Theo chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, nhiều người không hiểu rõ lãi suất thực khi vay tiêu dùng bằng phương pháp trả góp. Ví dụ món hàng có giá 100 triệu đồng, nếu chọn hình thức trả góp 12 tháng mỗi tháng 10 triệu đồng (tức tổng số tiền phải trả là 120 triệu đồng), họ vẫn nghĩ đang chịu mức lãi suất 20%.

Capture1234-PNG-9045-1679286085.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kNQKgG4IUOcShnaratDdhA

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni. Ảnh: Thanh Liêm

Thực chất, trong trường hợp người vay trả 120 triệu (gồm 100 triệu tiền gốc, và 20 triệu tiền lãi) vào cuối năm, thì họ được sử dụng 100 triệu đã vay suốt 12 tháng. Còn trong trường hợp trả góp thì người vay chỉ được sử dụng 100 triệu vào tháng đầu tiên. Qua tháng thứ hai, họ chỉ còn được sử dụng 90 triệu, qua tháng thứ ba, con số trên giảm còn 80 triệu... Như vậy lãi suất thực của trường hợp vay trả góp này là 2,92% mỗi tháng (lãi suất năm là 41,3% một năm).

Ông Chánh kết luận vay tiêu dùng để mua hàng trả góp bản chất là đang dùng tiền của tương lai để trả cho tiêu xài hiện tại và phải chịu mức lãi rất cao. Thay vì vay để mua những món hàng cao hơn nhiều so với thu nhập hàng tháng, thì người dân nên tạo ra khoản quỹ bằng cách tích cóp, tiết kiệm hàng tháng. Khi khoản này đủ tiền thì mới mua món hàng mình cần. Tuy chậm, nhưng lợi hơn nhiều so với việc vay tiêu dùng mua hàng trả góp.

Tác giả cuốn sách Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam nhấn mạnh rằng những người thu nhập chưa cao thì càng phải cần hiểu biết hơn về tài chính cá nhân. Tiền làm ra càng khó thì phải biết cách tăng thu nhập, thắt chặt quản lý, và biết tránh mất tiền oan khi vay mượn lãi suất cao, khi đầu tư sai.

Những người có thu nhập chưa cao cũng là nhóm đối tượng chịu nhiều tổn thương khi gặp những sự cố ngoài ý muốn như ốm đau, thất nghiệp, vì họ không có nguồn quỹ khẩn cấp, nguồn quỹ an toàn về tài chính. Theo kết quả khảo sát của Backbase tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tiền của Việt Nam cao nhất trong 10 nước châu Á - Thái Bình Dương.

closeup-shot-entrepreneur-work-8513-1675-1679286085.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qub1HhzXMA4IiPMzPrnupg

Quản lý tài chính cá nhân là việc làm cần thiết cho người thu nhập chưa cao. Ảnh: Freepik

Để quản lý tài chính hiệu quả, ông Chánh khuyên người trẻ cần có kiến thức tài chính cá nhân và biết cách xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp. Mỗi người nên bắt đầu bằng việc kiểm tra "sức khỏe tài chính" hiện tại thông qua việc lập và hiểu hai bảng báo cáo.

Bảng thứ nhất là báo cáo thu chi, tổng hợp các nguồn thu nhập và khoản chi tiêu, từ đó lên kế hoạch tăng thu nhập, cắt giảm các khoản chi lãng phí, các khoản chi tiêu không cần thiết, không quan trọng, nhằm tăng cường thu nhập ròng. Bảng thứ hai là bảng đánh giá tài sản ròng, liệt kê lại tất cả các loại tài sản mà mình đang sở hữu, tài sản thanh khoản, tài sản đầu tư, tài sản sử dụng... và các loại nợ vay và nợ không vay. Tổng tài sản trừ đi số nợ hiện có là tài sản ròng của cá nhân hay gia đình.

Bảng này là thước đo sẽ thể hiện việc quản lý tài chính trong quá khứ. Ví dụ một người đi làm 15 năm mà hiện có tài sản ròng ít hơn 6 tháng thu nhập ròng tức là cá nhân đang quản lý tài chính rất kém.

Những kiến thức và trải nghiệm về quản lý tài chính cá nhân như kiếm tiền với công suất cao nhất, sử dụng tiền khôn ngoan, tránh những cạm bẫy tài chính, các phương thức đầu tư để tích lũy tiền, cách đánh giá sức khỏe tài chính, cách đặt mục tiêu và lên kế hoạch để đạt mục tiêu cho người mới bắt đầu sẽ được chuyên gia Lâm Minh Chánh chia sẻ chi tiết tại chuyên đề "Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả" phát sóng trên eBox.

Ông Lâm Minh Chánh là Chủ tịch Học viện Kinh Doanh và Tài chính BizUni, đồng thời tham gia tư vấn, nằm trong ban giám khảo các chương trình Shark Tank Việt Nam, Startup wheels, Swiss Innovation, K Startup Grand Challenge. Ông Chánh tốt nghiệp MBA hạng ưu trường UTS và là chuyên gia nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về tài chính và đầu tư.

be5084f8-1677669176-4446-16784-8419-8198-1679286085.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YUG2tKIJNosQCbqW-65P2Q

Chuyên gia Lâm Minh Chánh (trái) và chuyên gia Phan Dũng Khánh (phải). Ảnh: NVCC

Đồng hành cùng ông Lâm Minh Chánh trong số eBox là chuyên gia tài chính độc lập Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư tại nhiều công ty lớn. Không chỉ cộng tác với nhiều tờ báo tài chính kinh tế lớn trong và ngoài nước, chuyên gia này còn là giảng viên, diễn giả về đầu tư tài chính cho nhiều công ty, tổ chức và các trường đại học.

Sẽ có 8 video được công chiếu vào 20h-22h ngày 29 và 30/3. Trong ngày 31/3, người tham gia có cơ hội hỏi đáp trực tiếp với hai diễn giả. Giá vé đang được ưu đãi còn 199.000 đồng, áp dụng đến hết 26/3 trước khi chuyển sang mức giá cao hơn là 319.000 đồng. Người đăng ký có thể xem lại toàn bộ nội dung nếu không sắp xếp tham dự đúng ngày.

Đăng ký vé eBox tại đây.

Quế Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022