Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9/7 tại TP HCM khiến việc đi lại, phương tiện và hàng hóa lưu thông bị tắc nghẽn. Tại một số nơi, đường liên quận, huyện gần như bị khóa chặt.
Trong những ngày đầu giãn cách xã hội tại TP.HCM, lượng thực phẩm tươi sống xảy ra tình trạng khan hiếm. Ảnh: Tất Đạt
Việc lưu thông hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống tắc nghẽn khiến các nhà cung cấp và người dân gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Điều nay vô hình trung gây ra tình trạng hàng hóa trong thành phố khan hiếm, trong khi ở các tỉnh lân cận dư thừa.
Nhiều chợ tại TP HCM đóng cửa, chỉ cho một số tiểu thương bán hàng thiết yếu ngồi giãn cách. Trong khi đó, nhu cầu thực phẩm của người dân ngày một tăng cao, đặc biệt là những mặt hàng tươi sống đang khan hiếm. Do hạn chế đi lại, thời gian đi chợ theo quy định nên người dân những nơi phong tỏa thường tích trữ thực phẩm trong nhà. Nhiều siêu thị luôn rơi vào tình trạng trống trơn, "cháy" hàng.
Phương thức thương mại truyền thống không còn phù hợp trong bối cảnh này đối với các nhà bán hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm. Họ phải tìm hướng đi mới để duy trì doanh thu, nguồn cung và giữ chân khách hàng. Thương mại điện tử (TMĐT) chính là giải pháp tối ưu, đáp ứng được nhu cầu trên từ phía nhà bán hàng, cơ sở phân phối, đồng thời giúp cung cấp kịp thời nguồn thực phẩm đến với người dùng.
Anh Minh Tân, chủ gian hàng Foodmap Flagship Store trên LazMall của Lazada cho biết, từ đầu năm 2021 doanh nghiệp này đã ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng đơn hàng thực phẩm tươi sống và nông sản. Riêng trong thời gian giãn cách xã hội, sức mua tăng gấp 4, 5 so với bình thường.
Là gian hàng chuyên cung cấp các mặt hàng tươi sống trực tuyến nhiều năm qua, Foodmap đã lên sẵn những kịch bản phương án để đáp ứng khi sức mua tăng đột biến do giãn cách xã hội. Foodmap phối hợp chặt chẽ với Lazada và đơn vị logistics để đảm bảo về khâu xử lý đơn hàng và chuỗi cung ứng. Các bên đã thỏa thuận để có phương án tối ưu hóa thời gian giao hàng, đảm bảo độ tươi ngon và chất lượng cao nhất cho sản phẩm khi vận chuyển từ kho hàng Foodmap đến tận tay người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất.
Thương mại điện tử là giải pháp tối ưu của các nhà bán hàng thực phẩm tươi sống hiện nay để duy trì kinh doanh và cung cấp kịp thời nhu yếu phẩm đến với người dùng. Ảnh: Lazada Việt Nam
Khi TP HCM vừa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, các sàn TMĐT lớn lập tức tăng cường hỗ trợ chuẩn bị nguồn hàng, xây dựng các chương trình bán hàng thiết yếu đảm bảo không đứt gãy nguồn cung hàng hóa. Đồng thời, phía sàn cũng phối hợp cùng Sở Công Thương TP HCM tăng cường hỗ trợ nhà bán hàng thực phẩm, rau củ quả lên sàn nhanh chóng.
"Nhằm hỗ trợ nhanh cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ về rau, củ, quả, đội ngũ Lazada đã cố gắng rút ngắn thời gian mở gian hàng chỉ còn lại 3 giờ. Chúng tôi cũng có đội ngũ nhân viên hỗ trợ liên tục cho các nhà bán hàng để đảm bảo nhanh chóng đăng sản phẩm, cập nhật hàng tồn kho, dự báo tồn kho mỗi ngày để đảm bảo nguồn cung rau, củ, quả đều đặn", bà Đoàn Trang Hà Thanh, Quản lý Cấp cao Ngành hàng Bách hóa trên LazMall, Lazada Việt Nam chia sẻ.
Chỉ trong thời gian ngắn từ khi làn sóng dịch lần 4 bùng phát, số lượng nhà bán hàng thực phẩm tươi sống được hỗ trợ lên sàn Lazada tăng 150% so với cùng kì năm ngoái. Hiện, đã có hàng trăm nhà bán hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống và các thực phẩm khô đang hoạt động trên sàn Lazada để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng.
Trước sự hỗ trợ của sàn TMĐT, các nhà bán cũng tích cực phối hợp để đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời, không để đứt gãy nguồn cung đến người dân. Đơn cử Hoa Sen Việt vốn là nhà bán lẻ về mỹ phẩm và thời trang. Nhận được thông tin của Sở Công Thương TP HCM phát động, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh thực phẩm tươi sống trong mùa dịch, công ty này đã phối hợp để kinh doanh thêm mặt hàng rau, củ, quả cung cấp cho người dân tâm dịch trên sàn Lazada.
"Phía sàn Lazada đã tích cực hỗ trợ chúng tôi thủ tục mở gian hàng nhanh nhất, hỗ trợ tất cả phí, làm sao để người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa. Ngoài ra, họ còn phối hợp hỗ trợ thay đổi quy trình làm việc mỗi ngày, trong cả phương thức giao hàng, nhận hàng lẫn marketing. Nhu cầu của người dân rất lớn, riêng ngày đầu tiên, công ty đã nhập 3 tấn rau củ quả. Ban đầu, chúng tôi nhận được khoảng 1.000 đơn nên phải xử lý cấp tốc dẫn đến luống cuống trong việc phân loại, đóng gói. Sau đó, mọi người cũng sắp xếp các quy trình tốt hơn.", bà Đoàn Thị Anh Thư, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen Việt chia sẻ.
Hoa Sen Việt được được hỗ trợ lên sàn TMĐT nhanh chóng và tích cực cung cấp rau củ quả đến người dùng thông qua công nghệ và dịch vụ logistics của sàn. Ảnh: Hoa Sen Việt
Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết, sau 3 tuần tham gia chiến dịch, Hoa Sen Việt bán được trung bình 1.5 tấn một ngày, đáp ứng 500-1.000 đơn mỗi ngày. Dựa vào lượng hàng và đơn hàng, Hoa Sen Việt nhận thấy thành quả lớn nhất đạt được là đáp ứng đúng nhu cầu khẩn thiết của người dân. Tất cả nhân viên trong công ty đều xem đây là chương trình thiện nguyện nên rất hào hứng, có thể góp sức chống dịch cùng cả nước.
Không chỉ TP HCM mà nhiều địa phương khác cũng đang rơi vào tình trạng này, khi mà tình hình dịch đang lan rộng, khó kiểm soát. Lúc này, hoạt động thương mại điện tử vẫn được nỗ lực duy trì để đảm bảo cung ứng hàng hóa đến người dân.
Vai trò của các sàn thương mại điện tử càng trở nên rõ nét, đóng góp công sức đáng kể giúp thực phẩm không bị ứ đọng, lưu thông phục vụ người dân trong vùng giãn cách, đồng thời duy trì kinh doanh và thu nhập ổn định của các nhà bán hàng trong giai đoạn khó khăn. Điều này góp phần hoàn thành "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Thư