Tia UVB gây cháy nắng, tổn thương bề mặt da. Còn tia UVA xuyên qua da sâu hơn, gây tổn thương da dẫn đến rám nắng, cháy nắng cũng như đẩy nhanh tốc độ lão hóa da. Các bước sóng ngắn nhất của tia UVA cũng góp phần gây cháy nắng. Cả hai loại tia này đều gây ung thư da. Do đó, sản phẩm chống nắng hiệu quả nên là loại có thể bảo vệ da khỏi cả hai tia này.

Để biết kem chống nắng có chỉ số SPF/PA bao nhiêu phù hợp với mình và cần chú ý tới các yếu tố nào khi đọc nhãn mác, hãy tham khảo bài viết dưới đây.

1. SPF

SPF - Sun Protection Factor - là thước đo khoảng thời gian kem chống nắng có thể bảo vệ làn da khỏi tia UVB - loại tia cực tím gây mẩn đỏ, cháy nắng, tăng nguy cơ ung thư da. Lấy chỉ số SPF x 10 để tính ra thời gian (số phút) da được bảo vệ trước tia UVB. Vì thế, kem chống nắng SPF 15 sẽ có tác dụng bảo vệ da trong khoảng 150 phút.

Theo lý thuyết, độ SPF càng cao, thời gian bảo vệ càng lâu. Tuy nhiên, đây chỉ là ước tính trong môi trường phòng thí nghiệm. Thời gian bảo vệ của kem chống nắng trên thực tế còn phụ thuộc loại da, cường độ ánh sáng mặt trời, lượng kem sử dụng. The Skin Cancer Foundation khuyến nghị hàng ngày nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF từ 30 trở lên và ưu tiên SPF 50 trở lên nếu ở ngoài trời trong thời gian dài.

download-2025-05-19T104234-337-3532-1515-1747627041.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=I07SJO_H7FoqvA2Vy44NUw

Mức SPF tối thiểu để sử dụng hàng ngày được các chuyên gia khuyến nghị là SPF 30+.

2. PA

PA - Protection Grade of UVA - là chỉ số bảo vệ da trước tia cực tím UVA. Dù cả UVA và UVB đều có hại cho da, tia UVA là mối đe dọa cao hơn vì phần lớn trong số chúng chạm tới mặt đất. Loại tia này xuất hiện suốt cả ngày, quanh năm. Bạn thấy ánh sáng ban ngày vào lúc nào, tia UVA có mặt lúc đó. Tia UVA với bước sóng dài có khả năng xuyên qua bề mặt da tác động đến lớp hạ bì, khiến da mất độ đàn hồi, gây nám và lâu ngày sẽ dẫn đến ung thư da. Khả năng bảo vệ da của chỉ số chống nắng PA được chia làm 4 cấp độ:

PA+: Có khả năng chống tia UVA 40 - 50%

PA++: Có khả năng chống tia UVA 60 - 70%

PA+++: Có khả năng chống tia UVA 90%

PA++++: Có khả năng chống UVA 95 - 98%

Không phải sản phẩm kem chống nắng nào cũng có cả hai chỉ số SPF và PA. Phần lớn chỉ các sản phẩm kem chống nắng phổ rộng mới chứa cả hai chỉ số này.

3. Broad Spectrum

Ở một số sản phẩm, thường không thấy chỉ số PA hay SPF trên bao bì mà thay vào đó là Broad Spectrum. Ký hiệu này có nghĩa đây là kem chống năng quang phổ rộng, bao gồm cả SPF và PA, có thể bảo vệ da trước tia UVA, UVB trong cùng một sản phẩm.

4. Kem chống nắng vật lý - hóa học

download-2025-05-19T104011-541-7591-3691-1747627042.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=87tu3ZHRNzIuwrGk7WoqXw

Cơ chế hoạt động của kem chống nắng vật lý (trái) và kem chống nắng hóa học.

Trên thị trường hiện có hai loại kem chống nắng phổ biến là hóa học và vật lý. Kem vật lý hoạt động bằng cách tạo ra một rào cản trên da phản xạ tia UV. Thành phần chính trong loại kem chống nắng này là titan dioxit và kẽm oxit nên có thể để lại vệt trắng trên da.

Kem chống nắng hóa học hấp thụ vào da và tạo ra các phản ứng hóa học đẩy lùi tia UV. Nó có một số thành phần gồm avobenzone, homosalate, octocrylene, octinoxate, octisalate và oxybenzone. Một số loại kem chống nắng hiện nay kết hợp cả thành phần hóa học và vật lý trong một sản phẩm.

5. Khả năng kháng nước

Các ký hiệu như water-resistant, sweat-resistant cho biết sản phẩm có thể duy trì hiệu quả trong một thời gian nhất định khi người dùng đổ mồ hôi hoặc dùng khi bơi lội. Tại Mỹ, FDA cho phép các sản phẩm được dán nhãn chống nước nếu chúng có thể duy trì ít nhất 50% SPF sau 40 - 80 phút tiếp xúc với nước. Các sản phẩm chống nắng được dán nhãn này phần lớn là các loại chuyên dụng dành cho hoạt động ngoài trời.

download-2025-05-19T105016-051-6159-8205-1747627042.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Lh0wWVwWuvgmkIBwa2dbMg

Nên lựa chọn kem chống nắng quang phổ rộng, có khả năng kháng nước khi làm việc, hoạt động nhiều giờ ngoài trời.

>> Xem thêm: Kem chống nắng SPF 2,4 của chồng Đoàn Di Băng bị thu hồi

Duk Sun (Theo The Skin Cancer Foundation)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022