"Họ không mua đủ xe, nông sản của chúng ta. Họ còn bán hàng triệu xe vào Mỹ. Không đâu, họ sẽ phải trả giá lớn", Trump đề cập đến EU trong cuộc vận động tranh cử tại bang chiến trường Pennsylvania, hôm 29/10. Trump cũng chỉ trích Đài Loan (Trung Quốc) vì lấy mất ngành sản xuất sản phẩm bán dẫn của Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử, cựu Tổng thống Mỹ đề xuất áp thuế 10-20% với hàng nhập khẩu từ các nước, riêng Trung Quốc là 60%. Các nhà kinh tế học cảnh báo việc này có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, châm ngòi cho lạm phát và các động thái trả đũa.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng cho biết trên Reuters rằng chiến tranh thương mại Mỹ - châu Âu khiến hai bên cùng thiệt.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania hôm 29/10. Ảnh: Reuters
Số liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy năm ngoái, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa EU. Kim ngạch thương mại hàng hóa, dịch vụ song phương khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Các ngành như máy móc, xe hơi và hóa chất chịu thiệt hại nặng nhất nếu bị tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ, do số sản phẩm này chiếm 68% hàng xuất khẩu của EU sang nước này năm ngoái. Đức - đầu tàu kinh tế của châu Âu - là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất, do các sản phẩm trên chủ yếu của doanh nghiệp nước này.
Theo báo cáo của Viện kinh tế IW (Đức), nếu Trump áp thuế nhập khẩu 20% với hàng từ EU, khối này cũng áp thuế trả đũa, GDP eurozone dự kiến giảm 1,3% năm 2027 và 2028. Tăng trưởng của Mỹ năm 2025 cũng hạ 1,3% và 1,5% nếu áp thuế lần lượt 10% và 20%.
Còn một tuần nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Trong các cuộc thăm dò gần đây, tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên là ông Donald Trump và bà Kamala Harris rất sít sao. Tại cuộc vận động tranh cử ở Washington hôm qua, bà Harris còn cảnh báo Trump là người "bất ổn, bị ám ảnh với việc trả đũa và luôn luôn than phiền".
Hà Thu (theo Reuters)