Sau nửa đầu năm đơn hàng sụt giảm mạnh với mức khoảng 40%, ngành gỗ nội thất có tín hiệu nhích dần lên từ tháng 7, khi mỗi tháng tăng trưởng 2-5% so với tháng liền trước. Đến tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ 2022. Nguyên nhân là sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu còn yếu do kinh tế bất lợi, bất động sản căng thẳng vì mặt bằng lãi suất cao.
Còn chưa đầy hai tháng nữa là kết thúc năm, mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD của ngành gỗ nội thất gần như không thể hoàn thành. "Dự kiến đến hết năm nay, kim ngạch có thể đạt 13,5 tỷ USD nếu tình hình tiếp tục thuận lợi (tốt dần lên) như hiện tại", ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) nhận định tại sự kiện ngày 17/11.
Dù không cán đích đề ra, nếu xuất khẩu cả năm đạt 13,5 tỷ USD vẫn là kết quả tốt hơn giai đoạn trước dịch, tức từ 2020 trở về trước và chỉ kém hơn các năm 2021, 2022. Đây là giai đoạn Covid-19 ảnh hưởng khiến nhiều người ở nhà, có nhu cầu tân trang không gian sống hoặc đổi nơi ở.
Đối diện khó khăn nhưng ngành gỗ vẫn là ngành xuất khẩu thuộc nhóm chủ lực của nhóm nông - lâm - ngư nghiệp, theo ông Khanh. Đến nay, Việt Nam có hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp gỗ và nội thất. Khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu đến từ thị trường Mỹ.
Một sự kiện nội thất tại TP HCM tháng 4/2022. Ảnh: Viễn Thông
Do đó, khi dự báo tình hình năm 2024, ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc công ty Danh Mộc, Phó chủ tịch Hawa nói có thể nhìn vào triển vọng thị trường Mỹ để thấy những tín hiệu tích cực.
Một là "Báo cáo bán lẻ mùa thu năm 2023" của Colliers mới đây cho biết gần 49% chuỗi bán lẻ ở Mỹ có kế hoạch mở rộng trong 5 năm tới. Và tính đến tháng 9, doanh số ngành bán lẻ nước này tiếp tục tăng ngay cả khi người tiêu dùng phải đối mặt với nhiều áp lực kinh, theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia. Đây là những tín hiệu có thể kỳ vọng cho bán lẻ nội thất.
Hai là với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm dần lãi suất cơ bản từ đầu 2024, lãi suất vay thế chấp mua nhà khả năng giảm từ mức khoảng 8% hiện tại xuống còn 6% cuối năm sau, giúp thị trường bất động sản khởi sắc.
"Ở Mỹ, bất động sản là dấu hiệu cho thấy sự ấm lên của thị trường nội thất", ông Phương nói. Theo ông, có dự báo rằng từ cuối quý II/2024, tình hình kinh doanh sẽ tốt lên nhờ lãi suất giảm.
Ba là bản thân các doanh nghiệp gỗ nội thất Việt Nam cũng đang chủ động đón thời cơ từ đây đến giai đoạn đầu năm sau. Tháng 3/2024, cộng đồng này dồn lực với Hawa Expo 2024 - đại diện chính thức của ngành gỗ Việt Nam trong chuỗi Hội chợ Xuất khẩu Nội thất châu Á tháng 3 hàng năm.
Đây là lần tổ chức quy mô nhất từ trước đến nay, diễn ra đồng thời ở 3 địa điểm (2 tại TP HCM và một ở Bình Dương), quy tụ số lượng nhà triển lãm Việt Nam hơn 80% trong tổng số 700 doanh nghiệp.
Nếu hoạt động xúc tiến thương mại suôn sẻ, các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội chốt được nhiều đơn đặt hàng giai đoạn tháng 4-5/2024, cùng thời điểm bất động sản Mỹ có khả năng bớt căng thẳng vì lãi suất hạ, theo ông Phương.
Ngoài ra, theo quan sát của ông Khanh, có xu hướng các doanh nghiệp đang dần chuyển từ gia công sang làm hàng ODM (nhà sản xuất thiết kế mẫu và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng, thay vì làm theo mẫu có sẵn). Cách này cũng sẽ giúp tạo ra thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ nội xuất xuất khẩu thời gian tới.
Viễn Thông