Hôm 27/10, Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP nước này tăng 2,6% trong quý III. Trước đó, GDP hai quý đầu năm giảm lần lượt 1,6% và 0,6%. Trên lý thuyết, một nền kinh tế được coi là suy thoái nếu tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp.
Vì vậy, sau khi số liệu GDP Mỹ được công bố, câu hỏi đặt ra là Mỹ đã tránh được suy thoái hay chưa?
Dù tăng trưởng kinh tế thường là một dấu hiệu tốt, giới quan sát thị trường lại lo ngại đó là dấu hiệu Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Mà điều này cuối cùng có thể dẫn đến suy thoái.
Theo Bloomberg, bức tranh kinh tế Mỹ đang rất "kỳ lạ". Các dấu hiệu thể hiện trái chiều. Giá tiêu dùng vẫn tăng, chi tiêu hộ gia đình đang chịu áp lực, lãi suất vay thế chấp tăng cao đang bắt đầu làm hạ nhiệt thị trường nhà ở, còn tỷ lệ thất nghiệp lại ở mức thấp nhất 5 thập kỷ. Các công ty lớn thì báo cáo kết quả kinh doanh trái ngược nhau, khiến thị trường chứng khoán bối rối.
Vì thế, mọi người cũng giải thích số liệu GDP theo những cách khác nhau. Tổng thống Joe Biden nói rằng nó "là bằng chứng mới nhất cho thấy đà phục hồi kinh tế của chúng ta vẫn đang tiếp diễn". Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley thì cho biết quý III có khả năng là đỉnh tăng trưởng. Trong khi CEO McDonald’s dự báo một cuộc suy thoái nhẹ đến trung bình.
"Thật tuyệt khi thấy GDP tăng, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta đang có những tín hiệu kinh tế rõ ràng", Brittany Brinckerhoff, Cố vấn tài chính tại Hilltop Wealth Advisors ở Bắc Carolina, nhận định. Theo chuyên gia này, lạm phát vẫn ở mức cao và Fed vẫn có khả năng tiếp tục tăng lãi suất. Tăng trưởng kinh tế vì thế có thể tiếp tục chậm lại.
Mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa ở Glenview, Illinois vào tháng 7/2022. Ảnh: AP
Vậy tóm lại, Mỹ đã suy thoái chưa? Hầu hết vẫn đồng ý là chưa. Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) là cơ quan có thể tuyên bố suy thoái. Nhưng thường họ mất một năm để nhìn lại và kết luận điều này.
NBER định nghĩa về suy thoái là "sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên toàn nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng". Tuy nhiên, David Huebner, Cố vấn tài chính tại Huebner Financial Planning, cho rằng nghĩa này mang tính chủ quan và không có quy tắc cố định nào trong việc xác định mức giảm đáng kể. "Mức giảm 1,6% trong quý I, sau đó là 0,6% trong quý II không phải là đáng kể. Nó được cho là nhẹ thì đúng hơn", ông nói.
Vậy liệu Mỹ có tiến tới suy thoái hay không? Giới quan sát thị trường và nhà kinh tế học cho rằng điều này ngày càng có khả năng xảy ra. CEO Goldman Sachs David Solomon cho biết các điều kiện kinh tế sẽ "thắt chặt một cách rõ nét từ đây". Trong khi đó, Franck Petitgas - lãnh đạo các hoạt động quốc tế tại Morgan Stanley - cho biết năm 2023 có vẻ "tiềm ẩn rủi ro".
Richard F. Moody - kinh tế trưởng tại Regions Financial đánh giá tình trạng chung của nền kinh tế là đang xấu đi. Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát tăng và lãi suất cao hơn. "Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã chứng kiến toàn bộ tác động của lãi suất cao đến nền kinh tế đâu. Đó là lý do chúng tôi đặt kỳ vọng khá thấp trong vài quý tới", ông nói.
Các dự báo trong mô hình kinh tế của Bloomberg cũng cho thấy rằng một cuộc suy thoái tại Mỹ gần như chắc chắn diễn ra trong 12 tháng tới. "Tôi nghĩ rằng suy thoái vẫn chưa bắt đầu, nhưng rất có thể sẽ diễn ra vào năm 2023", Chris Diodato, Nhà sáng lập WELLth Financial Planning ở Palm Beach Gardens, Florida, nói.
Các nhà kinh tế không kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu trong quý III sẽ kéo dài, do USD mạnh lên và kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Cùng với đó, quỹ đạo của nền kinh tế phần lớn phụ thuộc vào phản ứng của người tiêu dùng.
Giám đốc điều hành Bank of America Brian Moynihan cho biết lạm phát cao và lãi suất tăng không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng Mỹ. Dữ liệu của công ty cho thấy người tiêu dùng vẫn đang tăng chi. Họ cũng có nhiều tiền hơn trong tài khoản ngân hàng so với trước đại dịch.
Nguyên nhân là người tiêu dùng đang được hưởng lợi từ thị trường lao động thắt chặt. Các nhà tuyển dụng đang tìm cách giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tăng lương khi phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân sự.
"Rõ ràng lạm phát là xấu, đang làm tổn thương rất nhiều người tiêu dùng. Nhưng họ vẫn chi tiêu, đi du lịch và làm tất cả những việc khác", Mark Begor, CEO công ty báo cáo tín dụng Equifax, bình luận.
Theo Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance, GDP quý III đồng nghĩa Fed có thể cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ hơn nữa. "Nền kinh tế không chậm lại, người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu nhiều và lạm phát sẽ không sớm giảm về mốc 2% đâu", ông nêu lý do.
Trong cuộc họp vào tuần tới, Fed dự kiến tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Các nhà đầu tư dự đoán Fed tiếp tục tăng thêm 50 hoặc 75 điểm cơ bản vào tháng 12 và sau đó kết thúc quá trình thắt chặt vào đầu năm 2023, khi lãi suất cơ bản khoảng 4,9%.
Bên cạnh đó, một số công ty - đặc biệt trong các lĩnh vực được hưởng lợi từ cơn sốt hàng tiêu dùng trong đại dịch - đang chứng kiến sự thoái lui của người tiêu dùng. Gary Lemanski - chủ sở hữu Grawn, chuyên sản xuất và bán các phụ kiện cho săn bắn, bắn súng và giải trí ngoài trời, cho biết doanh số bán hàng đã giảm khoảng 25% trong năm nay so với cùng kỳ 2021.
Nhiều yếu tố thúc đẩy doanh số bán hàng tăng vọt trong năm 2020 và 2021 - như chính phủ phát tiền, có nhiều thời gian ở nhà để đi chơi trong rừng và không thể chi tiêu cho du lịch - đã biến mất. "Tôi nói chuyện với rất nhiều người, và họ đều nói rằng kiếm sống ngày càng khó khăn hơn", ông nói.
Nhiều công ty công nghệ cũng đang cảm nhận ảnh hưởng khi kinh tế chậm lại. Meta - công ty mẹ của Facebook - công bố doanh thu giảm quý thứ hai liên tiếp. Microsoft dự kiến doanh số bán máy tính cá nhân giảm mạnh. Việc USD tăng giá cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng của công ty này.
Lạm phát cũng đang làm giảm nhu cầu mua sắm đồ giá trị lớn của một số người. Theo khảo sát của Đại học Michigan, hầu hết người Mỹ nói rằng đây không phải thời điểm tốt để mua xe hơi hoặc những đồ gia dụng lớn như nội thất, tủ lạnh hoặc bếp, vì giá cao.
CarMax, một hãng bán lẻ xe đã qua sử dụng, báo cáo lợi nhuận giảm hơn 50% trong quý gần nhất do điều kiện kinh tế khó khăn đè nặng lên người tiêu dùng. "Quý này phản ánh sức ép mà ngành công nghiệp xe hơi cũ đang phải đối mặt", William Nash, CEO công ty cho biết. Theo ông, giá xe tăng, lãi suất leo thang và niềm tin của người tiêu dùng giảm là các nguyên nhân chủ yếu.
Phiên An (theo Bloomberg, WSJ)