Thông tin trên được nêu trong báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2023 do iPOS (doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp quản lý chuyên biệt dành riêng cho nhà hàng, cà phê) công bố hôm 27/3. Đây là dự án nghiên cứu chuyên sâu thường niên của iPOS phối hợp cùng Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam - VIRAC thực hiện trong 4 tháng với gần 3.000 nhà hàng, quán ăn và gần 4.000 người tiêu dùng trên cả nước.
Khảo sát chỉ ra rằng dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, nhưng vẫn có gần 60% người được hỏi (tăng 2% so với đợt khảo sát trước) cho hay sẵn sàng chi từ 41.000 đồng trở lên cho 1 lần "đi cà phê" trong năm 2023.
Trong số người được khảo sát, có 42,6% lựa chọn đi 1-2 lần một tháng, 30,4% đi tần suất 1-2 lần một tuần, tăng gần 8% so với năm 2022, còn 6,1% người được hỏi đi mỗi ngày.
Báo cáo dẫn số liệu thống kê của Euromonitor, cho thấy quy mô thị trường cà phê Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Năm 2023 đạt 11.560 tỷ đồng và sẽ tăng lên 12.400 tỷ đồng năm nay.
Một quán cà phê được khách ngồi hết bàn phía mặt tiền đường Bạch Đằng (Quảng Nam). Ảnh: Đắc Thành
Ngoài nhu cầu trên, báo cáo cho biết người Việt có xu hướng ăn ngoài thường xuyên hơn. Trong đó, hơn 17% người ăn ngoài mỗi ngày, 29% ăn ngoài 3-4 lần một tuần, tăng 11% so với năm 2022. Tín hiệu vô cùng tích cực cho thấy chi tiêu của khách hàng cho nhóm F&B khởi sắc trở lại.
Một điểm sáng nữa cho ngành F&B, năm ngoái 80% doanh nghiệp báo cáo có kết quả kinh doanh tốt. Sức khỏe doanh nghiệp phục hồi và đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần.
Trong số 2.255 đơn vị phản hồi có tình hình kinh doanh tốt, hơn 51,7% các cửa hàng ăn uống có dự định mở rộng quy mô. Tuy nhiên, vẫn còn gần 33,5% đơn vị không có nhu cầu này. Một vài lý do cho rằng doanh nghiệp đang hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại, hay lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn khi mở rộng.
Theo số liệu của Euromonitor, giá trị thị trường ngành F&B Việt Nam năm nay dự kiến sẽ tăng 10,92% so với 2023. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2023-2027 đạt 10,25% và dự kiến đạt giá trị 872.916 tỷ đồng năm 2027.
Với dịch vụ nhà hàng ăn uống, doanh thu chuỗi cửa hàng trong giai đoạn 2023-2027 được dự đoán tăng nhanh hơn với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 14,6%, trong khi doanh thu cửa hàng F&B độc lập là 12,52%.
Ông Nguyễn Thái Bình - chuyên gia vận hành ngành F&B - cho rằng sự trở lại mạnh mẽ của khách du lịch quốc tế thúc đẩy nhóm này tăng trưởng. Năm 2023 chứng kiến 3 nhóm khách du lịch lớn nhất là Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Nhóm khách này đang mạnh tay chi tiêu cho các dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam.
Thi Hà