Tháng 11 này, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải quyết định có đánh thuế nhập khẩu với ôtô - một trong các ngành công nghiệp quan trọng nhất của châu Âu - hay không.

Mỹ đầu năm ngoái đã áp thuế nhập khẩu lên nhôm, thép từ Liên minh châu Âu (EU). Việc này khiến EU đáp trả bằng thuế 25% với 2,8 tỷ USD hàng Mỹ. Bên cạnh đó, hai bên vẫn còn bất đồng quanh vấn đề Airbus và Boeing.

Giới phân tích cho rằng nếu căng thẳng thương mại với châu Âu leo thang, Mỹ sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn là trong cuộc chiến với Trung Quốc. Tuần này, lãnh đạo G7 - 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới - cũng sẽ bàn bạc vấn đề thương mại trong cuộc gặp tại Pháp.

italy-2513-1566472369.jpg

Công nhân trong một nhà máy thép ở Angeli (Italy). Ảnh: NYT

"Mỹ và EU là dòng chảy thương mại song phương lớn nhất trên thế giới", Florian Hense - nhà kinh tế học tại Berenberg cho biết trên CNBC, "Nếu tính kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thương mại song phương Mỹ - EU cao hơn 70% so với Mỹ và Trung Quốc năm 2018."

Số liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho thấy năm 2018, Mỹ nhập khẩu gần 684 tỷ USD hàng hóa từ EU và gần 558 tỷ USD từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ xuất khẩu tới hơn 574 tỷ USD sang EU và chỉ 179 tỷ USD sang Trung Quốc.

Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom từng tuyên bố không muốn đánh thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, họ sẽ làm việc này nếu Mỹ hành động trước. "Chúng tôi sẽ có phản ứng nếu các quy tắc quốc tế bị xâm phạm", bà cho biết hồi tháng 6/2018. Kể từ đó, mỗi lần Mỹ dọa đánh thuế thêm với hàng châu Âu, Brussels lại soạn danh sách hàng hóa để chứng minh họ có thể phản đòn.

Dù vậy, cả Mỹ và châu Âu hiện đều không thể tiến hành chiến tranh thương mại. "Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc đã bắt đầu tác động lên sức khỏe nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này vẫn phải mất một thời gian, và một số tác động cũng đã bị trung hòa bởi môi trường kinh tế thuận lợi", Fredrik Erixon - Giám đốc hãng nghiên cứu chính sách ECIPE cho biết trên CNBC, "Nhưng Mỹ và châu Âu thì không thế. Cả hai nền kinh tế này đều đang chững lại, và tác động từ cuộc chiến thuế nhập khẩu có thể sẽ rất lớn".

Khu vực đồng euro chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý II. Tốc độ này chậm hơn so với 0,4% trong quý I. Hệ quả là Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã phải ra tín hiệu tăng kích thích sau mùa hè này.

Trong khi đó, Mỹ chỉ tăng trưởng 2,1% trong quý II, thấp hơn so với 3,1% quý I. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hồi tháng 7 thông báo hạ lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Chủ tịch Fed Jerome Powell tháng trước giải thích "các thách thức, như căng thẳng thương mại và mối lo về tăng trưởng toàn cầu, đã gây sức ép lên hoạt động kinh tế và triển vọng tăng trưởng".

Erik Jones - Giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins cho rằng mô hình kinh doanh của các công ty đa quốc gia đang bị đe dọa vì nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - EU. "Phần lớn hoạt động thương mại giữa hai nước diễn ra giữa các công ty hơn là hai chính phủ. Vì thế, khi áp thuế nhập khẩu, giá cả với người tiêu dùng sẽ tăng, chuỗi cung ứng sẽ thay đổi, như trong trường hợp Mỹ - Trung. Nhưng nó cũng sẽ gây gián đoạn mô hình kinh doanh của các công ty đa quốc gia lớn. Vì phần lớn các công ty này là của Mỹ, nó sẽ kéo tụt tăng trưởng tại đây", ông giải thích.

Theo cơ quan thống kê châu Âu, các sản phẩm Mỹ xuất khẩu nhiều nhất sang châu Âu năm ngoái là động cơ, máy bay và dược phẩm. Trong khi đó, nước này nhập khẩu nhiều nhất là ôtô, dược phẩm và sản phẩm y tế.

"Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu sẽ tạo ra nhiều thách thức hơn là Mỹ và Trung Quốc. Vì nó làm suy yếu các công ty đa quốc gia của Mỹ, thu hẹp quy mô thị trường, khiến họ phải bán tài sản ở nước ngoài, kéo theo cạnh tranh quốc tế tăng cao", Jones nhận xét, "Nói cách khác, nó sẽ đảo ngược tất cả lợi thế mà các chính phủ trước của Mỹ tạo ra từ sau Thế chiến II".

Hà Thu (theo CNBC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022