Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền và Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu phát triển điện hạt nhân, sửa Quy hoạch điện VIII để phù hợp thực tế.

fdfb4db9-f8e7-462e-9652-493c5b-5934-5023-1729682152.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KeNRek0KeawZt_FxAUtunw

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời tại họp báo, ngày 23/10. Ảnh: MOIT

Tại họp báo ngày 23/10, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết cơ quan này đang nghiên cứu lại thực tiễn để đánh giá việc có nên triển khai dự án điện hạt nhân không. "Sau khi cấp có thẩm quyền đồng ý về chủ trương, quy trình cụ thể về đầu tư nguồn điện này sẽ được đưa ra", ông nói.

Trong trường hợp phát triển nguồn năng lượng này, ông Tân cho hay, quan điểm là sẽ lựa chọn công nghệ thế hệ mới đã được áp dụng thực tiễn. Mục tiêu nhằm đảm bảo tối đa an toàn, đưa rủi ro về bằng 0.

Theo Thứ trưởng, thế giới đang phát triển điện hạt nhân ở giai đoạn công nghệ thứ ba, thứ tư. "Chúng tôi đang nghiên cứu và thấy vài phương án", ông nói.

Phát triển điện hạt nhân hiện không được đề cập trong Quy hoạch điện VIII. Song, trong báo cáo gửi các bộ ngành đề nghị góp ý cho dự thảo sửa quy hoạch này đầu tháng 9, Bộ Công Thương có nhắc đến phát triển các nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ (SMR).

Theo Bộ này, các lò phản ứng module nhỏ có công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng một phần ba công suất phát của các lò truyền thống. Các nhà máy này sản xuất lượng điện có hàm lượng carbon thấp, thời gian xây dựng ngắn (khoảng 24-36 tháng). Việc này sẽ giúp tăng hiệu quả của các nguồn điện tái tạo, góp phần chuyển đổi năng lượng sạch, giúp các quốc gia giải quyết mục tiêu phát triển bền vững.

32 quốc gia trên thế giới đang dùng nguồn năng lượng hạt nhân để phát điện. Mức này bằng 9,1% lượng điện năng của thế giới trong năm ngoái. Do đó, cơ quan này cho rằng "có thể xem xét" nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng cỡ nhỏ, gồm nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai, tại Việt Nam.

Trước đây, Việt Nam từng tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhưng dự án này đã dừng theo quyết định tại Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội. Năm 2022, khi giám sát về việc thực hiện nghị quyết này của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế từng đề xuất xem xét phát triển loại năng lượng này trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.

Theo đại diện Bộ Công Thương, kinh nghiệm quốc tế cho thấy điện hạt nhân có vai trò quan trọng, là nguồn điện nền cho phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, các nước đều nghiên cứu tăng gấp đôi, ba lần sản lượng và quy mô nguồn điện này. Tại Nhật Bản và Pháp, ước tính tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 20-25%.

"Bộ Công Thương cho rằng phát triển trong thời gian tới là rất cần thiết, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững", ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết thêm.

Phương Dung

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Điện lực (sửa đổi), chiều 21/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

">

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022