Việc bổ sung collagen thường được coi là an toàn đối với đa số người nhưng phụ nữ mắc một số bệnh lý nhất định cần thận trọng hoặc tránh dùng collagen, đặc biệt là dạng bổ sung (viên, bột, nước). Dưới đây là các trường hợp cụ thể.
1. Bệnh lý về thận (suy thận, viêm cầu thận, sỏi thận)
Collagen là protein, khi tiêu hóa tạo ra sản phẩm chuyển hóa như ure và creatinine - làm tăng gánh cho thận. Theo Tiến sĩ Jessica B. Cording, chuyên gia dinh dưỡng tại New York, Mỹ, tiêu thụ protein bổ sung, bao gồm collagen, có thể làm tổn hại thêm chức năng lọc thải của thận, gây tích tụ độc tố trong cơ thể. Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ năm 2021 cũng chỉ ra việc bổ sung quá mức protein từ thực phẩm chức năng có thể làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh thận mạn tính ở những người đã có tổn thương thận trước đó. Vì vậy, phụ nữ mắc bệnh lý về thận cần đặc biệt cẩn trọng, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung collagen.
2. Bệnh lý về gan (viêm gan, xơ gan, suy gan)
Gan là cơ quan chính xử lý chất đạm. Việc bổ sung collagen có thể gây áp lực cho gan, đặc biệt nếu gan đã ở trong tình trạng suy yếu. Tiến sĩ Rachel Wong, chuyên gia về bệnh gan tại Bệnh viện Đại học Queensland, Australia, cảnh báo bổ sung collagen khi gan không thể xử lý protein hiệu quả có thể làm tăng nguy cơ tích tụ ammonia trong máu, dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh hoặc nặng hơn là hôn mê gan.
3. Bệnh rối loạn chuyển hóa (gout, phenylketon niệu...)
Collagen chứa nhiều axit amin như glycine, proline, hydroxyproline, có thể làm tăng acid uric, gây bùng phát cơn gout. Những người mắc bệnh chuyển hóa bẩm sinh không dung nạp một số loại axit amin có trong collagen. Tiến sĩ Sarah Jackson, bác sĩ nội khoa tại Trường Y Harvard, cho biết người bị gout cần cẩn thận với mọi nguồn bổ sung protein, đặc biệt từ thực phẩm chức năng không rõ liều lượng như collagen. Các đợt gout cấp tính có thể được kích hoạt chỉ vì một vài ngày dùng không đúng cách.

Cần cẩn trọng khi sử dụng collagen dạng viên uống, bột hay gel, kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần.
4. Dị ứng với protein động vật (cá, bò, heo)
Nhiều sản phẩm collagen hiện nay chứa protein động vật, có thể gây dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn nếu người dùng dị ứng với protein động vật.
5. Rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu
Collagen có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành mô và mạch máu, tương tác với thuốc chống đông. Phụ nữ có tiền sử rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
6. Ung thư hoặc tiền sử ung thư
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, bệnh nhân ung thư cần tránh sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào nếu chưa có sự chấp thuận của bác sĩ điều trị, bao gồm cả collagen. Điều này nhằm tránh tương tác với thuốc điều trị hoặc gây ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy, collagen gây ra ung thư, việc bổ sung thực phẩm chức năng trong quá trình điều trị bệnh cần được cân nhắc. Một số bác sĩ lo ngại collagen - đặc biệt là loại chiết xuất từ da cá hoặc động vật - có thể chứa hormone hoặc kim loại nặng nếu không được sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Khuyến nghị khi sử dụng collagen bổ sung:
- Luôn đọc kỹ thành phần và nguồn gốc sản phẩm.
- Hỏi ý kiến bác sĩ nếu đang có bệnh nền hoặc đang dùng thuốc.
- Ưu tiên sử dụng collagen thủy phân (peptide) dễ hấp thu và ít gây gánh nặng chuyển hóa.
- Nên ưu tiên thực phẩm tự nhiên giàu collagen như nước hầm xương, cá hồi, trứng và đậu nành... thay vì lạm dụng thực phẩm chức năng.
Vienne (Theo India Express)