Năm vừa qua, không hãng bay trong nước nào có lãi bởi gánh nặng từ chi phí nhiên liệu tăng đột biến, tỷ giá, lãi suất cũng dâng cao. Tại tọa đàm về khơi thông cơ chế, tiếp sức cho hàng không chiều 24/2, hầu hết doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng cần thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, trong đó, tăng và tiến tới bỏ mức trần để hỗ trợ cho doanh nghiệp ở giai đoạn khó khăn.

Theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, tháng 12/2015 là lần cuối cùng điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa. Khi đó, tất cả hãng hàng không đều phải báo cáo chi tiết từng chỉ tiêu chi phí đầu vào ra sao, để làm cơ sở tính toán. "Từ đó đến nay, năm nào các hãng cũng họp cùng Bộ Giao thông Vận Tải, Cục Hàng không, phân tích các yếu tố đầu vào đã thay đổi, nhưng giá trần vẫn đóng khung", ông Thành nói.

Khung trần vé máy bay nội địa áp dụng từ tháng 8/2015

Nhóm Khoảng cách chặng bay Mức tối đa (đồng/vé một chiều)
I Dưới 500km 1.600.000
1 Nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội 1.600.000
2 Nhóm đường bay khác 1.700.000
II Từ 500 km đến dưới 850 km 2.200.000
III Từ 850 km đến dưới 1.000 km 2.790.000
IV Từ 1.000 km đến dưới 1.280 km 3.200.000
V Từ 1.280 km trở lên 3.750.000

Vé máy bay nội địa có mức trần, còn vé quốc tế thì không. Vì vậy, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng đã dẫn đến sự bất hợp lý như trần giá cao nhất của vé bay nội địa có thời điểm thấp hơn 40% so với mức cao nhất của chặng TP HCM - Singapore. Ông Thành đề xuất nên bỏ quy định trần vé nội địa trong dài hạn để đảm bảo ngành hàng không phát triển bền vững lâu dài.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways cũng cho rằng cần bỏ quy định này ra khỏi luật trong dài hạn. Trước mắt khi chưa thể sửa luật, ông Quân đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho điều chỉnh nâng giá trần phù hợp với các chi phí đầu vào và các quy định pháp luật. Ông cũng đề xuất Nhà nước vẫn quản lý giá trần với các đường bay chỉ có một hãng khai thác, còn đường bay có từ hai hãng cùng khai thác trở lên thì để thị trường tự điều tiết.

hgm02607-jpg-1677252671-167725-9074-8644-1677252996.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=j3ZDJHUWgnQMCUqhGxSwBw

Tổng giám đốc Bamboo Airways, Nguyễn Mạnh Quân tại toạ đàm hôm 24/2. Ảnh: Anh Tú

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), cho rằng duy trì trần giá vé máy bay nội địa là "một sự vô lý kinh khủng", kìm hãm sự phát triển của hàng không nội địa và cần bỏ càng sớm càng tốt. Theo ông, trên thế giới không còn quốc gia nào quy định trần giá vé máy bay.

"Bỏ trần có thể giúp các hãng trong nước cải thiện doanh thu, lợi nhuận trong những giai đoạn cao điểm", ông Nam nói và lấy ví dụ dịp Tết Âm lịch, các hãng đều phải bay một chiều máy bay rỗng không có khách. Ông cũng nói rằng hiện nay thị trường đã có 5 hãng bay, không còn doanh nghiệp giữ vị trí độc quyền nên không còn lý do gì để không bỏ trần giá vé.

Tổng giám đốc Bamboo Airways khẳng định bỏ giá trần sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Theo giải thích của ông, tăng hoặc bỏ trần giá vé cho phép doanh nghiệp chủ động đa dạng giải giá vé, nhằm lấy hạng vé cao bù đắp cho hạng vé thấp, giá vé giai đoạn cao điểm bù cho thấp điểm.

Về quan điểm này, ông Nam nhận định quy định giá trần khiến lượng vé giá rẻ ít đi, khiến tăng trưởng thị trường nội địa chậm lại. Bởi theo ông, tăng trưởng của thị trường nội địa phụ thuộc vào việc có ít hay nhiều vé giá rẻ.

a-nh-chu-p-ma-n-hi-nh-2023-02-7390-1829-1677252996.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dxBbQJkA_XkKnoJywpWobw

TS Lương Hoài Nam. Ảnh: Anh Tú

GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị sớm hay muộn cũng phải bỏ giá trần. Tuy nhiên, ông Đạt gợi ý cơ quan quản lý nên đưa ra một công thức điều hành giá vé máy bay như giá xăng dầu. "Không có giá trần thì chúng ta nên tạo ra một công thức, một khung dao động mở, đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, phù hợp lợi ích người dân", ông Đạt cho hay.

Năm 2021, Cục Hàng không cũng từng đề xuất bỏ trần giá vé trên đường bay có từ 3 hãng cùng khai thác để tăng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. "Giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không", Cục nêu lý do đề xuất.

Trong trường hợp nếu bỏ giá trần, ông Lương Hoài Nam lưu ý các hãng bay không được ngồi lại với nhau để thỏa thuận giá bởi sẽ vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh, ảnh hưởng quyền lợi khách hàng. Ông cho biết ở nước ngoài đã có trường hợp nhẹ thì bị phạt hàng trăm triệu USD, nặng thì người tham gia bị phạt tù.

Anh Tú

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022