Đề nghị trên được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu tại kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc, ngày 27/11.

Đáp lại, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào nói doanh nghiệp Việt Nam cần đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với hải quan nước này. Các cơ quan chủ quản hai nước cũng cần sớm kiểm tra đánh giá doanh nghiệp, vùng trồng để xuất khẩu mặt hàng này vào Trung Quốc.

Tôm hùm bông - mặt hàng đứng đầu giá trị kinh tế trong nhóm thủy sản Việt Nam - bị dừng nhập khẩu vào Trung Quốc hơn hai tháng qua - khiến giá rớt mạnh, ảnh hưởng tới các hộ nuôi tôm tại Phú Yên.

Nguyên nhân do vướng quy định mới tại Luật Bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc. Theo đó, với tôm hùm bông nuôi, nước này yêu cầu phải có chứng minh quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế́ hệ F2).

tom-hum-bong-jpeg-5309-1701093857.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NG3ynsP7ZRHDM9Z30ryZ5w

Tôm hùm bông tại cửa hàng hải sản ở TP HCM. Ảnh: Ganhhaisan

Nhà nhập khẩu các nước (gồm Việt Nam) muốn nhập mặt hàng này vào Trung Quốc sẽ phải xin cấp phép về Bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm hùm sang nước này đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Mỗi kg tôm hùm bông đang được các hộ nuôi bán với giá 1-1,3 triệu đồng, giảm một nửa so với cách đây hai tháng. Mức này cũng thấp hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hôm nay, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cũng cho biết nước này có nhu cầu lớn với nông sản chất lượng cao từ Việt Nam. Nhiều nông sản Việt được ưa chuộng, bán rất chạy trên một số nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. Ông dẫn ví dụ quả sầu riêng, sau 10 tháng mở cửa, loại trái cây này đã đạt gần 2 tỷ USD kim ngạch xuất sang Trung Quốc.

Ông Đào cũng cho biết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt xây dựng chỗ đứng, thương hiệu tại thị trường đông dân nhất thế giới. Cơ quan này đồng thời hỗ trợ Bộ Công Thương và ủng hộ lập các văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.

Trước các đề xuất của phía Trung Quốc, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẵn sàng phối hợp trong việc mở, nâng cấp và xây dựng cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn. Việc này nhằm nâng cao thuận lợi hóa thông quan, tăng hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nước này cũng là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Năm ngoái, kim ngạch thương mại Việt - Trung đạt gần 175,6 tỷ USD, tăng hơn 5% so với 2021.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất của nước ngày trong ASEAN. 10 tháng đầu năm nay, hàng Việt xuất sang Trung Quốc tăng trưởng khá, đạt gần 50 tỷ USD.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022