Trần Thanh Hùng, 27 tuổi, luôn cảm thấy bị "mắc kẹt" trong cơ thể một người phụ nữ. Cách đây 5 năm, Hùng phẫu thuật chuyển giới ở nước ngoài và thường xuyên đi lại trong và ngoài nước để nhờ tư vấn và điều chỉnh hormone. Gần đây, điều kiện kinh tế không cho phép nên anh tìm lời khuyên trên mạng và tự tiêm hormone dựa trên sự chia sẻ của những người đã thực hiện phẫu thuật tương tự.

Sau nhiều tháng tự ý sử dụng hormone, Hùng gặp phải triệu chứng bất thường như đau đầu kéo dài, mệt mỏi và khó thở. Một buổi sáng, trên đường đi làm, anh đột ngột ngã quỵ vì chóng mặt dữ dội. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán anh bị nhồi máu não. Qua xét nghiệm và phân tích, các bác sĩ kết luận nguyên nhân chính là do việc sử dụng hormone không được kiểm soát và không phù hợp với thể trạng của Hùng.

Mai Linh, 27 tuổi, bị chẩn đoán ung thư vú sau khi sử dụng hormone dài hạn mà không có sự giám sát sau phẫu thuật chuyển giới. Khi lần đầu cảm thấy đau ngực kéo dài và tê cánh tay phải, chị cho rằng đó là triệu chứng bình thường sau phẫu thuật và không tìm kiếm sự hỗ trợ y tế.

Khi cơn đau ngày càng tăng và có dấu hiệu bất thường, Linh mới đi khám và được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 3. Khối u không chỉ phát triển nhanh chóng mà còn xâm lấn vào các cơ ngực và lan sang hạch bạch huyết, tiên lượng rất xấu, yêu cầu nhiều ca phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

20200314102220553669tiem-vac-xin-viem-ganmax-800x800-11125101-1724314860730-17243148609141124494147.jpg

Chuyên gia cảnh báo tự ý sử dụng hormone chuyển giới mà không có hướng dẫn y tế có thể gây ra hậu quả đáng tiếc. (Ảnh minh hoạ)

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, khoa Tim mạch Lồng ngực và Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết việc tự ý sử dụng hormone chuyển giới mà không có hướng dẫn y tế đúng đắn có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng với sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ đột quỵ và ung thư. Mặc dù vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam, nhưng các nghiên cứu trên toàn cầu đã chỉ ra những hệ quả từ việc sử dụng hormone không đúng cách.

  • huong-giang-16952875953071255994549-124-393-378-799-crop-1695318011511659314507-1695347966849571833668-0-13-429-700-crop-1695347973592328247164.jpg

    Phương pháp ăn uống giúp Hoa hậu chuyển giới Hương Giang siết cân

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất từ việc tự ý sử dụng hormone ở người chuyển giới là đột quỵ. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nội tiết châu Âu vào tháng 2/2024 cho thấy, tỷ lệ đột quỵ ở phụ nữ chuyển giới là 1,8% và 0,8% ở nam giới chuyển giới, cao hơn đáng kể so với dân số chung. Sự gia tăng nguy cơ đột quỵ này liên quan trực tiếp đến liệu pháp hormone kéo dài và không được kiểm soát.

Việc lạm dụng hormone có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch phổi và thậm chí là tắc động mạch thận. Những tình trạng này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người sử dụng hormone mà còn có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngoài nguy cơ đột quỵ, việc tự ý sử dụng hormone cũng liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư vú ở phụ nữ chuyển giới. Một nghiên cứu năm 2019 từ Hà Lan, được công bố trên BMJ, báo cáo rằng phụ nữ chuyển giới có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với phụ nữ không chuyển giới. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân theo các quy trình kiểm tra ung thư vú nghiêm ngặt, vì hormone nữ hóa không chỉ làm thay đổi ngoại hình mà còn tăng trưởng mô vú, làm tăng nguy cơ ung thư.

Tại Mỹ, cơ sở dữ liệu giám sát, dịch tễ học và kết quả cuối cùng (SEER) của Viện Ung thư quốc gia ghi nhận trường hợp ung thư đầu tiên ở người chuyển giới vào năm 1973. Kể từ đó, các nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ mắc ung thư ở người chuyển giới cao gấp 3-4 lần so với dân số chung.

Các dấu hiệu cảnh báo của ung thư vú gồm khối u trong mô vú, đau, sưng, dịch tiết từ núm vú, sự thay đổi đột ngột về kích thước hoặc hình dạng của vú. Tuy nhiên, do sợ bị kỳ thị nên nhiều người chuyển giới bỏ qua những triệu chứng ban đầu này, dẫn đến chẩn đoán muộn và giảm cơ hội điều trị thành công.

Theo bác sĩ, mỗi cá nhân đều có tình trạng sức khỏe và nhu cầu hormone khác nhau, vì vậy loại và liều lượng hormone cần được điều chỉnh liên tục bởi các bác sĩ có kinh nghiệm. Điều này đặc biệt quan trọng với người đã trải qua phẫu thuật chuyển giới, vì liệu pháp hormone cần được cá nhân hóa cho các giai đoạn trước và sau phẫu thuật.

Các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là với ung thư và các bệnh tim mạch, là cần thiết cho người chuyển giới. Bác sĩ khuyến nghị kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 3-6 tháng để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn. Việc kiểm tra ung thư, đặc biệt là ung thư vú, nên được thực hiện 1-2 lần mỗi năm, cùng với việc tránh các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc, rượu và ô nhiễm môi trường.

Liệu pháp hormone là phần không thể thiếu trong cuộc sống của người chuyển giới, nhưng nếu không có sự quản lý y tế đúng cách, nó có thể dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe. Đột quỵ và ung thư chỉ là hai trong số nhiều biến chứng có thể xảy ra từ việc tự ý sử dụng hormone. Để giảm thiểu các nguy cơ này, điều quan trọng là phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, thực hiện các kiểm tra sức khỏe định kỳ, và nâng cao nhận thức về những nguy cơ tiềm ẩn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022