Sau ba năm trở lại Bali, chị Ngọc Yến cho biết chuyến du lịch lần này tiết kiệm và thuận tiện hơn nhiều nhờ có đường bay thẳng từ TP HCM. Trước đây, chị phải quá cảnh tại Singapore vài tiếng, vừa tốn thời gian, vừa phát sinh thêm chi phí.
"Nay có đường bay thẳng, chúng tôi không phải quá cảnh, dễ đổi vé, tiếp viên nói tiếng Việt và suất ăn hợp khẩu vị", chị Yến nói.
Ghi nhận của VnExpress cũng cho thấy thời gian gần đây, các đường bay thẳng từ Việt Nam đi các nước châu Á, châu Âu liên tục được khai trương. Vietnam Airlines dẫn đầu cuộc đua với loạt đường bay mới: TP HCM - Bali, Hà Nội - Bengaluru, Hà Nội - Hyderabad, TP HCM - Copenhagen, Hà Nội - Milan...
Đại diện Vietnam Airlines Group cho biết hãng đã khôi phục và mở rộng mạng bay quốc tế "một cách nhanh chưa từng có". Trong năm 2024 và nửa đầu năm nay, hãng đã mở thêm 13 đường bay mới, nâng tổng số lên 69 đường bay quốc tế, kết nối đến 37 điểm thuộc 21 quốc gia, tăng 13% so với giai đoạn trước Covid-19.
Đặc biệt, hãng cũng lần đầu khai thác đường bay thẳng Việt Nam - Đan Mạch, đồng thời phục hồi các chặng quan trọng như Hà Nội - Moscow, TP HCM - Osaka. Hãng dự kiến nâng tần suất TP HCM - Bali lên 7 chuyến mỗi tuần từ tháng 7. Với các đường bay quốc tế, doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm của hãng tăng 10,6% so với cùng kỳ, chiếm 60% tổng doanh thu vận tải.

Máy bay Vietnam Airlines chở hành khách trên hành trình TP HCM - Bali hạ cánh tại sân bay Bali hôm 4/6. Ảnh: Giang Huy
Cùng thời điểm, Vietjet Air đẩy mạnh thâm nhập thị trường Ấn Độ, khai thác loạt đường bay kết nối Việt Nam với các đô thị lớn như Mumbai, Ahmedabad, Hyderabad. Giữa tháng 6, hãng này mở các đường bay đầu tiên giữa Nha Trang và ba thành phố vùng Viễn Đông Nga: Vladivostok, Khabarovsk và Blagoveshchensk. Đầu tháng 7, hãng tiếp tục khai trương đường bay Hà Nội - Thành Đô (Trung Quốc).
Không dừng lại ở châu Á, Vietjet dự định mở rộng khai thác sang châu Đại Dương với đường bay đến Auckland (New Zealand) vào tháng 9.
Bamboo Airways sau giai đoạn tái cấu trúc, cũng tập trung vào các đường bay ngắn có tần suất linh hoạt như Bangkok, Đài Bắc, Seoul. Còn Vietravel Airlines mở rộng hợp tác charter, phục vụ tour trọn gói đi Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan, tập trung nhóm khách cao cấp.
Tính đến nay, các hãng hàng không Việt đang khai thác hơn 150 đường bay quốc tế, vượt mốc trước Covid-19. Theo Cục Hàng không Việt Nam, tốc độ mở mới và khôi phục mạng bay quốc tế nhanh chưa từng có, chủ yếu nhằm giữ slot tại các sân bay lớn và tận dụng đà phục hồi nhu cầu du lịch, thương mại.
Ở chiều ngược lại, các điểm đến du lịch nổi bật tại Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc tiếp tục được khách quốc tế ưa chuộng. Các hãng lên kế hoạch tăng tần suất và mở thêm đường bay quốc tế đến những địa phương này nhằm đẩy mạnh hai chiều khai thác, nâng hiệu quả đội bay và hỗ trợ kích cầu du lịch.
Các hãng cho biết việc mở lại các đường bay trọng điểm không chỉ là "cầu nối thương mại và du lịch", mà còn là chiến lược củng cố vị thế Việt Nam trong mạng lưới vận chuyển toàn cầu.
"Chúng tôi không chạy theo số lượng mà lựa chọn các điểm đến mang tính liên kết cao, phục vụ cả hành khách và hàng hóa", đại diện một hãng hàng không chia sẻ.
Theo một tiếp viên Vietnam Airlines, nhiều hành khách trên chuyến TP HCM - Bali đánh giá cao sự thuận tiện khi bay cùng hãng Việt Nam, nhất là ở khâu giao tiếp và thủ tục. Một số chặng mới như Hà Nội - Hyderabad cũng thu hút khách nhờ giá vé cạnh tranh và khả năng kết nối nội địa dễ dàng tại điểm đến.
Một số đại lý ở Hà Nội cho biết nhu cầu tìm mua vé bay thẳng đến các điểm đến như Ấn Độ, Bali đang tăng rõ rệt trong quý II. Theo ghi nhận từ đại lý của chị Phạm Thị Thu (quận Cầu Giấy cũ), loại hình bay thẳng rất thu hút nhóm khách du lịch tự túc và khách công tác nhờ tiết kiệm thời gian, chi phí quá cảnh và thuận tiện cho việc sắp xếp lịch trình.
Đại diện các hãng cũng nhận định kết quả tài chính khả quan là nền tảng để tiếp tục mở rộng và duy trì mạng bay quốc tế ổn định đến cuối năm nay. Vietnam Airlines ưu tiên các đường bay có tính kết nối cao, phục vụ đồng thời hành khách và hàng hóa. Vietjet nhấn mạnh việc thâm nhập các thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và châu Đại Dương là bước đi dài hạn để mở rộng không gian tăng trưởng.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cũng nhận định: "Mở đường bay quốc tế là bước đi chiến lược để nâng tầm thương hiệu quốc gia, nhưng hiệu quả khai thác và chất lượng dịch vụ mới là yếu tố quyết định khả năng duy trì đường bay ổn định".
Ông cho rằng nếu các chặng mới không đạt hiệu quả tài chính, hãng có thể đối mặt nguy cơ thừa đội bay và lỗ trong khai thác. Thêm vào đó, chi phí nhiên liệu và thuê tàu bay tăng cao đang gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận, nhất là với các hãng mới tái cấu trúc chưa có nền tảng tài chính vững.
Cũng theo ông Thiện, cạnh tranh giá vé trong khi chi phí đầu vào tăng, cùng với nhu cầu chưa ổn định ở một số thị trường sẽ là rủi ro. Ngoài việc mở rộng mạng bay, chuyên gia này nhấn mạnh cần đồng bộ dịch vụ mặt đất, thủ tục xuất nhập cảnh và trải nghiệm tại sân bay. Nếu thiếu các yếu tố đó, mở rộng mạng bay có thể chỉ mang tính hình thức.
Thi Hà