Hành trình của Nike bắt đầu vào năm 1962. Khi đó, đồng sáng lập Phil Knight vừa hoàn thành chương trình MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) tại Đại học Stanford. Trước đó, ông đã tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Oregon. Đây được coi là hai trải nghiệm quan trọng định hình cho sự nghiệp của Knight sau này.

Ở trường Oregon, ông tham gia vào đội tuyển điền kinh của huấn luyện viên Bill Bowerman – đồng sáng lập Nike sau này. Bowerman luôn quan tâm đến việc tối ưu hóa giày cho học trò. Ông thường xuyên sửa giày cho họ sau khi học hỏi từ một thợ giày địa phương. Chính điều này đã khiến Knight ấn tượng.

Trong cuốn tự truyện "Shoe Dog" sau này, Phil Knight tiết lộ ông nảy ra ý tưởng về Nike nhờ "các đường chạy tại Oregon và các lớp học ở Stanford". Tại Stanford, Knight còn từng viết một bài luận về lý do giày chạy nên dời địa điểm sản xuất truyền thống từ Đức sang Nhật Bản – nơi có giá nhân công rẻ hơn. Ý tưởng này được coi là điên rồ ở thời điểm đó.

Nhưng sau khi tốt nghiệp, Knight đã có cơ hội thử nghiệm điều này. Luôn muốn làm doanh nhân, năm 1962, ông bay đến Nhật Bản, tìm một thương hiệu giày đủ tốt để hiện thực hóa ước mơ của mình. Tại Kobe, ông cuối cùng cũng tìm được hãng giày Onitsuka (hiện là Asics). Hai bên ký hợp đồng, và Knight bắt đầu nhập khẩu giày Tiger của họ để bán sang Mỹ với quy mô nhỏ.

Bowerman ủng hộ việc kinh doanh của Knight và góp vốn 50% vào công ty mới của cả hai - Blue Ribbon Sports (BRS). BRS thành lập năm 1964 với số vốn chỉ 1.000 USD. Knight thậm chí đã phải vay tiền từ cha mình.

Bill-Bowerman-and-Phil-Knight-9174-6445-1677339846.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Cdy6_UTwzPsRcplWknB0bg

Bill Bowerman (trái) và Phil Knight năm 1999. Ảnh: Nike

Ban đầu, Knight bán giày trên xe hơi với quy mô nhỏ để thử nghiệm. Rất nhanh sau đó, họ nhận ra người dùng có nhu cầu mua giày rẻ hơn mà vẫn có chất lượng cao, thay thế cho giày Adidas và Puma vốn đang thống trị thị trường. Cả hai sau đó liên tục tăng đặt hàng, cho đến khi phải thuê thêm người để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn.

Năm 1965, Bowerman đề xuất thiết kế giày mới cho Onitsuka, nhằm hỗ trợ người chạy tối đa. Thiết kế này nhanh chóng đem đến thành công, nhưng cũng là nguồn cơn gây rạn nứt mối quan hệ giữa BRS và nhà cung cấp Nhật Bản. Mẫu giày này được đặt tên Tiger Cortez, ra mắt năm 1967 và được ưa chuộng nhờ sự thoải mái, thiết kế thời trang.

Tuy nhiên, việc này cũng khiến quan hệ hai bên đi xuống. Knight cho rằng công ty Nhật Bản đang tìm cách phá bỏ hợp đồng độc quyền với BRS. Bên cạnh đó, việc giao hàng không phải lúc nào cũng đúng hạn.

Knight còn gặp nhiều rắc rối tài chính. Dù doanh thu liên tục tăng gấp đôi, các ngân hàng vẫn lưỡng lự khi cho ông vay.

Năm 1971, BRS và Onitsuka Tiger chấm dứt hợp tác. BRS gần như phải bắt đầu lại mọi thứ. Knight, Bowerman và 45 nhân viên khi đó phải tìm nhà máy mới để sản xuất giày. Họ thậm chí còn phải tìm tên mới cho công ty.

Trong hồi ký, Knight cho biết ban đầu, ông định đặt tên công ty là Dimension 6. Nhưng sau đó, "Khi Jeff Johnson nghĩ ra tên Nike, tôi cũng không biết mình có thích không nữa. Nhưng dù sao nó cũng hay hơn các tên khác", ông nhớ lại. Johnson là nhân viên đầu tiên của Nike. Ông nghĩ ra từ Nike sau khi nhìn thấy tên nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp.

Họ cũng phải thiết kế logo mới. Vì thế, Knight đến gặp Carolyn Davis – sinh viên thiết kế tại Trường đại học Portland gần đó. Davis lấy giá 35 USD cho hình swoosh – dấu phẩy hướng lên trên.

Việc kinh doanh của Nike sau đó khá thành công, nhờ giày Cortez và Waffle Trainer. Bowerman lấy ý tưởng sản phẩm từ chiếc bánh waffle (bánh tổ ong) của vợ mình.

Nike sau đó liên tục phát triển, một phần nhờ các chiến dịch quảng cáo thông minh, nổi tiếng nhất là Just Do It năm 1988. Việc hợp tác với người nổi tiếng cũng góp phần đáng kể vào thành công của họ. Nike đã ký hợp đồng với nhiều vận động viên như Tiger Woods, Kobe Bryant và Lebron James trong giai đoạn đầu sự nghiệp của họ.

Sự hợp tác được đánh giá thành công nhất là với Michael Jordan. Nike ký hợp đồng trước cả khi Jordan trở thành ngôi sao. Dòng sản phẩm hợp tác mang tên Air Jordan cũng đem về 100 triệu USD doanh thu cho Nike cuối năm 1985. Đến nay, Air Jordan vẫn là con gà đẻ trứng vàng cho hãng này.

Sự đồng hành của Knight và Bowerman là ví dụ kinh điển cho sự hợp tác giữa tinh thần khởi nghiệp và khả năng sáng tạo. Bowerman nổi tiếng với những thiết kế giày mang tính đột phá. Còn Knight có những ý tưởng marketing hiệu quả, như thông báo "4 trên 7 người về đích đầu tiên" trong môn marathon tại đợt tuyển chọn vận động viên Olympic Mỹ 1972 là đi giày Nike.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 tại Stanford, Knight kể lại rằng Bowerman không chỉ dạy ông cách chạy, mà còn tạo ra nền tảng giúp ông biết cách đáp trả sự cạnh tranh. "Ông ấy muốn người trẻ biết rằng họ cần chuẩn bị cho sự cạnh tranh suốt đời, chứ không chỉ là 4 năm trong đội tuyển trường đại học", Knight nhớ lại.

Năm 1980, Nike làm IPO. Knight lập tức trở thành triệu phú với số cổ phiếu trị giá 178 triệu USD. Hiện tại, Knight sở hữu 45,3 tỷ USD, theo Forbes và là người giàu thứ 17 tại Mỹ. Năm 2016, ông rời Nike, nhường vị trí chủ tịch cho Mark Parker sau 52 năm gắn bó với công ty. Bowerman thì đã qua đời năm 1999 ở tuổi 88.

Nike hiện tại là thương hiệu đồ thể thao hàng đầu thế giới, cùng với Adidas và Puma. Năm 2022, họ có gần 80.000 nhân viên trên toàn cầu. Doanh thu tài khóa 2022 đạt 46,7 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD so với năm trước đó.

Cũng trong cuộc phỏng vấn năm 2017 tại Stanford, Knight đã đề cao giá trị của việc học đại học. "Bill Gates và Steve Jobs bỏ học sau một năm và khởi nghiệp rất thành công. Nhưng trường hợp của tôi thì ngược lại. Tôi viết ra kế hoạch về công ty sau này trở thành Nike trong một lớp học ở Stanford", ông nói.

Và khi được hỏi lời khuyên cho doanh nhân khởi nghiệp, Knight cho biết họ cần chuẩn bị đối mặt với nhiều khó khăn và những bước lùi không ngờ tới. "Với các doanh nhân, mỗi ngày đều là một cuộc khủng hoảng", ông kết luận.

Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022