Ngân hàng Quân Đội (MB) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lần lượt lên 18.155 tỷ đồng (số vốn tăng thêm hơn 1.000 tỷ) và 15.706 tỷ đồng (tức tăng thêm 1.647 tỷ). 

Trước đó, Hội đồng quản trị ACB cũng đã trình cổ đông phê duyệt tăng vốn điều lệ lên 11.259 tỷ đồng. Mức này tăng gần 20% trong năm 2017, thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% cho cổ đông hiện hữu với số lượng tối đa là gần 98,6 triệu cổ phiếu. Tính đến hết năm 2016, vốn điều lệ của nhà băng này đạt 9.377 tỷ đồng và thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ dẫn đầu.

tiennganhang-8127-1504411361.jpg

Các ngân hàng tăng cả nghìn tỷ đồng vốn điều lệ. Ảnh: PV.

Tương tự, Techcombank đã trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, từ mức 8.878 tỷ hiện nay lên gần 14.000 tỷ đồng năm nay. Việc tăng vốn thông qua chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ nắm giữ. Thời điểm chào bán dự kiến trong quý II hoặc quý III.

Ngay cả những ngân hàng từng thất bại với kế hoạch tăng vốn vì nhiều lý do cũng tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Chẳng hạn như OCB, tại Đại hội cổ đông thường niên năm ngoái đã thông qua việc tăng vốn từ 4.000 tỷ lên 5.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trong năm 2017, ngân hàng tiếp tục trình lại kế hoạch tăng vốn thông qua việc phát hành 5% cổ phiếu thưởng cho cổ đông và phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc.

Tăng vốn trong bối cảnh phải rốt ráo xử lý nợ xấu được xem là áp lực. Nhưng lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, trong chiến lược phát triển lâu dài thì việc tăng cường khả năng phòng thủ thanh khoản hay nói cách khác là tăng độ vững mạnh của bảng tổng kết tài sản qua việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh đó là để nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực đầu tư phát triển hệ thống, mở rộng mạng lưới chi nhánh và tăng cường đầu tư…

"Việc tăng vốn điều lệ này sẽ giúp ngân hàng tăng giới hạn liên quan tới cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung và dài hạn để tài trợ cho các hoạt động cấp tín dụng", một Phó tổng giám đốc ACB lý giải và cho biết, việc này còn để tạo thêm nguồn vốn đầu tư vào các giải pháp nâng cao hệ thống công nghệ thông tin, quản trị rủi ro...

Trong khi đó, theo các chuyên gia tài chính, tăng vốn còn là yêu cầu tất yếu để các ngân hàng đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro ngày càng khắt khe. Trước hết là mục đích đảm bảo tỷ lệ vốn an toàn (CAR) theo đúng quy định. Hiện tại tỷ lệ CAR theo quy định của Ngân hàng Nhà nước ở mức 8%.

Thanh Lê

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022