Hình ảnh cam rụng đầy vườn rơi cả xuống lối đi tại các vườn cam ở Hà Giang được người dân chia sẻ trên mạng xã hội
Hơn 8 nghìn tấn cam sành đổ bỏ, rụng đầy vườn, vì sao?
Báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, số lượng cam sành bị rụng trong nhiều ngày qua tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình khá lớn.
Theo đó, tại huyện Bắc Quang ước thiệt hại 7.000 tấn; huyện Quang Bình uớc thiệt hại 1.200 -1.300 tấn.
Nguyên nhân được đánh giá sơ bộ do thời tiết mưa kéo dài từ ngày 4 tết đến ngày 11/2/2020, đồng thời kèm theo có sương muối, thay đổi thời tiết đột ngột làm cho quả cam bị sốc nước, qua kiểm tra cho thấy một số quả trên cây bị rạn vỏ gây nấm mốc làm cho quả cam bị thối và rụng.
Ngày 13/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, thời tiết bắt đầu ấm lên, chu kỳ xuân hóa của cây bắt đầu, vì vậy việc tự điều chỉnh sinh lý của cây để huy động dinh dưỡng cho chu kỳ mới nên dẫn tới rụng quả.
"Cung đang vượt cầu đối với sản phẩm cam của địa phương nên giá bán đang bị ảnh hưởng. Sản phẩm cam của Hà Giang không xuất sang Trung Quốc mà chỉ tiêu thụ trong nội địa. Tuy nhiên, nếu như các cửa khẩu không bị ảnh hưởng bởi dịch cúm virus corona thì các xe container chở hàng qua biên giới, khi quay đầu sẽ tiện chuyến mua cam để đưa vào các tỉnh phía nam tiêu thụ", ông Vinh nói và cho biết, Sở này cũng đã có khuyến cáo bà con không nên thu hoạch cam sau Tết Nguyên đán nhưng do nhiều hộ vẫn muốn được giá nên để lại trên cây và hậu quả là cam rụng.
Với thông tin các vựa cam của tỉnh Hà Giang được người dân bón nhiều phân Kali dẫn đến việc cam rụng lan truyền trên mạng xã hội, ông Nguyễn Đức Vinh bác bỏ và khẳng định đó là thông tin sai sự thật.
Không có chuyện bón nhiều kali nên cam Hà Giang mau thối, rụng
“Gia đình tôi cũng trồng cam và không người dân nào dám bón nhiều phân kali vì sẽ tốn rất nhiều chi phí. Hiện chúng tôi đang triển khai thống kê thiệt hại của tình trạng trên để báo cáo UBND tỉnh có phương án xử lý”, ông Vinh cho biết.
Để khắc phục tình trạng trên, Sở NN&PTNN tỉnh Hà Giang đã đề nghị UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình chỉ đạo các chủ vườn khẩn trương dọn sạch toàn bộ số quả cam bị rụng ra khỏi khu vực vườn và đào hố chôn xử lý bằng vôi và chế phẩm sau đó vùi lấp kín để tránh ảnh hưởng đến môi trường.
Sau khi dọn sạch vườn yêu cầu các hộ mua vôi bột rắc toàn bộ mặt vườn, đồng thời dùng chế phẩm phun xử lý để tránh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và của cây cam sành trong vụ tới.
Các vườn khi tiêu thụ cần thu hoạch theo hình thức tỉa quả theo cây để tránh gây áp lực về dinh dưỡng khi cây vào chu kì ra hoa, đậu quả dẫn đến hiện tượng rụng quả.
Sở NN&PTNN cũng đề nghị UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên rà soát, thống kê cụ thể các hộ bị thiệt hại do cam sành bị rụng trong đợt mưa kéo dài vừa qua để đề xuất hỗ trợ khôi phục sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.
Clip cam rụng đầy lối đi do một lái xe đăng tải trên facebook đã thu hút được nhiều sự chia sẻ của người xem
Nhiều người muốn mua cam ủng hộ
Ngay sau khi thông tin cam rụng được chia sẻ trên một số trang face cá nhân, nhiều người ở Hà Nội, Quảng Ninh đã bày tỏ sẵn sàng mua cam ủng hộ. Tuy nhiên, chị Phương, một người từng lên vườn của đồng bào dân tộc để chọn cam mang về bán chia sẻ có nhiều khó khăn trong việc đưa cam Hà Giang về Hà Nội bán.
Dù giá bán tại vườn chỉ dưới 10 nghìn đồng/kg nhưng Hà Giang mưa nhiều, rất khó thuê người hái. Nhiều người lại muốn giữ lại để bán khi thời tiết nóng sẽ được giá hơn nhưng năm nay mưa nhiều bất thường, cam rụng hàng loạt, bà con thiệt hại đáng kể. Những người không có kinh nghiệm hoặc bán không giữ chữ tín thì bán cả cam cắt khi trời mưa, loại cam khá đặc biệt nếu hái gặp mưa thì hỏng trong vòng vài ngày. Nếu tạnh ráo, chọn cam ngon thì vẫn để được 10-12 ngày mà không hư, thối.
Chị Điệp một người ở Hà Giang đang cố gắng thu gom cam để chuyển về Hà Nội bán cho biết năm nay ít xe tải chở cam từ Hà Giang đi bán. Giá thuê hái, vận chuyển số lượng ít chở xuống Hà Nội tầm 10-14 nghìn/kg chưa có lãi. Hơn nữa, các vườn cam của đồng bào trồng ở đồi cao hoặc sâu trong rừng, hái xong phải thuê xe chở ra ngoài tốn thêm chi phí nên có muốn bán giúp cũng khó khăn.
Cả chị Điệp và chị Phương đều là những người mong muốn bà con bán được nhiều cam, người mua thì dùng cam tăng sức đề kháng trong mùa dịch bệnh.
Hiện, cam Hà Giang cũng chưa được nhiều người thành phố chuộng. Hy vọng sau đợt này, nhiều người sẽ ủng hộ và có thói quen dùng cam Hà Giang nhiều hơn, chị Điệp chia sẻ.