Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm ngoái, Bộ Công Thương duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời vào quy hoạch không có căn cứ, cơ sở pháp lý. Trong đó, 123 dự án là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối hệ thống, cơ cấu nguồn điện, lãng phí nguồn lực xã hội.
Chính phủ đồng ý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho 154 dự án điện tái tạo trên, theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11. Tại hội nghị chiều 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đưa ra quan điểm, nguyên tắc chung để giải quyết, gỡ vướng nhất là với các bên không cố ý vi phạm.
"Không hợp thức hóa sai phạm nhưng có giải pháp, cơ chế để giải quyết dứt điểm", ông nói, thêm rằng chủ trương gỡ vướng này để không lãng phí nguồn lực xã hội, giữ niềm tin của nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Song, Thủ tướng lưu ý các sai phạm cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể với các cá nhân liên quan. "Chính phủ chủ trương, các địa phương phải cùng doanh nghiệp tháo gỡ. Đặc biệt, nghiêm cấm chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng rồi lại phải xử lý", ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo, ngày 12/12. Ảnh: VGP
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%. Sản lượng điện phát của năng lượng tái tạo (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng gần 13% hệ thống điện. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng chủ trương phát triển năng lượng tái tạo mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh. Do đó, quá trình thực hiện phát sinh một số sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.
Lần gỡ vướng này, Chính phủ thống nhất cho phép bổ sung vào quy hoạch các dự án điện tái tạo từng bị thanh tra. Tuy nhiên, điều kiện là các dự án này không vi phạm quy định về an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng sẽ được nhà chức trách cho phép hoàn thiện theo quy định.
Còn dự án vi phạm quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng sẽ phải đánh giá lại hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và dự án để điều chỉnh. Phương án có thể tính tới là cho tích hợp, thực hiện đồng thời dự án năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan. Với các dự án hưởng giá FIT vi phạm do lỗi của doanh nghiệp và không đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi sẽ phải xác định lại giá mua bán điện, thu hồi tiền giá FIT qua bù trừ thanh toán tiền mua điện. Với các dự án đã bị khởi tố, việc xử lý, khắc phục chỉ thực hiện sau khi bản án có hiệu lực.
Thủ tướng nêu rõ "thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết minh bạch, không đùn đẩy hoặc xử lý vòng vo, sách nhiễu. Việc tháo gỡ được coi là hợp pháp khi cấp có thẩm quyền đồng ý và phải dứt điểm trước ngày 31/1/2025.
"Xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng để tạo điều kiện tháo gỡ cho các dự án", Thủ tướng nói, thêm rằng trường hợp pháp luật hiện hành thay đổi, không gây hậu quả, tham nhũng thì không xử lý hình sự.
Phương Dung