Số liệu trên được đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố công bố trong Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM, ngày 30/11. Mức vốn này giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái (11 tháng năm ngoái hơn 7,4 tỷ USD).
Hiện các nhà đầu tư Nhật tập trung vào các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và xây dựng. Đây đều là những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.
Ông Mizushima Kozo - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM (JCCH) cho rằng với những ưu tiên và hỗ trợ của chính quyền, thành phố vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài và Nhật Bản thời gian tới. Hiện tại, JCCH đang có số lượng hội viên đông thứ 3 thế giới sau hiệp hội tại Thượng Hải (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan).
Các nhà đầu tư Nhật cũng đánh giá cao những kết quả vĩ mô mà thành phố đạt được thời gian qua. Theo công bố tại hội nghị, GRDP của TP HCM cả năm ước tăng hơn 9%, vượt kế hoạch đề ra là 6-6,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 49,5 tỷ USD, tăng hơn 10%. TP HCM cũng nằm trong nhóm địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoài chỉ số vĩ mô khả quan, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá cao công tác hành chính. Thời gian qua, nhiều vấn đề về thuế và hải quan của giới thương nhân nước này đều được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết triệt để.
Nói về cải cách hành chính, ông Đào Minh Chánh - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, bên cạnh việc áp dụng các chính sách của Trung ương, TP HCM chủ động thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi. Trong đó, thành phố đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với luật định. Định kỳ hàng năm, TP HCM đều có những diễn đàn trao đổi với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
"Đây cũng là sự nỗ lực không ngừng nhằm giữ chân nhà đầu tư quốc tế cùng lực lượng lao động, trí thức có trình độ cao tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của thành phố", ông Chánh nói.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cũng góp ý những tồn đọng về đời sống và môi trường. Chẳng hạn nạn "xe dù", nhất là khu vực công cộng như sân bay, hay thực trạng vệ sinh công cộng của thành phố chưa tốt, cần hoàn thiện dần các công trình quanh tuyến Metro số 1...
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP HCM, phát biểu trong Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM năm 2022. Ảnh: ITPC
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP HCM - cho rằng đây là những vấn đề nhỏ, cụ thể nhưng lại "dai dẳng cần nhiều nỗ lực để giải quyết". Ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe, tệ nạn xã hội... đều là hệ quả đánh đổi mà bất kỳ đô thị nào cũng gặp phải khi đang trong quá trình phát triển với tốc độ nhanh.
"Những vấn đề nhỏ, nếu không được giải quyết tốt sẽ tác động rất lớn tới môi trường đầu tư của TP HCM. Chúng ta nên học hỏi Nhật với triết lý cải tiến liên tục không ngừng nghỉ ở bất kỳ khâu nào, cấp độ nào, dù đã hoàn thiện vẫn có thể cải tiến thêm", ông nói.
Tất Đạt