"Kết quả kinh doanh quý I ở Indonesia khá tích cực với doanh thu hàng tháng cho mỗi cửa hàng có diện tích 400 m2 khoảng 4,5-5 tỷ đồng. Với mức này, chúng tôi sẽ có lãi nếu ở Việt Nam, còn tại Indonesia thì chưa vì chi phí đầu tư ban đầu khá cao", ông Đoàn Văn Hiểu Em - người đứng đầu mảng bán lẻ điện thoại và điện máy của Thế Giới Di Động - chia sẻ về Erablue trong phiên họp thường niên chiều qua.

Erablue là liên doanh giữa Thế Giới Di Động và Erafone Artha Retailindo, công ty con của nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ lớn nhất Indonesia. Liên doanh này thành lập cách đây một năm và đến nay có 5 cửa hàng bán lẻ điện máy.

Chia sẻ về lý do đặt cược vào thị trường Indonesia, ông Hiểu Em nói rằng bối cảnh mảng bán lẻ điện thoại và điện máy tại đây rất giống Việt Nam khoảng 10 năm trước. Khi đó, các cửa hàng truyền thống chiếm lĩnh thị trường với thị phần khoảng 50-60% và chưa có chuỗi bán lẻ nào khẳng định chỗ đứng vững chắc. Điện Máy Xanh bắt đầu bành trướng quy mô hiện diện và sau một năm đã trở thành nhà bán lẻ đầu tiên phủ khắp 63 tỉnh thành với doanh thu liên tục tăng trưởng ba chữ số. Ông kỳ vọng điều này sớm lặp lại tại Indonesia, qua đó giúp Thế Giới Di Động có động lực tăng trưởng doanh thu mới.

"Hai nhà bán lẻ lớn nhất tại Indonesia cộng lại chưa đến 100 cửa hàng và phần lớn đặt trong mall (trung tâm thương mại) nên mua sắm không thuận tiện. Chúng tôi chọn hướng ngược lại, mở Erablue trên đường vì nhận thấy tập quán mua sắm của người dân hai nước khá tương đồng. Điều này ngay lập tức được khách hàng đón nhận", ông Hiểu Em nói.

Còn theo quan điểm của Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài, dịch vụ mới là khác biệt lớn nhất giúp Erablue chiếm được cảm tình của khách hàng và cũng là điều công ty tự tin sẽ giúp họ đánh bại đối thủ tại thị trường này. Ông Tài phân tích, trước khi Erable ra đời, Indonesia chỉ có mô hình tư vấn và giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng, nếu khách mua, thông tin được chuyển cho đối tác (thường là nhà sản xuất) xử lý, vận chuyển và lắp đặt nên quy trình kéo dài nhiều ngày.

"Chúng tôi mang mô hình thành công ở Việt Nam qua đây, nên hiện giờ khách đặt buổi sáng, chiều có người đến lắp đặt", ông Tài nói.

MWG-3171-1681017626.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FblXdSRAvXPYg1SJ1x_wWw

Ông Đoàn Văn Hiểu Em và ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ về chuỗi điện máy ở Indonesia trong phiên họp thường niên ngày 8/4. Ảnh: Phương Đông

Ông Hiểu Em cho biết vẫn đang cùng đối tác tối ưu chi phí và hoàn thiện mô hình kinh doanh. Tốc độ mở cửa hàng Erablue dự kiến nhanh hơn từ giữa quý II năm nay, nhưng chỉ khi nào tìm ra công thức thành công thì mới tăng tốc như vũ bão.

Thế Giới Di Động kỳ vọng trong 5 năm tới sẽ có 500 cửa hàng tại Indonesia, chiếm 20-40% thị phần, mang lại doanh thu 2-4 tỷ USD mỗi năm tương tự lộ trình của Điện Máy Xanh đạt được ở Việt Nam. Ngoài ra, ông cho biết Thế Giới Di Động cũng sẽ tính đến khả năng IPO Erablue (phát hành công khai lần đầu ra công chúng) tại đây.

Trước đó, để dồn sức cho Erablue, Thế Giới Di Động đầu năm nay quyết định đóng cửa chuỗi Bluetronics ở Campuchia. Ban lãnh đạo công ty khi đó cho biết có hai rào cản khiến chuỗi này không thể nhân rộng ở Campuchia là quy mô thị trường nhỏ và chính sách thuế phức tạp. Tuy nhiên, Indonesia là một câu chuyện khác hoàn toàn.

Thứ nhất, theo ông Hiểu Em, thị trường điện thoại và điện máy ở Indonesia có quy mô khoảng 14 tỷ USD. Con số này lớn hơn nhiều so với Campuchia và thậm chí gấp đôi Việt Nam. Thứ hai, chính sách thuế ở đây minh bạch và đó là lợi thế cho Thế Giới Di Động. Chuỗi này có thể tránh được bài toán khó từng xảy ra ở Campuchia là bán giá cao kèm thuế sẽ kén khách, còn bán giá thấp để tăng doanh số thì không có lợi nhuận.

Phương Đông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022