con chữa bệnh cho người ta, bây giờ bệnh nhân bệnh nhiều lắm'. Gia đình không phản đối nhưng tôi nói: 'Con học 3 năm rồi, con học đủ 4 năm lấy bằng đại học ngân hàng về cho mẹ đi rồi mẹ cho con học ngành Y”.
Vườn thuốc tự trồng của anh Triều.
Bà Phụng tâm sự, sau hàng chục năm trời, từ những băn khoăn ban đầu, bà ngày càng an lòng hơn khi thấy người ta tìm tới Huỳnh Lương ngày một đông hơn.
“Thấy bà con khắp nơi tìm tới tôi biết con mình đi đúng đường, gia đình tôi phấn khởi lắm, người tìm đến đông nên mỗi người một tay giúp Triều. Tôi không muốn giàu, vừa đủ vậy là được.”
Nói về kinh phí duy trì phòng thuốc nam miễn phí, bà Phụng cho hay, ba mẹ và anh chị em ruột của anh Triều đều chung tay, mỗi người một ít. “Tôi thấy thuốc thiếu tôi phải đi mua thêm. Rồi bà con mỗi người đem lại một ít. Hồi xưa ông bà của Triều cũng đã chặt thuốc Nam cho bà con xung quanh, ba Triều cũng vậy, giờ tới Triều”.
Sau khi khám bệnh bốc thuốc miễn phí cho bà con, anh Triều ra vườn xem công đoạn phơi thuốc.
Vườn thuốc nam Huỳnh Lương hiện tại ngoài việc bốc thuốc và phát thuốc miễn phí cho người dân, anh Triều còn đang trồng hàng trăm loại cây thuốc trong vườn đằng sau phòng khám để duy trì. Từ những lá thuốc tự trồng mà tuyệt nhiên không sử dụng thuốc trừ sâu hay chất hóa học, anh Lý Thanh Triều cùng những cộng sự của mình đã biên soạn nên nhiều bài thuốc, chữa được nhiều bệnh cho người dân.
Không chỉ bỏ thời gian và tâm sức để nghiên cứu nhiều bài thuốc mới, chàng trai đam mê y học dân tộc này còn lập cả một bếp ăn từ thiện để hướng dẫn người dân cách ăn uống lành mạnh từ những nguyên liệu gần gũi trong tự nhiên.
“Đây là lần thứ 2 tôi đến đây, tôi đi từ Trảng Bàng qua đây. Đây thì thấy cái gì cũng tốt, đi lần thứ 2 thì chưa hết hẳn đâu, 10 phần giảm được 2 phần, tinh thần cũng tốt hơn. Tôi nghe những người quen ở nhà mình chỉ, người ta trị nhức mỏi xương khớp giảm rồi mình đi theo. Có chỗ bỏ tiền, mình bỏ cũng được, không bỏ cũng được nhưng họ đối xử với mình rất tốt”, chú Nguyễn Tấn Tài (Trảng Bàng - 83 tuổi).