Ghi nhận của VnExpress chiều nay cho thấy, tình hình cung ứng xăng dầu ở TP HCM vẫn rất căng thẳng dù đã điều chỉnh tăng giá.
Tại cây xăng trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp), nhân viên cho biết lượng khách mua từ sáng sớm quá đông, đến 12h trưa cây xăng hết hàng và đến tối cùng ngày vẫn chưa có xăng nhập vào trạm bán cho khách. "Chúng tôi đang chờ hàng về nhưng chắc phải đến đêm mới có", nhân viên cây xăng nói.
Một trạm xăng dầu trên đường Kinh Dương Vương, quận 6 vẫn giăng dây, tạm ngưng bán chiều 11/10. Ảnh: An Nhơn
Tương tự, theo nhân viên cây xăng ở đường Hà Huy Giáp (quận 12), hiện xăng về rất nhỏ giọt, mỗi đợt nhập vào bán 1-2 tiếng là hết hàng.
Chủ doanh nghiệp sở hữu 3 cây xăng ở TP HCM cho rằng các cửa hàng của ông đang bán cầm chừng với lượng hàng tồn kho. "Chúng tôi vẫn đăng ký nhập hàng nhưng các đầu mối đều báo hết và chưa biết bao giờ mới cấp lại", ông nói.
Theo đại diện Petrolimex, 3 ngày qua họ liên tục tăng cung ứng nguồn hàng cho các đại lý ở TP HCM để phục vụ người dân. Theo đó, ngày 9/10, đơn vị này đã cấp 1.900 m3, tăng 35% so với ngày thường và tiếp tục tăng lên 2.100 m3 vào ngày 10/10 (tức tăng 50% so với ngày thường). "Hôm nay, chúng tôi tiếp tục tăng cường nguồn cung so với hơn qua, lên mức cao nhất có thể", đại diện đơn vị này thông tin.
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL cho hay, hai ngày qua, nhiều cây xăng tại TP HCM đóng cửa, khách hàng ồ ạt chuyển qua các cây xăng PVOIL, lượng hàng bán ra tăng gấp 3 lần so với bình thường, gây áp lực lớn cho điều độ hàng của doanh nghiệp.
Theo ông Dương, lượng xăng dầu doanh nghiệp này cấp cho các đơn vị trong hệ thống từ đầu tháng 10 tăng 7% so với kế hoạch, riêng xăng vượt 16%. Tại TP HCM, PVOIL cung ứng cho các đơn vị phân phối tăng 28% kế hoạch sản lượng xăng dầu, trong đó xăng vượt 35%.
Người dân đổ về trạm xăng dầu Petrolimex trên đường Kinh Dương Vương, quận 6 lúc 18h ngày 11/10. Ảnh: An Nhơn
Trước tình trạng thiếu hụt xăng ngày càng nghiêm trọng, hôm nay Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết sẽ hỗ trợ tổ chức giao thông tạm thời cho một số phương tiện vận chuyển xăng dầu lưu thông vào khu vực nội đô thành phố trong thời gian hạn chế.
Bên cạnh đó, Sở này đề nghị Công an thành phố hỗ trợ phân luồng giao thông và tạo điều kiện tốt nhất để các phương tiện có nhu cầu vận chuyển xăng dầu được lưu thông thuận lợi nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng đầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân.
Để ứng cứu trước tình trạng số lượng cây xăng thiếu nguồn hàng ngày càng gia tăng, mới đây, nhiều doanh nghiệp miền Nam bao gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp... cũng đã đồng loạt gửi kiến nghị lên Liên bộ Công Thương - Tài Chính.
Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh lợi nhuận định mức. Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về VN (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành....
Trước đó, 36 doanh nghiệp xăng dầu TP HCM gửi kiến nghị lên Thủ tướng và nêu ý kiến cho rằng điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua"có vấn đề", gây bất lợi cho doanh nghiệp và bất ổn trên thị trường. Nếu tiếp tục điều hành trái với quy luật giá trị, cung cầu, các doanh nghiệp dự báo thị trường sẽ càng bất ổn.
Thi Hà