Vừa mở cửa hàng đầu tiên ở Bình Dương cuối tháng trước, Uniqlo đã lên lịch đón khách ở chi nhánh thứ 19 tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào 21/7 tới. Đây là cửa hàng thứ tư chuỗi thời trang Nhật Bản mở trong năm nay - thời điểm điều kiện kinh doanh không mấy suôn sẻ. Nó cũng là ví dụ cho thấy lĩnh vực dịch vụ bán lẻ ít nhiều có sự sôi động giai đoạn sắp tới.
Sau nửa đầu năm tăng 6,33% so với cùng kỳ và đóng góp gần 79% vào tăng trưởng GDP, khu vực dịch vụ - đang chiếm hơn 43% cơ cấu nền kinh tế - sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng nửa cuối năm nay, theo các chuyên gia.
"Ngành dịch vụ sẽ là một nền tảng vững chắc để bù đắp một phần những khó khăn trong thương mại", bà Yun Liu, Chuyên gia kinh tế thị trường ASEAN của HSBC nhận định và cho rằng du lịch chính là chỗ dựa lớn.
Theo chuyên gia này, các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch, bao gồm vận tải, lưu trú và ăn uống sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh. Sáu tháng qua, khách du lịch đến Việt Nam hồi phục 80% so với mức độ hàng tháng của năm 2019, đón tổng cộng 5,6 triệu lượt khách.
Trong đó, khách Trung Quốc đạt gần 50% so với mức hàng tháng của 2019, nhờ khôi phục các đường bay thẳng. "Tiến độ này cho thấy Việt Nam đang trên đà vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách du lịch năm", bà Yun Liu dự đoán.
Trong cuộc họp sơ kết kinh tế - xã hội 6 tháng mới đây của TP HCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch cho hay cơ hội đang tích cực cho khách nội địa lẫn quốc tế. Với khách nội địa, quý II là mùa cao điểm du lịch và tâm lý khách đã ổn định sau khi đợt lễ 30/4 không bùng dịch. "Khách đã yên tâm đăng ký tiếp các tour thời gian tới", bà Hoa nói.
Biển Nha Trang chiều 30/4. Ảnh: Bùi Toàn
Ông Morgan Ulaganathan, Giám đốc Dịch vụ Tài sản & Tư vấn Du lịch - Khách sạn, Colliers Việt Nam cũng cho rằng nhu cầu lưu trú ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng theo làn sóng khách du lịch, doanh nhân hay chuyên gia nước ngoài. "Chúng tôi dự báo phân khúc này sẽ tăng trưởng tốt, nhất là khi Việt Nam đã thông qua chính sách thị thực thông thoáng hơn", ông nói.
Cũng lạc quan nhờ du lịch, công ty chứng khoán VnDirect dự báo GDP nửa cuối năm nay sẽ đạt 7,1%, giúp tăng trưởng cả năm có thể đạt 5,5%.
Mới đây, EuroCham Việt Nam đề xuất giải pháp mở rộng danh sách miễn thị thực cho khách từ 7 nước thành viên EU hiện tại lên tất cả thành viên (27 nước). Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho rằng điều này sẽ mang lại một lượng lớn khách từ thị trường hơn 500 triệu dân.
"Bằng việc gỡ bỏ rào cản cho khách quốc tế - những người có nhu cầu chi tiêu cao, chúng tôi chắc chắn điều này sẽ mở ra những cơ hội tốt cho ngành du lịch Việt Nam sau những năm khó khăn vừa qua," Gabor Fluit tuyên bố.
Bên cạnh khu vực dịch vụ, mảng sáng trong bức tranh kinh tế cuối năm đến từ các động thái của Chính phủ. Thời gian qua, Chính phủ có loạt hoạt động tháo gỡ các nút thắt của nền kinh tế, như ban hành chính sách hỗ trợ thị trường trái phiếu (Nghị định 08), giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), tìm kiếm giải pháp gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản phía Nam.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã 4 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất điều hành và ban hành Thông tư 02, 03 hướng dẫn cơ cấu lại nợ, khơi thông tín dụng. Các chính sách này được kỳ vọng sẽ dần phát huy tác dụng vào nửa cuối năm và xa hơn.
"Đà phục hồi trong nửa cuối năm nay được thúc đẩy chủ yếu bởi chính sách tài khóa mở rộng và môi trường lãi suất thấp hơn", báo cáo của VnDirect viết.
Chính sách tài khóa mở rộng gồm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; giảm thuế, phí; tăng lương cơ bản. Doanh nghiệp nhà nước cũng có thể tăng cường đầu tư trong thời gian tới để phối hợp với chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ.
Trong đó, công cụ đầu tư công - được xem là vốn mồi - điểm sáng trong bối cảnh vốn ngoại chậm lại và nguồn lực doanh nghiệp hạn hẹp. Tính đến 31/5, trên 157.000 tỷ đồng đã được giải ngân (22,22% kế hoạch được giao). Với mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch năm nay, ước tính sẽ có khoảng 550.000 tỷ đồng được giải ngân trong 7 tháng cuối năm.
Theo tính toán, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ hỗ trợ GDP tăng thêm 0,06%. Ông Nguyễn Quang Thuân đánh giá việc triển khai vốn đầu tư công thực tế phụ thuộc vào nỗ lực của Chính phủ và địa phương. "Kỳ vọng khoảng 70% thực hiện so với số kế hoạch đã là một điểm nhấn cho cả năm 2023 và 2024", ông nhận định.
Cùng với chính sách tài khóa, để hiệu quả hơn, HSBC cho rằng vẫn cần thêm hỗ trợ về lãi suất. Nhà băng này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có một đợt giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào quý III.
Theo Công ty chứng khoán ACBS, sự kết hợp giữa đẩy mạnh đầu tư công và mặt bằng lãi suất cho vay giảm sẽ giúp nhóm ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi. Trong đó, xây dựng dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong quý III và quý IV.
Dẫu vậy, thời gian tới vẫn còn một số gam màu tối, trong đó mối bận tâm lớn là sản xuất và xuất khẩu. Bà Yun Liu của HSBC cho rằng các điều kiện kinh tế không xấu đi, nhưng cũng không được cải thiện rõ rệt. Việt Nam đang phải vật lộn với những rủi ro gia tăng liên quan tới tăng trưởng, đặc biệt là từ chu kỳ thương mại.
Hồi quý II, xuất khẩu tiếp tục giảm hai con số, tốc độ tương đương quý I. Điểm sáng duy nhất là xuất khẩu nông sản, nhưng tỷ lệ 10% của ngành hàng này quá nhỏ để bù đắp cho sự suy yếu rộng khắp ở các lĩnh vực khác. Bởi lẽ, nhóm hàng điện tử tiêu dùng, dệt may/giày dép, máy móc và đồ nội thất gỗ, đều giảm hai con số.
Câu hỏi đặt ra cho ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam là khi nào chu kỳ thương mại toàn cầu sẽ thay đổi? Các chỉ số PMI các nền kinh tế lớn cho thấy không có cải thiện trong tương lai gần. Vì vậy, HSBC dự báo những thay đổi sớm nhất sẽ diễn ra vào khoảng quý IV.
Còn VnDirect lạc quan hơn phần nào khi cho rằng tổng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến số lượng đơn đặt hàng mới cho hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm sâu trong giai đoạn quý IV/2022 đến quý II/2023.
Tuy nhiên, tồn kho tại Mỹ đã có dấu hiệu đạt đỉnh vào cuối quý I/2023 và dự kiến giảm trong những quý tiếp theo. Do đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trong quý IV do tồn kho tại các nước phát triển giảm sẽ kích thích nhu cầu đối với hàng xuất khẩu.
"Chúng tôi cho rằng giai đoạn sóng gió của nền kinh tế đang dần qua đi, thay vào đó là những tia nắng đầu tiên của chu kỳ phục hồi", báo cáo chiến lược của công ty VnDirect nhận định.
Viễn Thông