Chiều 23/10, thừa ủy quyền Chính phủ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình Quốc hội về bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank).

Theo đó, Chính phủ đề nghị tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này gần 20.700 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông Nhà nước. Số tiền này lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lãi còn lại năm 2021. Vốn điều lệ dự kiến rót thêm cho Vietcombank gần bằng lợi nhuận hợp nhất trước thuế nửa đầu năm nay của nhà băng này.

Việc bổ sung vốn cho "ông lớn" ngân hàng quốc doanh được Phó thủ tướng nhấn mạnh là cấp thiết để duy trì tỷ lệ vốn góp Nhà nước, phù hợp chiến lược phát triển kinh tế xã hội, tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém.

Phó thủ tướng cho biết, phần lợi nhuận còn lại lũy kế hết năm 2018 và lãi còn lại 2021 hiện được hạch toán theo dõi tại VCB, chưa nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước. Do vậy, nguồn vốn đề xuất tăng cho ngân hàng này không ảnh hưởng tới kế hoạch dự toán thu chi ngân sách 2024-2025.

Ho-Duc-Phoc-23-10-6943-1729668518.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r4pv6gi-71xp0-i1UIFtwQ

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đọc tờ trình bổ sung vốn cho Vietcombank, ngày 23/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Vốn điều lệ của Vietcombank hiện là 55.891 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với VPBank (79.339 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng) và không có sự cách biệt lớn so với một số ngân hàng thương mại cổ phần như MB (52.871) tỷ đồng, ACB (44.667 tỷ đồng) và SHB (36.629 tỷ đồng).

Ngoài ra, việc tăng vốn nhằm để ngân hàng này đáp ứng các tỷ lệ an toàn tối thiểu. Tính tới cuối 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng này là 11,05%, đảm bảo quy định. Tuy nhiên, mức này thấp hơn các ngân hàng thương mại cổ phần (VPBank, MB là 12-13%; Techcombank 13-15%...) và các nhà băng trong khu vực (Singapore là 17,1%, Indonesia 23,27%...).

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng đề xuất tăng vốn cho Vietcombank bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ lấy ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài Ngân hàng Mizuho Corporate Bank - đơn vị nắm 15% vốn điều lệ của Vietcombank. Việc này nhằm thuận lợi trong quá trình tăng vốn. Chính cũng cần bổ sung thêm thông tin hiện trạng vốn của Vietcombank so với các ngân hàng thương mại trong hệ thống hiện nay.

"Có ý kiến đề nghị làm rõ nhận định nguồn vốn đề xuất để tăng vốn điều lệ không tác động đến ngân sách Nhà nước", ông Thanh cho biết.

tru-so-VCB-8200-1729668518.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=z4EtKGgKE3TJpHWgKJeJaQ

Trụ sở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: VCB

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan xử lý phần lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023 (lần lượt là 21.680 tỷ và 25.009 tỷ đồng), nhằm tăng năng lực tài chính cho Vietcombank, bù đắp mức thiếu hụt vốn tự có, bảo đảm an toàn hoạt động.

Cơ quan thẩm tra lưu ý vốn được bổ sung cho Vietcombank cần được dùng để mở rộng kinh doanh, cung ứng tín dụng với các lĩnh vực, dự án quan trọng quốc gia quy mô lớn, giảm lãi suất cho vay, cũng như đổi mới mô hình quản trị, chất lượng dịch vụ của nhà băng này.

"Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động việc bổ sung vốn Nhà nước cho Vietcombank tới phát triển của ngành ngân hàng, hiệu quả kinh tế xã hội", Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Vietcombank là một trong 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, bên cạnh BIDV, VietinBank và Agribank. Ngân hàng này do Nhà nước sở hữu 74,8% vốn điều lệ. Lũy kế nửa đầu năm nay, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của nhà băng này đạt 20.835 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2023. Với dữ liệu này, Vietcombank tiếp tục đứng đầu toàn hệ thống ngân hàng về lợi nhuận 6 tháng đầu năm. Đây cũng là mức lãi nửa đầu năm cao kỷ lục của nhà băng này.

Tính đến 30/6, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối 2023. Trong đó, cho vay khách hàng gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 7,8%.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022