Du khách Trung Quốc đã tràn ngập các điểm nóng du lịch trong nước, đặt nhiều chuyến đi nước ngoài hơn và đổ xô đến rạp chiếu phim trong kỳ nghỉ lễ dài đầu tiên sau khi Bắc Kinh quyết định mở cửa.

Dữ liệu được công bố trong tuần này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch vào dịp Tết Nguyên đán. Theo công ty du lịch trực tuyến Trip.com, lượng đặt phòng khách sạn trong nước đã tăng hơn gấp đôi so với 2022. Doanh thu phòng vé tăng gần một phần ba.

Cả hai đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cuối cùng trước đại dịch. Lượng khách đến trung tâm cờ bạc Macau tăng gần gấp 4 lần so với 4 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ năm ngoái.

Trung bình có 36,8 triệu lượt hành khách đi lại mỗi ngày kể từ ngày 7/1, cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ 2022, mặc dù giảm 47% so với năm 2019, theo tính toán của Nomura. Còn theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, hơn 300 triệu chuyến đi đã được thực hiện trong mùa Tết này, tức gần 90% mức trước đại dịch.

screenshot-2023-01-28-at-11-17-2837-4944-1674880145.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qvGKDLdAY5BOl3t6wFhH5w

Đường màu xanh lá là số chuyến đi của người Trung Quốc (triệu chuyến) tính đến 26/1 (mừng 5 Tết). Đồ họa: Bloomberg

Fliggy, một nền tảng du lịch trực tuyến thuộc Alibaba, cho biết các đơn đặt hàng du lịch nội địa đường dài trong bốn ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ 2022. Lượng đặt chỗ cho các chuyến đi nước ngoài thì tăng gấp đôi.

"Nhu cầu bị dồn nén đang được giải tỏa khi nhiều người đổ xô đến các danh lam thắng cảnh, xem bắn pháo hoa và chen chúc vào các nhà hàng và khách sạn", Ting Lu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura Holdings, nhận định.

Chen Peiyu và cha mẹ cô đã có chuyến đi xa đầu tiên sau 3 năm. Họ dành 5 ngày trên đảo Hải Nam. Cô cho biết các khách sạn trên đảo đắt gấp bốn lần so với bình thường và nhà hàng thì chật cứng. Tuy nhiên, với cô vẫn xứng đáng.

"Thật tuyệt khi được ở trong khí hậu ấm áp của Hải Nam và đi du lịch mà không phải lo lắng về sức khỏe hay những vấn đề khác. Có cảm giác như cuộc sống cũ đã quay trở lại", Chen nói.

Đặc khu Macau đã đón gần 245.000 du khách trong bốn ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết. Các điểm du lịch nổi tiếng khác ở Trung Quốc, chẳng hạn như núi Nga Mi ở tỉnh Tứ Xuyên, đã tạm dừng bán vé để tránh tình trạng quá tải.

Carol Gong, người đã đoàn tụ với gia đình ở Thượng Hải, đã bị choáng ngợp bởi đám đông trong chuyến đi trong ngày tới Disneyland. Cô mô tả dòng người nối gót, sát vai nhau xếp hàng một tiếng đồng hồ dưới trời lạnh giá để được vào công việc giải trí. Tuy nhiên, cô cảm thấy hài lòng. "Mọi người rất nhẹ nhõm vì Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Họ đang bắt đầu thư giãn và tận hưởng cuộc sống", cô kể.

Trong khi đó, cư dân thành thị đổ xô đến rạp chiếu phim. Doanh thu phòng vé trên toàn quốc trong bốn ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán tăng 30% so với cùng kỳ 2022 và cao hơn 11% so với 2019, theo dữ liệu từ Lighthouse.

Các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã bỏ lệnh cấm bắn pháo hoa. Động thái này giúp người dân ở các thành phố bao gồm Côn Minh, Trịnh Châu và Hàng Châu đổ nhau sắm pháo hoa mừng năm mới. Giá của một thương hiệu pháo hoa nổi tiếng - Gatling, đã tăng lên tới 200 nhân dân tệ mỗi que, từ 20 nhân dân tệ trước vào trước Tết.

1x-1-jpeg-3485-1674880145.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kmlqLsNCJN0rNSVH2ww4EA

Khu mua sắm đường Đông Nam Kinh ở Thượng Hải vào ngày 24/1 (mùng 3 Tết). Ảnh: Bloomberg

Chi tiêu của người tiêu dùng trên nền tảng thanh toán Alipay của Ant Group đã tăng hơn gấp đôi tại các điểm du lịch so với cùng kỳ 2021. Các lượt tìm kiếm đặt phòng khách sạn tăng 600% và chi tiêu cho khách sạn trên nền tảng này tăng 80%.

"Dịch bệnh dường như đột ngột biến mất khỏi đại đa số mọi người. Tết Nguyên đán ở Trung Quốc rất sôi động. Tiêu dùng đã hồi phục nhanh chóng", Hu Xijin, cựu tổng biên tập Global Times, bình luận.

Không khó để giải thích việc người Trung Quốc lập tức đi lại và du lịch ngay sau khi được dỡ bỏ các biện pháp chống dịch kiểu cũ. Nhiều người cho rằng họ đang tận hưởng lần đầu đi lại mà không bị hạn chế. Một số cảm thấy cơ hội kết nối với người thân dịp Tết này rất quý giá.

"Tôi đang dùng dịp này để bù đắp cho tất cả cuộc đoàn tụ đã mất trong ba năm qua. Những đám cưới bị trì hoãn đang diễn ra. Tôi được nhìn rất nhiều khuôn mặt đã không gặp trong một thời gian dài. Truyền thống tụ họp của Trung Quốc cuối cùng đã bắt đầu lại", Catherine Zhou, ở Ôn Châu, Chiết Giang, nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ phục hồi và việc cải thiện niềm tin tiêu dùng có thể cần thêm thời gian. "Chi tiêu cho dịch vụ đã phục hồi nhanh chóng vì nó đã bị kìm hãm trong suốt ba năm qua. Nhưng còn quá sớm để nói liệu chúng ta có thấy tiêu dùng phục hồi trên diện rộng hay không", Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại JD.com, đánh giá.

Kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, Trung Quốc chủ yếu dựa vào các khoản đầu tư và xuất khẩu do chính phủ lãnh đạo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp chống dịch cứng rắn, như xét nghiệm Covid thường xuyên, cách ly hàng loạt và phong tỏa trên diện rộng, đã gây tổn hại lớn đến niềm tin tiêu dùng.

Doanh số bán lẻ, đại diện cho chi tiêu của người tiêu dùng, đã giảm 0,2% vào năm 2022 so với 2021, kéo mức tăng trưởng chung xuống gần mức thấp lịch sử là 3%. Giờ đây, khi cơ quan y tế Trung Quốc cho biết số ca nhiễm đã đạt đỉnh, cùng với việc các hộ gia đình đã gửi thêm hơn 2.500 tỷ USD vào ngân hàng năm ngoái, một số nhà kinh tế kỳ vọng tiêu dùng phục hồi sẽ củng cố tăng trưởng năm nay.

Tuy nhiên, chi tiêu cho các mặt hàng đắt tiền như ôtô và căn hộ có thể vẫn giảm ngay cả khi số ca nhiễm đã đạt đỉnh, theo các nhà kinh tế của Nomura Holdings. Những người khác đặt câu hỏi liệu nhu cầu giải trí và du lịch bị dồn nén có được duy trì sau kỳ nghỉ Tết hay không, và bao nhiêu phần trăm tiết kiệm tăng thêm đang gửi trong ngân hàng sẽ được rút ra để chi tiêu thực tế.

Nomura cho rằng, các nhà hoạch định chính sách có thể cần thực hiện các biện pháp táo bạo hơn, chẳng hạn như phát tiền mặt, để trấn an người tiêu dùng đang phải đối mặt với một thị trường lao động vẫn còn mong manh và tăng trưởng thu nhập chậm chạp.

Với một số người, nỗi sợ hãi về Covid và lo lắng về an toàn của công việc tiếp tục cản trở kế hoạch chi tiêu và du lịch. Tại Thượng Hải, Xu Xiaoyan quyết định không về quê ở tỉnh Quảng Đông vì sợ tăng thêm nguy cơ lây nhiễm cho cha mẹ.

Thay vào đó, cô đến thăm các phòng trưng bày nghệ thuật, dành thời gian ở các quán cà phê và dự định tiết kiệm nhiều hơn cho những chuyến đi trong tương lai. Xu Xiaoyan cho biết đang có nhiều sự cạnh tranh hơn trong công việc. "Trong điều kiện kinh tế như vậy, tôi chắc chắn sẽ không phung phí", cô nói.

Phiên An (theo WSJ, Bloomberg)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022