Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 28/10 dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - UAE tại thành phố Dubai.
Việc Việt Nam - UAE nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA), theo Thủ tướng sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước.
Ông cho biết Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo, xây dựng trung tâm tài chính tại TP HCM, Đà Nẵng, xe điện...
Lãnh đạo Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp UAE đầu tư vào các lĩnh vực này và khẳng định bảo vệ quyền lợi để các nhà đầu tư làm ăn hiệu quả, lâu dài. Việt Nam cũng cam kết đủ điện và không thiếu sóng viễn thông cho quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tọa đàm doanh nghiệp ở Dbbai ngày 28/10. Ảnh: Nhật Bắc
Trước đó, trong tuyên bố chung Việt Nam - UAE, hai bên cam kết mở rộng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chế biến nông sản. UAE sẽ chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về xây dựng trung tâm tài chính và đầu tư vào Trung tâm tài chính Việt Nam tại TP HCM.
Tháng 10/2023, Chính phủ lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban này. Đề án định hướng phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực và TP HCM là tâm tài chính quốc tế.
Theo dự thảo TP HCM đưa ra đầu năm 2022, mô hình trung tâm tài chính gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh. Thành phố đưa ra lộ trình triển khai trung tâm tài chính quốc tế theo 3 giai đoạn đến năm 2030.
Để triển khai, thành phố xây dựng 4 chương trình hành động. Theo đó, TP HCM sẽ phát triển Fintech, ngân hàng số và giao dịch tài chính số; hội nhập khu vực cho trung tâm tài chính; phát triển khu tài chính - thương mại Thủ Thiêm và thị trường hàng hóa.
Ông Thani Bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương của Bộ Kinh tế UAE tại tọa đàm doanh nghiệp ở Dubai. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu tại tọa đàm, ông Thani Bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương thuộc Bộ Kinh tế UAE, đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn về thị trường, có thể hỗ trợ UAE lâu dài về mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực.
Ông Abdul-Aziz Abdulla Al Ghurair, Chủ tịch Phòng Thương mại Dubai, cũng đánh giá Việt Nam là nền kinh tế năng động, có vị trí chiến lược, đối tác then chốt của UAE.
Hiện UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai nước đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng xấp xỉ 6% so với 2022. Theo thống kê của phía UAE, thương mại hai nước năm 2023 đạt 8,8 tỷ USD, trong 9 tháng đầu năm 2024 vượt 6 tỷ USD.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngoài giao thông vận tải, hai nước đang kết nối nhanh chóng về lĩnh vực viễn thông, trí tuệ nhân tạo. "Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội kết nối hai nền kinh tế, con người và doanh nghiệp hai nước", Thủ tướng nói.