Một nhan sắc rạng rỡ, khuôn mặt xinh đẹp, ưa nhìn là nhu cầu của nhiều chị em. Vì thế, không ít người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó phẫu thuật nâng mũi chiếm tỷ lệ cao. Sở dĩ phẫu thuật nâng mũi được ưa chuộng bởi chỉ cần thay đổi hình dáng chiếc mũi có thể cải thiện 70% sắc diện khuôn mặt. Dù là thủ thuật nhỏ, phẫu thuật chỉnh sửa mũi vẫn có thể xảy ra biến chứng nếu không làm chủ được kỹ thuật.
Từ những năm 1960, 1970, kỹ thuật thẩm mỹ mũi bằng silicon dẻo đã ra đời và được sử dụng đến nay. Khoảng năm 2007, kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc được du nhập và phát triển mạnh tại Việt Nam. Đây là kỹ thuật chỉnh hình mũi mới, có can thiệp đến sụn, xương, cấu trúc nền để giúp mũi đẹp.
Theo bác sĩ Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP HCM, hiện nay, số lượng ca phẫu thuật chỉnh sửa lần hai, lần ba tăng lên nhiều. Với phẫu thuật mũi, ông thống kê được hơn 1/3 trường hợp phải sửa chữa lại do hỏng, biến chứng hay không vừa ý kết quả làm đẹp.
"Trước đây, tỷ lệ sửa chữa lại biến chứng khoảng 5% trên tổng số ca phẫu thuật mũi của tôi. Năm 2014 khoảng 20%, 2015 tăng lên 25%, đến năm 2016 là 30%. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2017, con số này đã tăng lên 35%. Chúng tôi đã chữa nhiều trường hợp biến chứng mũi trong thời gian qua", bác sĩ Lê Hành chia sẻ.
Theo ông, biến chứng do phẫu thuật add on (đặt lên trên sống mũi) sửa chữa khá dễ. Nhưng với những trường hợp trước đó đã sửa mũi bằng phương pháp tái cấu trúc (can thiệp sâu vào cấu trúc mũi như lấy vách ngăn, sụn, đục xương…) khi xảy ra biến chứng sửa lại rất khó khăn, kết quả thẩm mỹ không cao.
Về kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc
Sự ra đời kỹ thuật thẩm mỹ mũi tái cấu trúc được xem là bước tiến mới. Phương pháp này không chỉ giúp chị em có được một chiếc mũi đẹp và hiện đại hơn mà còn giúp các bác sĩ sửa chữa nhiều mũi biến chứng. Tuy nhiên, nếu không thực hiện đúng kỹ thuật, làm không đúng chỉ định cũng có thể để lại biến chứng nặng nề.
Những mũi biến chứng nặng, bẩm sinh gồ, vẹo, thấp hay mũi bị tật đều có thể chỉnh sửa được bằng phẫu thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc. Đây là một bước tiến mới trong chỉnh hình mũi thẩm mỹ tại Việt Nam hiện nay.
Những biến chứng mũi thường gặp
Tùy loại thủ thuật và kỹ thuật nâng mũi, các biến chứng có mức độ khác nhau.
Biến chứng do chích silicone lỏng: silicone lỏng từ lâu bị cấm sử dụng trong ngành thẩm mỹ bởi những biến chứng của nó như: viêm, mô hạt, biến dạng cơ quan bị chích, nhất là mũi và xâm lấn ra vùng khác, viêm sưng, đỏ, gây đau đớn. Hậu quả này đôi khi khiến bệnh nhân mặc cảm, tự tách ly xã hội. Để làm phẫu thuật sửa chữa những trường hợp này rất khó khăn.
Biến chứng do đặt thanh độn bằng silicone để nâng mũi: còn được gọi là kỹ thuật đặt lên trên (add on) tức là đặt thanh silicone dẻo dài lên trên từ sống mũi đến đỉnh mũi để nâng cao sống mũi. Kỹ thuật này phù hợp với một số mũi có sống đủ dài nhưng chóp mũi thấp. Bạn có thể sở hữu chiếc mũi đặt thanh silicone dẻo đẹp, lâu dài với điều kiện đúng kỹ thuật và chỉ định đúng. Tuy nhiên, không ít người gặp biến chứng mỏng da, lộ sống và đỉnh mũi. Da mỏng dần đổi thành màu đỏ, xanh tím và thậm chí da bị thủng lòi thanh sống ra ngoài. Bao xơ co thắt bao quanh thanh độn làm mũi ngắn lại.
Biến chứng do chỉnh hình mũi tái cấu trúc: kỹ thuật này can thiệp quá sâu vào cấu trúc mũi có thể khiến mũi bị co rút, biến dạng, vẹo lệch, mất tiểu trụ, lệch cánh mũi…
Hình ảnh bác sĩ Lê Hành đang phẫu thuật tại bệnh viện ở Hàn Quốc. |
Nguyên nhân gây ra biến chứng
Thủ thuật, phẫu thuật mũi được chia thành 3 loại: phẫu thuật xâm lấn - cắt vào da, tới xương; ít xâm lấn - cắt qua lớp da; không xâm lấn.
Theo bác sĩ Lê Hành, nguyên nhân chính gây ra biến chứng với phẫu thuật xâm lấn phần lớn là do bác sĩ trực tiếp thực hiện. Chỉ bác sĩ phẫu thuật được đào tạo bài bản, được cấp phép mới được làm thủ thuật xâm lấm. Vì thế, chỉnh hình mũi thẩm mỹ thuộc loại có xâm lấn, chỉ bác sĩ được đào tạo mới được phép làm.
Thứ nhất, bác sĩ được đào tạo đầy đủ mới có chỉ định đúng, phù hợp. Ví dụ, chiếc mũi như thế nào mới áp dụng phương pháp ấy? Những chiếc mũi hơi cao, không ngắn lắm chỉ cần đặt một thanh độn silicone là có thể đẹp, nhưng với chiếc mũi quá ngắn, quá thấp mà lại sử dụng thanh độn dễ dẫn đến biến chứng.
Thứ hai, chỉ định đúng nhưng tay nghề của bác sĩ có thực hiện được không, có nhẹ nhàng và ít gây tổn thương không.
Thứ ba, cơ sở của bác sĩ đó có trang bị đầy đủ để bảo vệ bệnh nhân khỏi nhiễm trùng hay không, bởi trong phẫu thuật thẩm mỹ, khâu vô trùng và khâu săn sóc hậu phẫu rất quan trọng.
Thứ tư, bác sĩ đó có mắt thẩm mỹ hay không, phải biết thế nào là chiếc mũi đẹp, phù hợp với khuôn mặt khách hàng.
Tóm lại, biến chứng xảy ra là do người làm chứ không phải do vật liệu hay cơ địa bệnh nhân không hợp với vật liệu.
Khắc phục biến chứng phẫu thuật nâng mũi
Những biến chứng sau phẫu thuật đều có thể sửa chữa bằng kỹ thuật mổ tái cấu trúc. Tuy nhiên, chiếc mũi từng sửa hỏng khó sửa lại đẹp như làm lần đầu.
Kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc và kỹ thuật đặt lên trên được đào tạo bài bản tại Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ của trường Đại học Phạm Ngọc Thạch. Để làm các kỹ thuật này, bác sĩ cần có kinh nghiệm, cần phải có thời gian được kèm cặp mới có thể tự làm được. Nếu để bác sĩ chưa vững tay nghề thực hiện có thể gây biến chứng.
Với chiếc mũi xấu, nhiều người trở nên mặc cảm và có xu hướng tách biệt xã hội. Những mũi đã bị biến chứng thì việc sửa lại gặp nhiều thách thức, dễ rơi vào trường hợp biến chứng nối tiếp biến chứng.
Những biến chứng sau phẫu thuật có thể sửa chữa bằng kỹ thuật mổ tái cấu trúc. |
Bổ sung kiến thức làm đẹp mũi
Trước khi quyết định làm đẹp, bạn cần chuẩn bị đủ kiến thức. Bác sĩ Lê Hành cho biết khách Việt kiều, người nước ngoài thường nghiên cứu và hiểu rõ vấn đề mình sẽ làm. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhiều người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ do được truyền miệng mà ít tìm hiểu kỹ.
Để biết đâu là địa chỉ tin cậy, bạn cần dựa trên nhiều cơ sở: tìm hiểu xuất thân của bác sĩ trực tiếp phẫu thuật; được đào tạo ra sao, tìm hiểu những nhân chứng sống đã được bác sĩ đó phẫu thuật, kết quả có đẹp và ưng ý không, càng nhiều nhân chứng sống càng tốt. Theo bác sĩ Lê Hành, chị em nên lưu ý 3 điều sau:
Bệnh nhân: phải an toàn về sức khỏe, tâm lý, hiểu rõ mong muốn của mình và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ.
Bác sĩ giỏi: có tay nghề vững vàng, nhiều kinh nghiệm, càng làm nhiều càng ít biến chứng.
Cơ sở uy tín: bạn cần tìm đến các cơ sở được nhà nước cấp phép và đáp ứng mọi điều kiện về vô trùng, cấp cứu, dụng cụ, nhân sự…Phải hiểu rõ ràng, cụ thể địa điểm mà mình sẽ đến để phẫu thuật.
Bạn phải hiểu rõ ước muốn của mình trước. Khi đến làm đẹp, cần miêu tả chiếc mũi mình muốn làm. Nếu là bác sĩ có kinh nghiệm sẽ biết chiếc mũi bạn mong muốn có phù hợp với xuất phát điểm hay không; phẫu thuật có dễ không; bác sĩ có khả năng phẫu thuật thành công hay không; quyết định áp dụng kỹ thuật mổ nào...
Nếu mũi ngắn bẩm sinh, da mũi quá mỏng mà cố gắng kéo dài ra, nâng cao lên bằng phương pháp đặt thanh silicon dẻo dễ dẫn đến mỏng da, lộ sống, lâu dài có thể thủng da. Chiếc mũi như vậy nên áp dụng kỹ thuật chỉnh hình mũi tái cấu trúc như dùng sụn vách ngăn, sụn vành tai, sụn sườn hay vật liệu nhân tạo như Gore-Tex (ePTFE), Medpore ( HDPPE)…
Bác sĩ Lê Hành chia sẻ thêm: "Khi hiểu rõ những điều trên, bác sĩ sẽ chọn làm đẹp cho bạn dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm. Bên cạnh đó, bác sĩ cần đưa ra lời khuyên, hướng dẫn chị em chăm sóc hậu phẫu, tái khám thường xuyên. Cần theo dõi lâu dài bằng hồ sơ lưu trữ hình ảnh, bệnh sử. Tại phòng khám của tôi, hồ sơ bệnh nhân được lưu trữ từ hàng chục năm nay".
Bác sĩ Lê Hành