Vào tháng 9, Ủy viên phụ trách khí hậu của Liên minh châu Âu đặt câu hỏi: "Nếu Trung Quốc có thể lên mặt trăng, tại sao họ lại không đóng góp nhiều hơn cho các hành động chống biến đổi khí hậu?"

Câu hỏi của Wopke Hoekstra nhấn mạnh thêm cuộc tranh cãi sẽ bao trùm hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 11 tại Baku, Azerbaijan: Làm sao nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể vừa được xem là "phát triển" với công nghệ và khoa học tiên tiến, vừa được xếp vào nhóm "đang phát triển" và hưởng những ưu đãi về phát thải và quỹ tài chính toàn cầu?

Từ lâu, Trung Quốc và cộng đồng thế giới thừa nhận nước này là "siêu cường lai" (hybrid superpower). Bởi năng lực kinh tế, chính trị lẫn khoa học của họ xứng tầm vị thế siêu cường. Họ có nền kinh tế lớn thứ hai, kho vũ khí hạt nhân đang mở rộng và chương trình thám hiểm không gian quy mô lớn. Năm ngoái, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu nhất trí rằng không nên xem Trung Quốc là nước đang phát triển nữa.

Tuy nhiên, căn cứ để xác định là "nước đang phát triển" cũng thuyết phục, ít nhất là trên lý thuyết. Dù tăng trưởng ổn định những thập niên gần đây, thu nhập trung bình của Trung Quốc vẫn chưa đạt ngưỡng của các nước phát triển. Thượng Hải, Thâm Quyến quy tụ những người giàu nhất thế giới nhưng hàng trăm triệu người dân nơi khác vẫn sống dưới mức nghèo.

AFP-20240626-20499926278883246-7960-8404-1729682560.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DIv0xDAxgliyjx5KCKT8yA

Nhà máy thiết bị quang điện ở thành phố Liên Vân Cảng, Giang Tô, Trung Quốc, ngày 24/6. Ảnh: AFP

'Kim bài' siêu cường lai

Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Copenhagen năm 2009, các quốc gia phát triển - những nước đã được hưởng lợi hàng thập kỷ từ nền công nghiệp gây ô nhiễm - đồng ý đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm đến 2020 để hỗ trợ các hành động chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển.

Khi mục tiêu này hết hạn vào năm 2025, các quốc gia phải đưa ra cam kết mới tại Baku vào tháng sau. Liên Hợp Quốc ước tính cần 500 tỷ USD mỗi năm, trong khi nhà phân tích khác dự kiến cao hơn, dao động 1.000 tỷ đến 6.000 tỷ USD.

Với số tiền khổng lồ này, các nước phát triển - vốn còn đang gặp khó trong việc góp đủ mục tiêu hiện tại - thấy rằng phải huy động thêm bên ngoài. "Chúng tôi nghĩ rằng những quốc gia khác cũng có tiền và đã góp phần phát thải nên tham gia đóng góp", Jennifer Morgan, Đặc phái viên khí hậu của Đức nói.

Phương Tây đang hướng tới Trung Quốc. Tuy nhiên, vì là quốc gia đang phát triển nên nền kinh tế số hai thế giới không có nghĩa vụ đóng góp mà còn có thể sử dụng tiền từ quỹ để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, điều gây nhiều tranh cãi.

Vào 2022, trong nghiên cứu có tên: "Trung Quốc có còn là một quốc gia đang phát triển không? Và tại sao điều này lại quan trọng đối với năng lượng và khí hậu?", Philippe Benoit và Kevin Tu của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (CGEP) tại Trường Quan hệ Quốc tế và Công vụ (Đại học Columbia) từng đề cập.

"Thành công trong phát triển của Trung Quốc đã tạo ra một siêu cường lai đang làm thay đổi cục diện năng lượng và khí hậu toàn cầu, cùng nhiều vấn đề khác" nhóm tác giả nhận định. Theo họ, Trung Quốc không phải là cá biệt khi có đặc tính của nước phát triển lẫn đang phát triển. Hàn Quốc, Arab Saudi và Nga từng có song song hai loại thuộc tính này ở những giai đoạn nhất định trong quá khứ.

Tuy nhiên, khác biệt của Trung Quốc là đạt quy mô siêu cường, chiếm vai trò rất lớn trong mọi mặt toàn cầu. GDP của Trung Quốc lớn hơn nền kinh tế lớn thứ 3, thứ 4 và thứ 5 cộng lại, cụ thể là Nhật Bản, Đức và Anh. Trong 100 năm qua, chỉ Mỹ đạt cấp độ tương tự.

Nhưng Mỹ đã là nước phát triển nên phải có nhiều nghĩa vụ. Ví dụ nước này năm ngoái góp 9,5 tỷ USD quỹ khí hậu. Trong khi, kể từ khi thế giới có phân loại nước phát triển và đang phát triển vào năm 1940 - thời điểm lập ra Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đến nay là "siêu cường lai" duy nhất.

Theo Philippe Benoit và Kevin Tu, không có lĩnh vực nào mà vai trò của Trung Quốc đối với kết quả toàn cầu quan trọng hơn vấn đề biến đổi khí hậu. Thành công của cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát nóng lên toàn cầu phụ thuộc vào cách tiếp cận của Trung Quốc đối với việc khử carbon trong nước và quốc tế.

Trung Quốc chọn đóng góp riêng

Theo Bloomberg, phương Tây sẽ khó thuyết phục Trung Quốc đóng góp vào quỹ chung. Sau các cuộc trao đổi năm nay, Bắc Kinh vẫn không đổi lập trường, kiên quyết bảo vệ tư cách "đang phát triển" nhưng cam kết không rút tiền từ quỹ khí hậu toàn cầu để nhường cho các nước nghèo hơn.

Đồng thời, Bắc Kinh sẽ tăng chi tiêu để thúc đẩy các mục tiêu khí hậu toàn cầu nhưng theo cách riêng. "Thay vì bỏ tiền vào quỹ chung mà có ít quyền kiểm soát, họ sẽ thích chi tiền theo cách bản thân có nhiều quyền quyết định hơn", Yao Zhe, cố vấn chính sách toàn cầu của Greenpeace Đông Á tại Bắc Kinh nhận định.

Nhưng thách thức là Trung Quốc vẫn phải tìm cách thuyết phục các nước giàu tăng đóng góp cho quỹ chung theo lộ trình mà không cần họ ra tay. Ngoài ra, nước này cũng phải chứng minh được mình chi trả riêng nhưng công bằng, minh bạch, theo Shuang Liu, Giám đốc tài chính Trung Quốc tại Viện Tài nguyên Thế giới (Mỹ).

Theo thống kê của Liu và các đồng nghiệp, Trung Quốc đã phân bổ cho các nước nghèo hơn tổng cộng khoảng 45 tỷ USD các khoản có liên quan đến tài chính khí hậu trong thập niên tính đến 2022. Con số này bằng 6% tổng số tiền huy động của các nước phát triển, tương đương với đóng góp riêng của Anh và chỉ ít hơn Pháp, Đức, Nhật Bản và Mỹ.

Nghiên cứu từ Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston (Mỹ) cho biết các ngân hàng Trung Quốc cũng đầu tư mạnh ra nước ngoài vào các lĩnh vực vốn không được coi là tài chính cho khí hậu nhưng vẫn đóng vai trò trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Kể từ năm 2000, các nhà băng đã chi 34 tỷ USD cho các dự án thủy điện và 8,8 tỷ USD cho các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài.

Ngoài ra, còn có vốn tư nhân. Các gã khổng lồ về pin, xe điện và thiết bị điện mặt trời Trung Quốc như Contemporary Amperex Technology, BYD, Longi Green Energy Technology đang ngày càng đầu tư nhiều hơn ra nước ngoài. Theo tổ chức tư vấn Climate Energy Finance (Australia), tổng cam kết đã khoảng 100 tỷ USD rót ra nước ngoài tính đến đầu 2023.

2013-09-22T120000Z-1704450249-9725-9456-1729682560.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=azZEuVEE_0JhARI0PXewTQ

Một công nhân kiểm tra các tấm pin mặt trời tại trang trại năng lượng mặt trời ở Đôn Hoàng, Cam Túc. Ảnh: Reuters

Còn theo BloombergNEF, Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về chi tiêu cho quá trình chuyển đổi năng lượng của chính mình, với nguồn tài trợ cho công nghệ xanh tăng lên 675 tỷ USD vào 2023, gấp đôi so với nước đứng nhì.

Nhiều giải pháp hơn ngoài tiền

Tại Glasgow, lần đầu tiên tất cả quốc gia phát triển đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050. Các nền kinh tế quy mô lớn khác cam kết từng mốc khác nhau. Trung Quốc, Nga và Indonesia hứa Net Zero vào 2060, Ấn Độ vào năm 2070. Trung Quốc còn cam kết lượng khí phát thải sẽ đạt đỉnh trước 2030.

Tuy nhiên, chưa đủ để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào 2050 toàn cầu. Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Climate & Energy College (Đại học Melbourne, Australia), để kịp thì các nước phát triển phải Net Zero vào 2045 còn Trung Quốc là 2055.

Trong nghiên cứu "Trung Quốc, sự tan rã kinh tế toàn cầu, và thách thức biến đổi khí hậu" của học giả Ross Garnaut trên tạp chí Oxford Review of Economic Policy, cho rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho việc khử carbon ở cả hai phía. Điều này có thể diễn ra thông qua ba cách chính.

Đầu tiên, Trung Quốc cung cấp hàng hóa và công nghệ mới cho các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp. Thứ hai, những quốc gia có nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào với chi phí sản xuất thấp sẽ cung cấp cho Trung Quốc các sản phẩm không phát thải, được sản xuất từ năng lượng tái tạo.

Cuối cùng, Trung Quốc cùng với các nước phát triển khác cung cấp vốn, hàng hóa và công nghệ để hỗ trợ phát triển nền kinh tế không phát thải tại các nước đang phát triển. Nhờ vào những cơ chế này, chi phí cho việc khử carbon sẽ giảm, từ đó thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu.

Tháng 5/2023, sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh chưa bao giờ sử dụng vị thế "nền kinh tế lai" làm lá chắn để trốn tránh nghĩa vụ quốc tế hay bàn đạp để giành quyền lợi đặc biệt. Thay vào đó, Trung Quốc đã hết sức nỗ lực đóng góp vào hòa bình và phát triển thế giới.

Vị thế quốc gia đang phát triển của Trung Quốc cũng được công nhận bởi các cơ chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các thỏa thuận quốc tế như Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu và Nghị định thư Montreal về Các chất làm suy giảm tầng ozone.

Trong diễn biến mới đây, hôm 23/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các quốc gia hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi năng lượng toàn cầu, đặc biệt là các nước phát triển cần thực hiện cam kết và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xanh quốc tế.

Cơ quan này cho biết, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng hơn một nửa lượng tiêu thụ điện trong nước thông qua việc phát triển năng lượng sạch, chiếm hơn 40% sản lượng lắp đặt năng lượng tái tạo hàng năm của thế giới và giảm khoảng 3 tỷ tấn khí thải CO2.

Nước này cũng đã thiết lập thị trường carbon lớn nhất thế giới, thực hiện các dự án hợp tác năng lượng xanh với hơn 100 quốc gia và khu vực, xây dựng nhiều dự án thủy điện, điện quang và điện gió tiêu biểu tại các nước đang phát triển, và ngừng xây dựng các dự án điện than mới ở nước ngoài.

Phiên An (theo Bloomberg, CGEP, Oxford Academic, Xinhua)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022