Theo báo cáo tình hình kinh doanh mới đây, An Khang có 387 nhà thuốc hoạt động vào cuối tháng 7, giảm 94 điểm bán so với cuối tháng 6. Thực tế đến nay, chuỗi bán lẻ dược phẩm này chỉ còn 343 nhà thuốc. Nếu tính từ đầu năm, Công ty mẹ Thế Giới Di Động (MWG) đã đóng cửa 184 nhà thuốc, tương đương giảm 35% điểm bán trong mạng lưới của chuỗi này.

Trong cuộc họp nhà đầu tư mới đây, CEO Đoàn Văn Hiểu Em nói đây là quá trình tái cấu trúc tương tự các chuỗi "đàn anh, đàn chị" trong hệ sinh thái của MWG. Hệ thống này đang xem xét, đánh giá tính hiệu quả kinh doanh của từng nhà thuốc để đóng cửa những điểm không mang lại nhiều doanh thu hoặc có lợi nhuận kém. Ban lãnh đạo dự kiến đến cuối năm, chuỗi này chỉ còn khoảng 300 cửa hàng.

nhathuoc-an-khang-quynhtran-15-7235-9580-1724380406.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ob7qJkPrErt-VaVQoif3sQ

Một nhà thuốc An Khang tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Hiểu Em đánh giá bán lẻ dược phẩm là một ngành đặc thù và chuỗi có hai yếu tố then chốt cần cải thiện là tính sẵn sàng, đầy đủ về lượng thuốc so với nhu cầu khách hàng và trình độ của dược sĩ. Hiện tại, mỗi nhà thuốc ghi nhận doanh thu trung bình hơn 500 triệu đồng một tháng. Ban lãnh đạo ước tính chuỗi này sẽ hòa vốn cấp độ cửa hàng khi tích lũy đủ doanh thu trung bình mỗi điểm bán trên 550 triệu đồng một tháng.

Về dài hạn, An Khang thu hẹp số lượng cửa hàng để vận hành với chi phí thấp nhất. Sau đó, MWG sẽ nỗ lực hoàn thiện mô hình kinh doanh của chuỗi để hướng tới điểm hòa vốn và có lời. Nếu có thể "đem tiền về cho mẹ", chuỗi bán lẻ dược phẩm này mới tính đến chuyện tăng tốc, mở rộng về sau.

An Khang tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang, được MWG mua lại từ năm 2017. Thời gian qua, chuỗi bán lẻ này chưa ghi nhận lợi nhuận dương. Sau giai đoạn cao điểm của cuộc đua mở mới, họ lỗ lần lượt hơn 306 tỷ và gần 343 tỷ đồng trong 2022-2023. Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc này vẫn âm hơn 172 tỷ, nâng mức lỗ lũy kế lên gần 834 tỷ đồng.

Doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài từng tham vọng mở tới 2.000 cửa hàng vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, họ đã ngừng mở nhà thuốc mới để điều chỉnh mô hình kinh doanh, trước khi tiến hành mở rộng mạng lưới.

Dù vậy, theo SSI Research, lợi nhuận của An Khang vẫn chững lại, biên lãi trước thuế -15% trong năm ngoái và chỉ cải thiện lên mức -8% đến -10% trong nửa đầu năm nay. Đơn vị phân tích này cho rằng nguyên nhân là cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. SSI Research dự báo chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ chịu khoản lỗ 339 tỷ đồng cả năm nay.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022