Hình thái phân bổ nguồn cung chuỗi cung ứng của Hà Nội tương tự TP HCM, khi khoảng 85% hàng đến từ hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh và chỉ 25% từ hệ thống siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi.

Tại TP HCM, khi phát sinh dịch, các chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa, gây sức ép phục vụ dồn về các siêu thị còn lại ở thành phố.

Còn ở Hà Nội, chuỗi cung ứng hàng hoá cho hơn 10 triệu người dân Hà Nội cũng nguy cơ "lung lay" khi đến ngày 4/8, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh dừng hoạt động. Các chợ đầu mối đang tạm đóng cửa như phía Nam, Minh Khai, chợ Long Biên... đều là những nơi trung chuyển, tập kết phần lớn hàng hoá nông sản, thực phẩm cho thủ đô.

Ngoài chợ, đầu tuần này, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng phải đóng cửa sau khi phát hiện chùm ca bệnh tại Công ty Thực phẩm Thanh Nga, nhà cung cấp thịt bò cho loạt siêu thị, cửa hàng thực phẩm...

diem-ban-hang-luu-dong-aeon2-j-9215-7915-1628108400.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=USPAH4Asck4XH_q27Bujrg

Người dân chọn mua hàng tại một điểm bán lưu động tại quận Long Biên, ngày 4/8. Ảnh: Giang Huy.

Trước tính hình đó, để không bị đứt gãy như TP HCM, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam góp ý, Hà Nội cần kích hoạt ngay kịch bản lập chợ đầu mối tạm, chợ đầu mối dã chiến, hay kho trữ hàng dã chiến tại các khu đất trống trong nội thành hoặc ở các quận ngoại thành như Long Biên, Gia Lâm... Việc này giúp thay thế cho các chợ đầu mối đóng cửa, giúp các tiểu thương có nơi tập kết, luân chuyển hàng, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Việc tổ chức chợ đầu mối dã chiến, theo bà Hậu, phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiểu thương muốn bán tại chợ dã chiến phải nghiêm túc tuân thủ các biện pháp 5K, bán hàng giãn cách hay phải có test nhanh Covid-19 âm tính mới được vào chợ...

"Mỗi ngày lượng hàng từ các tỉnh về Hà Nội lên tới hàng trăm nghìn tấn các loại. Chậm lập chợ đầu mối dã chiến, hàng hoá ùn tắc, sẽ khiến giá tại các chợ dân sinh bị đẩy cao họ tiểu thương lấy hàng khó khăn", Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nói.

Nhìn chung, theo chuyên gia, để tránh lặp lại bài học tại TP HCM, Hà Nội vẫn nên mở lại chợ đầu mối, nhưng vận hành theo cách khác bình thường.

"Khu vực chợ có ca F0 tiếp xúc gần thì khoanh vùng, cách ly. Khu vực khác trong chợ an toàn thì vẫn nên mở cửa với điều kiện siết chặt phòng dịch", bà Hậu nói và tin rằng, khi một trong số chợ đầu mối được khởi động lại, mối lo đứt gãy chuỗi cung ứng hàng cho Hà Nội được giải toả.

Ông Hoàng Tiến Sỹ - Giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối Minh Khai, chợ mới đóng cửa từ 1/8 do có ca mắc Covid-19, cho biết, ngay sau khi có lệnh tạm ngưng hoạt động, ban quản lý hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con tiểu thương lấy hàng ra khỏi chợ, giải phóng hàng và tiêu thụ. Trước khi bị phong toả, mỗi đêm chợ đầu mối Minh Khai trung chuyển khoảng 450-500 tấn nông sản cho thủ đô.

Phương án mở lại chợ an toàn đang được ban quản lý chợ dự thảo, trên cơ sở tuân thủ quy định phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế. Tức là, mua - bán hàng tại chợ sẽ tổ chức theo một chiều (vào, ra khác nhau). Người làm việc, bán hàng tại chợ sẽ xét nghiệm Covid-29 bằng test nhanh kháng nguyên hàng tuần, có kết quả âm tính mới được vào chợ kinh doanh.

Giãn cách giữa hộ bán, gian hàng tại chợ để đảm bảo khoảng cách an toàn phòng dịch. Chợ khuyến khích các tiểu thương đổi sang hình thức bán hàng qua điện thoại, thanh toán chuyển khoản, giao hàng tận nơi... giảm tiếp xúc trực tiếp tối đa.

"Chúng tôi đang tính phương án tận dụng khu đất trống cạnh chợ hoặc sân trống làm nơi tập kết hàng, giãn cách bà con tiểu thương, kẻ vạch, chia ô giãn cách người bán, người mua", ông Sỹ chia sẻ với VnExpress.

Thời điểm mở lại chợ đầu mối Minh Khai phụ thuộc vào quyết định của cấp có thẩm quyền trên cơ sở phương án đề xuất của ban quản lý và đánh giá an toàn phòng dịch tại chợ.

Để nguồn cung hàng hoá thiết yếu không bị đứt gãy, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội ngày 4/8 cho biết, Sở này đang tìm các nơi đất trống, bến xe đang dừng hoạt động, sân vận động hay các chợ chưa hoạt động hết công suất... tại các cửa ngõ ra vào Hà Nội, để làm nơi trung chuyển hàng hoá, giãn cách cho các chợ đầu mối đang tạm đóng. Phương án nữa được Sở Công Thương Hà Nội nhắc tới, là chia nhỏ các điểm tập kết, các điểm bán hàng để không làm đứt gãy nguồn cung.

Trong khi tìm địa điểm để lập trạm trung chuyển, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đang cùng các doanh nghiệp mở các điểm bán lưu động tới từng cụm dân cư.

800 điểm bán hàng thiết yếu đã được hệ thống VinShop đưa vào hoạt động tới các xã, phường. Dự kiến 472 điểm bán hàng thiết yếu tại các bưu cục thuộc Bưu điện Hà Nội cũng sớm được vận hành. Hay Aeon Việt Nam cũng bắt đầu mở 5 điểm bán hàng lưu động tại quận Long Biên, Hà Đông và dự kiến tăng thêm vài điểm bán nữa trong những ngày tới.

"Hà Nội có 8.216 điểm bán hàng bình ổn được công khai và sẽ kích hoạt khoảng 2.500 điểm bán hàng lưu động nếu tình hình diễn biến dịch tại Thủ đô phức tạp hơn nữa", bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói.

Về lượng hàng, nhiều hệ thống phân phối đã tăng trên 50% hàng dự trữ so với ngày bình thường. Bà Lan cho rằng, người dân không nên quá lo lắng vì thương nhân vẫn có thể phân phối hàng hoá qua nhiều kênh. Hiện, các kênh bán trực tuyến, qua sàn thương mại điện tử, điện thoại, hay bán hàng combo, đi chợ hộ... đều đã được đẩy mạnh, giảm tải cho kênh bán trực tiếp truyền thống.

Anh Minh

Hoài Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022