Tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 21/1 vừa có cuộc đối thoại chính sách với bà Gillian Tett - MC nổi tiếng, kiêm Trưởng ban biên tập tạp chí tài chính uy tín hàng đầu thế giới Financial Times. Đây là 1 một trong 5 phiên đối thoại chính sách với các nhà lãnh đạo được WEF đánh giá có tầm ảnh hưởng và truyền cảm hứng. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, hôm 21/1.

54280312385-2aa8c5cdaa-k-17375-7438-3962-1737534677.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dajPcG1qTO6U9WaIP2ITKQ

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên đối thoại đặc biệt ở WEF Davos cùng MC Gillian Tett hôm 21/1. Ảnh: WEF

Một chủ đề chính của cuộc đối thoại là về đổi mới sáng tạo. Đánh giá về bối cảnh quốc tế hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh kỷ nguyên thông minh là một kỷ nguyên mà chính trị ổn định, không có chiến tranh; kinh tế phát triển nhanh nhưng phải bền vững, môi trường phải được bảo đảm và không ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, kỷ nguyên thông minh phải đi đôi với phát triển trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu.

Để chuẩn bị cho kỷ nguyên này, ông cho biết Việt Nam phát triển trí tuệ nhân tạo dựa trên cơ sở dữ liệu trong nước, từ đó nỗ lực thúc đẩy đầu tư và huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng. Dự kiến trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ hoàn thành vào giữa năm nay.

"Hiện Việt Nam trở thành đối tác quan trọng về hợp tác nghiên cứu, cũng như điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu như Samsung, Nvidia", ông chia sẻ.

Trước câu hỏi về khả năng cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược, ông Chính nhấn mạnh Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.

"Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và giải quyết các vấn đề mà các đối tác quan tâm. Việt Nam mong muốn tăng cường nhập khẩu và hợp tác trong các lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh như hàng không, công nghệ cao", Thủ tướng phản hồi trước các quan ngại về thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ.

Thủ tướng cho biết phía Việt Nam đã thảo luận với phía Mỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi trực tiếp với Tổng thống Trump, có những nội dung có thể công bố nhưng cũng có những nội dung còn đang trong quá trình thảo luận.

Sau đó, bà Gillian Tett hỏi Thủ tướng có kế hoạch tới dinh thự Mar-a-Lago của ông Donald Trump và chơi golf với Tổng thống không. "Nếu chơi golf mà mang lại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cho đồng bào thì tôi không ngại và tôi sẵn sàng", Thủ tướng trả lời.

Bà Gillian Tett cho hay các nhà đầu tư nước ngoài rất ấn tượng với quá trình chuyển đổi nền kinh tế trong suốt 4 thập kỷ cải cách, khi Việt Nam duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian dài và thu hút lượng lớn các dự án FDI. Việt Nam cũng duy trì được sẽ ổn định tài chính, tiền tệ và tăng trưởng GDP trên 7% trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 vẫn khó khăn.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng tối thiểu 8% và tăng trưởng kinh tế hai chữ số trong những năm tiếp theo. "Với mục tiêu tăng trưởng hai con số thời gian tới, Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu của phát triển trên thế giới", nhà báo tại Financial Times chia sẻ.

Việc Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cao, phấn đấu từ 10% trở lên, trong những năm tới để trở thành nước có thu nhập cao vào 2045. Trong đó, từ nay đến 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để Việt Nam đạt mục tiêu này.

54279011202-2b8fc406fc-k-17375-7201-9203-1737534677.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jrrfxTHGkMoEY5cqbt71Uw

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên đối thoại chính sách đặc biệt ở WEF Davos, Thụy Sĩ hôm 21/1. Ảnh: WEF

Riêng lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, ông cho biết Việt Nam đang tăng tốc hoàn thiện thể chế nhằm khơi thông nguồn lực phát triển năng lượng tái tạo. Dự án điện hạt nhân cũng được khởi động để bảo đảm nguồn cung năng lượng sạch cho phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang dự WEF lần thứ 55 với chủ đề "Hợp tác vì kỷ nguyên thông minh" tại Davos ngày 21-22/1 theo lời mời của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab. WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989.

Anh Tú

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022