"Lô này là quà tặng đầu mùa, không nằm trong quyền lợi. 'Con nuôi' sẽ gửi về cho tôi 4 lần, khoảng 5 kg mỗi lần", Tiến kể.
Đến Nha Trang du lịch dịp Tết 2024, Trọng Tiến (quận 3, TP HCM) ghé thăm một vườn xoài dưới chân dãy núi Hòn Long, thị xã Ninh Hòa, theo giới thiệu của đồng nghiệp cũ. "Tôi thích du lịch nhà vườn nên nghe nói có địa điểm cho vào tham quan và nhận nuôi cây nên đến thử", anh kể.
Tiến được chủ nông trại chào đón và chia sẻ về ý tưởng cho nhận nuôi cây. Trong buổi chiều dạo vườn, anh được tùy ý chọn cây mình thích để làm "cha đỡ đầu". Sau khi chỉ định một cây xoài Tứ Quý tầm 6 tuổi, anh trả phí 750.000 đồng, với cam kết có tối thiểu 25 kg quả mỗi năm giao tận nhà. "Lô đầu đóng gói rất chỉn chu và chất lượng như tôi kỳ vọng", Tiến đánh giá.
Trọng Tiến đến tận vườn và chọn cây để nhận nuôi. Ảnh nhân vật cung cấp
Tương tự Tiến, tuần trước, Tấn Lộc (quận Tân Phú, TP HCM) nhận lô xoài đầu tiên từ cây mà anh nuôi ở cùng nông trại này. Bốn quả nặng 3 kg, gói trong thùng giấy, lót đệm rơm, đi kèm thông tin và hướng dẫn sử dụng.
Lộc nhận nuôi cây xoài vào tháng 1, là giống Tứ Quý trồng từ năm 2017. Cây có mã số kèm QR và tên anh treo trên thân. Anh có thể theo dõi hình ảnh, video cây mình nuôi trên website của nông trại.
"Vị xoài ngọt, thanh, phù hợp cho những buổi ăn xế tại văn phòng. Đồng nghiệp khen và hỏi tôi chỗ đặt mua", Lộc kể. Anh cho hay biết đến dự án qua video giới thiệu ngắn trên mạng xã hội. Ý tưởng nhận nuôi chinh phục anh từ đầu bởi lý do từng chơi trò chơi điện tử "Khu vườn trên mây".
"Ngày xưa trồng online thu hoạch ảo, còn giờ được trồng từ xa nhưng thu hoạch thật nên tôi rất thích", anh kể.
Nói với VnExpress, chị Nguyễn Thị Lê Na, Chủ nông trại EcoVi nơi cho nhận nuôi cây xoài, cho biết Lộc là một trong các khách hàng đầu tiên của dự án có tên "Cây xoài nhà tôi". Tháng 12/2023, dự án mở 3.000 cây xoài cho nhận nuôi theo năm, phí từ 600.000 đến 750.000 đồng mỗi cây, tùy giống và độ tuổi.
Ví dụ cây Lộc nuôi có phí 750.000 đồng, còn các cây xoài Australia trồng từ 2018 và xoài Tứ Quý trồng từ 2020 phí 600.000 đồng. Họ cam kết gửi lại sản lượng tối thiểu 20-25 kg tùy loại. Nếu cây ra không đủ thì bù từ nguồn cây dự trữ của nông trại, cao hơn thì gửi toàn bộ. Chị Na tiết lộ đã có 600 cây được nhận nuôi.
"Ưu điểm mô hình này là đảm bảo đầu ra cho nông dân, thay vì chờ đến ngày xoài chín mới liên hệ thương lái. Khi ấy, nhà buôn định giá được dựa vào cung cầu, còn tôi định giá sẵn và bán trước", chị Na khái quát ý tưởng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng dự án này đã và đang không dễ.
Tấn Lộc khui lô xoài đầu tiên ngày 13/5. Ảnh nhân vật cung cấp
Tìm cách bớt lỗ cho xoài sinh thái
Nguyễn Thị Lê Na không phải gương mặt mới trong giới startup nông nghiệp. Tại quê nhà Nghệ An những năm 2000, chị đã khởi nghiệp với mô hình trồng cam Kỳ Yến sinh thái tại Quỳ Hợp. Chị dùng thương mại điện tử bán trái cây từ sớm, từng có phiên livestream tiêu thụ được 72 tấn cam bóc Phủ Quỳ vào tháng 4/2021.
Những thành công đó tạo động lực để chị mở rộng nhân sự, từ 10 người ban đầu lên 5 lần, tham vọng bán được 1.000 tấn cam trực tuyến. Tuy nhiên, kế hoạch không thành do thiếu vùng nguyên liệu chất lượng kèm nhiều yếu tố khác.
Đó là cuối 2021, khi chị thừa nhận tâm trạng "khó diễn tả" nên tìm một nơi du lịch giảm căng thẳng và triển khai ý tưởng làng nông nghiệp sinh thái. "Đến và đi nhiều địa điểm ở Khánh Hòa, ngày đứng trên ngọn đồi mà giờ đã mua ở Ninh Hòa, tôi có cảm giác mình đã đến đúng nơi", chị kể.
Chú Bảy, người địa phương đã bán một phần đất cho chị, khi ấy sở hữu 8 ha xoài. "Ban đầu tôi nghĩ sẽ bán xoài cho chú. Nhưng chú canh tác theo kiểu cũ, dù bản thân muốn làm sạch hơn nhưng ngại chi phí tăng, bán không ai mua", chị kể.
Cuối cùng, chị Na đề nghị thuê lại vườn xoài trong 5 năm để chủ động thay đổi quy trình canh tác, xây dựng thương hiệu và bán hàng. Tên gọi "Xoài 7 Chơn" ra đời và đi kèm khó khăn. Theo cách trồng cũ, mỗi năm chú Bảy hái khoảng 100 tấn, còn chị thu chưa tới 20 tấn vào 2022, khi áp dụng quy trình sinh thái. Chi phí đội lên nhiều lần. "Xưa chỉ tốn vài triệu xịt cỏ mỗi năm, trong khi tôi thuê người phát cỏ 3 tháng một lần, tốn 10-20 triệu", chị kể.
Xoài vùng Ninh Hòa bán tại vườn thấp nhất từng 2.000 đồng mỗi kg và cao nhất tầm 11.000 đồng. Hàng năm, thương lái đề nghị mua 7.000-8.000 đồng mỗi kg đã là tốt. Trong tất cả kịch bản giá này, cách làm của chị Na đều lỗ.
Vì vậy, chị nghĩ ra nuôi ong để "lật ngược tình thế". Nhưng thay vì bán mật, chị cho khách nhận nuôi ong theo tổ, chu kỳ 5 năm. Bằng quan hệ với khách hàng lâu năm, 300 tổ có người nhận, thu về hơn một tỷ đồng. "Vườn xoài bán 100 tấn giá 5.000 đồng thì cũng được tầm 500 triệu đồng, giá tốt thì cùng lắm một tỷ, trong khi mình có ong mang thu nhập cho vườn rồi, chưa tính xoài", chị kể.
Nhưng không thể để ong cứu mãi mà phải tìm đầu ra ổn định cho cây, chị Na tiến tới cho nhận nuôi cả xoài. Một số khách quen và người trẻ ủng hộ nông nghiệp sinh thái là khách hàng đầu tiên, nhưng ý tưởng gặp nhiều thách thức.
Chị Nguyễn Thị Lê Na đứng cạnh cây xoài đã có người nhận nuôi, với bảng thông tin (màu cam) có tên người nhận, mã QR để kỹ thuật viên chụp ảnh và cập nhật vào hệ thống. Ảnh nhân vật cung cấp
Lận đận mô hình nhận nuôi cây
Mô hình nhận nuôi cây không mới, đã có từ trước Covid-19 tại Trung Quốc. Ví dụ 6.000 cây táo được nhận nuôi tại làng Nangou, ngoại ô thành phố Diên An, Thiểm Tây hồi 2021. Mỗi cây có phí 500 nhân dân tệ, cam kết tối thiểu giao 72 quả.
Hay tại Quý Dương (Quý Châu), chương trình nhận nuôi đất lúa tại làng Wayao có từ tháng 6/2022. Trong khi, mô hình nhận nuôi cây ở Việt Nam còn khá mới, chỉ xuất hiện mạnh nha và ít người biết đến. Do đó, "Cây xoài nhà tôi" cũng gặp ý kiến trái chiều. Một số lo dự án nhận tiền rồi biến mất. Số khác hồ nghi xoài do vườn mua gom, giao lại khi tới mùa để kiếm lời chứ không sinh thái thật.
"Có người nói chúng tôi lùa gà, lừa đảo, hay đa cấp đến vườn xoài, một phần vì dự án xuất hiện vào thời điểm niềm tin tiêu dùng bị lung lay bởi một số vấn đề", chị Na nói. "Tôi thật ra may mắn đã làm nông nghiệp 10 năm nên có khách quen hỗ trợ, nhưng nhân viên trẻ của mình nghe mắng thì tụt 'mood' (cảm xúc)", chị nói.
Để lấy niềm tin, chị ban đầu dựa vào khách quen, những người nhận nuôi cùng lúc 10 cây. "Tôi tận dụng niềm tin có sẵn, khi có người đã nhận nuôi rồi, tham gia và hài lòng thì sẽ giới thiệu cho người khác", chị nói. Nhưng chị thừa nhận đi đường dài không thể dựa vào uy tín cá nhân mà phải xây dựng năng lực vận hành, tiếp thị và nhất là công nghệ cho dự án.
Hiện người nhận nuôi có thể theo dõi hiện trạng cây qua ảnh và video trên website nhưng chưa thường xuyên được cập nhật do vẫn ghi hình thủ công cho từng cây. Do đó, trước mắt nông trại xây các cộng đồng cập nhật hiện trạng cây trên mạng xã hội để thông tin kịp thời, phục vụ nhu cầu cập nhật tin về cây của khách cần. Giải pháp dùng camera và cảm biến cập nhật vườn theo thời gian thực như cách làm ở Trung Quốc được nghĩ đến nhưng cần thời gian và năng lực tài chính.
Trọng Tiến (quận 3, TP HCM) đặt niềm tin vào tính trung thực nhưng lăn tăn về chi phí. Anh tốn 28.000 đồng để nhận lô xoài đầu tiên, số tiền đủ để anh đi mua xoài ngoài chợ.
"Tôi xem việc nhận nuôi cây như đầu tư cho ăn xoài cả năm. Nghĩa là giá nhận nuôi và phí vận chuyển cộng lại phải rẻ hơn việc đi mua 25 kg xoài. Hiện tôi thấy điều ngược lại nên mô hình khó thuyết phục số đông", Tiến đánh giá.
Trả lời vấn đề này, nông trại nói đang tiếp tục tìm cách tối ưu hóa quy trình để giảm chi phí. Sau khi nhận ưu đãi của đơn vị vận chuyển, nông trại cho biết tổng phí "ship" cả năm cho khoảng 4 lần giao xoài không quá 120.000 đồng.
Cùng với đó, chị Na dự đoán nhu cầu nhận nuôi cây vẫn lớn. "Tôi quan sát thấy nhiều người tiêu dùng có xu hướng thích 'lập trình sẵn', và muốn tránh câu hỏi 'hôm nay ăn gì?'. Do đó, khi có sẵn xoài do chính họ nuôi và đến ngày nhận thì họ đỡ phải nghĩ và sẵn rất sáng tạo chế biến", chị phân tích.
Tệp khách hàng chấp nhận chi tiêu cao hơn để có sản phẩm sạch, và được tự hào về "trách nhiệm" với con cái, dù đó cây cối hay nền nông nghiệp cũng được cho là đang mở rộng. Quyền lợi bổ sung khác là khách có thể đến vườn để thăm cây, du lịch cuối tuần dưới dạng du lịch sinh thái, tìm hiểu kiến thức làm nông.
Đầu xuân này, nông trại đã dựng một nhà sàn, trồng hoa kiểng, sẵn sàng làm nơi lưu trú, tổ chức dã ngoại cho các chủ cây khi đến. Từ TP HCM, "cha mẹ" của các cây xoài sống cách hơn 400 km có thể bay hoặc di chuyển cao tốc xuyên suốt đến thăm "con" cuối tuần và ở lại picnic. Thời gian đi đường bộ đã nhanh hơn, chỉ còn con đường dẫn vào nông trại vẫn gập ghềnh, chờ nâng cấp.
"Dự án cũng còn thách thức như vậy. Nhưng mình phải làm thật để chứng minh, dù ai nói gì đi nữa. Tôi hy vọng sớm đón nhiều gia đình trực tiếp đến thăm cây, tận mắt thấy và 'review' cho cộng đồng", chị Na nói.
Viễn Thông