Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, có nhiệm vụ bài tiết các hormone giúp điều hòa chức năng trao đổi chất của cơ thể. Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh ung thư hàng đầu ở nữ giới. Bệnh lý này tuy không đe dọa nhiều đến tính mạng nhưng lại khiến người bệnh phải điều trị lâu dài.

Dưới đây là những chia sẻ của ThS. BS Hà Lương Yên, chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BV Hồng Ngọc, giúp chị em hiểu rõ hơn về căn bệnh ung thư tuyến giáp ở phụ nữ và biết cách phòng bệnh tốt nhất.

base64-1678260662350261478260-1678267251785-16782672529671937212219.png

ThS. BS Hà Lương Yên

1. Ung thư tuyến giáp ở phụ nữ có khác gì nam giới không? Có những đặc điểm gì đáng chú ý?

Hầu hết ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh. Biểu hiện bệnh ở nam và nữ giới thường không khác nhau.

Khi ung thư tuyến giáp phát triển, nó có thể gây ra các dấu hiệu đáng chú ý như:

- Một khối u vùng cổ nhìn thấy được

- Thay đổi giọng nói, bao gồm tăng khản giọng

- Khó nuốt, khó thở

- Nổi hạch bạch huyết ở cổ

- Đau ở cổ và cổ họng

2. Nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp ở nữ giới cao hơn nam giới. Liệu cấu tạo sinh học hay đặc điểm sinh lý có là yếu tố tác động đến nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp ở phụ nữ hay không?

Ung thư tuyến giáp là loại ung thư phổ biến thứ bảy ở phụ nữ. Có 4 loại ung thư tuyến giáp phổ biến: Ung thư tuyến giáp thể bất sản, ung thư tuyến giáp thể tuỷ, ung thư tuyến giáp dạng nang và ung thư tuyến giáp dạng nhú. Trong đó, ung thư tuyến giáp dạng nhú là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% các trường hợp. Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú cao gấp 3 lần so với nam giới.

Theo nghiên cứu, nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp ở nữ giới cao hơn nam giới do tình trạng hormone sinh dục nữ estrogen và thụ thể hormone estrogen trong các tế bào tuyến giáp có thể có vai trò trong sự tiến triển của bệnh ung thư tuyến giáp.

trieuchungbenhtuyengiap-1593520306639-crop-crop-1651047571154-167825846887242176246-1678267259898-1678267259983124893929.jpeg

Biểu hiện bệnh ung thư tuyến giáp ở nam và nữ giới thường không khác nhau.

3. Chị em phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao nhất ở giai đoạn nào trong cuộc đời?

Ung thư tuyến giáp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú cao nhất xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 40–49, đây là nhóm tuổi mà hầu hết phụ nữ sắp hoặc bước vào thời kỳ mãn kinh. Ung thư tuyến giáp thể bất sản thường được chẩn đoán sau tuổi 60.

4. Bệnh tuyến giáp có ảnh hưởng đến chuyện sinh con của chị em hay không?

Phụ nữ bị ung thư tuyến giáp không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản vì phần lớn ung thư tuyến giáp không ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp. Khi bị ung thư tuyến giáp, bệnh nhân sẽ cần cắt bỏ một nửa tuyến giáp hoặc toàn bộ tuyến giáp. 50% bệnh nhân bị cắt bỏ một nửa tuyến giáp sẽ có chức năng hormone tuyến giáp bình thường. 50% còn lại sẽ cần bổ sung hormone tuyến giáp. 

Nếu cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp thì bệnh nhân sẽ cần bổ sung hormone tuyến giáp đủ liều. Khi sử dụng hormone tuyến giáp mà nồng độ hormone tuyến giáp vẫn ở mức bình thường thì khả năng sinh con của phụ nữ sẽ không bị ảnh hưởng.

base64-16782586037952061153881-1678267263316-1678267263385196001570.png

Nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp ở nữ giới cao hơn nam giới.

5. Bị bệnh tuyến giáp nên ăn uống như thế nào, cần tránh những gì, nhất là khi đã bị ung thư?

Để phòng tránh bệnh ung thư tuyến giáp cũng như các loại bệnh ung thư khác, chúng ta nên duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Một chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ được khuyến nghị bao gồm nhiều trái cây và rau quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt.

Khi đã bị ung thư tuyến giáp, không có chế độ ăn kiêng nào được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị ung thư hoặc ngăn ngừa sự tái phát. Ngoại trừ việc phải kiêng iod trước điều trị phóng xạ 2 tuần để tránh ảnh hưởng tới việc hấp thu iod phóng xạ, thì bệnh nhân tuyến giáp nên bổ sung iod vào chế độ ăn bình thường. Tùy vào giai đoạn điều trị ung thư, cơ thể bị ảnh hưởng do phẫu thuật, xạ trị, bệnh nhân cần đảm bảo dinh dưỡng từ chế độ ăn đầy đủ hoặc bổ sung đủ nhu cầu năng lượng mà cơ thể cần để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

6. Hệ miễn dịch suy yếu có liên quan gì đến khả năng phát triển ung thư nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng hay không?

Đột biến gen đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra bệnh ung thư. Khi cơ thể già đi, tần suất đột biến gen tăng lên và khả năng miễn dịch của cơ thể giảm đi khiến nguy cơ mắc ung thư cao hơn.

Thông thường khi các tế bào ung thư xuất hiện trong cơ thể, các tế bào T của hệ thống miễn dịch sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư đó trước khi chúng có thể hình thành khối u. Khi hệ thống miễn dịch suy yếu và tạo ra ít tế bào miễn dịch hơn thì không thể tìm và diệt các tế bào ung thư. Kết quả là, các tế bào bất thường có thể phát triển không kiểm soát và tạo thành khối u.

ut-tuyen-giap-1-16782581898051727503657-1678267267042-16782672671051995029512.jpg

ThS. BS Hà Lương Yên đang kiểm tra tuyến giáp cho bệnh nhân.

7. Chị em cần đặc biệt chú ý gì để phòng ngừa ung thư tuyến giáp?

Như tất cả các bệnh ung thư khác, sàng lọc, phát hiện sớm và phòng ngừa đóng vai trò quan trọng giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp, cũng như chẩn đoán ung thư sớm. Với ung thư tuyến giáp, chúng ta cần chú ý những điều sau đây:

- Giảm thiểu sự phơi nhiễm phóng xạ, đặc biệt ở vùng đầu cổ.

- Tìm hiểu tiền sử gia đình ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột.. mắc bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú, thể tủy hoặc ung thư tuyến giáp thể nang… để tiến hành làm xét nghiệm di truyền và sàng lọc ung thư.

- Tự kiểm tra, theo dõi các triệu chứng hoặc thăm khám trực tiếp với bác sĩ và siêu âm tuyến giáp.

- Duy trì một lối sống lành mạnh giúp ngăn ngừa ung thư như chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên, tránh xa các chất kích thích... Một chế độ ăn được khuyến nghị như bổ sung trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ; hạn chế thịt đỏ, chất chống oxy hóa và lượng iod vừa đủ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022