Đây là một trong các giải pháp để tăng quản lý thị trường tín chỉ carbon được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong chỉ thị đưa ra ngày 2/5.

Từ những năm 2000, các chương trình, dự án tạo, trao đổi tín chỉ carbon theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) được triển khai. Đến nay, có hơn 300 chương trình đăng ký, trong đó một nửa được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới. Việc này đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ.

Số dự án được cấp tín chỉ carbon chủ yếu là sản xuất năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá, thời gian qua có nhiều thông tin chưa đầy đủ, chính xác về thị trường, cơ chế quản lý tín chỉ này, nhất là hoạt động tạo và quản lý tín chỉ carbon từ rừng.

Để tăng quản lý, Thủ tướng yêu cầu các bộ, nghành sớm có kế hoạch giảm nhẹ phát thải nhà kính từng cấp, lĩnh vực. Trong đó, Bộ Tài nguyên và môi trường lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon. Bộ cũng quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon. Việc này nhằm triển khai thí điểm và phát triển thị trường trong nước, trao đổi với quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng địa phương có rừng sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng, đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng ở cấp quốc gia, vùng, địa phương tới 2030, tính đến 2050. Đây là cơ sở xác định tiềm năng giảm phát thải, hấp thụ carbon từ rừng và trao đổi tín chỉ với quốc tế. Bộ cần hoàn thành công việc này trước 31/10.

DJI-0695-JPG-2840-1714709466.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9RFovvG5oEeymY3Os3mLLg

Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), tháng 12/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Thực tế, theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường), việc bán tín chỉ carbon rừng sẽ góp phần tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc bán tín chỉ carbon rừng cần thận trọng.

"Các địa phương có rừng cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định tỷ lệ đóng góp về lượng hấp thụ khí nhà kính từ rừng, đảm bảo mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia trước khi bán ra ngoài", ông Cường nói.

Cũng theo ông, tín chỉ carbon là hàng hóa có thời hạn sử dụng, giá phụ thuộc vào loại hình dự án tạo ra tín chỉ đó. Vì thế, việc xác định bán hay giữ tín chỉ cần thận trọng, cân nhắc nhiều yếu tố để đảm bảo hiệu quả.

Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon. Đơn cử từ rừng với hơn 14,7 triệu ha rừng, độ che phủ 42%, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha. Các chuyên gia lâm nghiệp lượng hóa với diện tích này, rừng hấp thụ gần 60 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Theo lộ trình, Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch thị trường carbon vào năm 2025, vận hành chính thức vào 2028.

Gia Chính

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022